Một người bình thường có thể đi ngoài từ 1-3 lần trong 1 ngày đêm hoặc trên 3 lần trong 1 tuần. Vì vậy, khi quá 3 ngày chưa đi ngoài hoặc đi ngoài dưới 3 lần trong 1 tuần có thể gọi là mắc bệnh táo bón. Khi bị táo bón mạn tính sẽ gây ra nhiều hậu quả xấu: Các chất chuyển hóa nằm lâu trong đường tiêu hóa, vi khuẩn sản sinh ra một lượng lớn các chất độc hại như methane, phenol, ammonia... Các chất này khuếch tán, xâm nhập hệ thống thần kinh trung ương, ảnh hưởng đến chức năng não bộ, xuất hiện các biểu hiện như hay cáu gắt, trí nhớ giảm sút, mất tập trung, mệt mỏi, lười ăn, chán ăn, thậm chí bỏ bữa, từ đó gây gầy sút, nếu người có tuổi rất dễ bị suy dinh dưỡng. Có rất nhiều nguyên nhân gây táo bón, trong đó có việc dùng thuốc.
Ăn nhiều rau quả giúp phòng ngừa táo bón.
Một số thuốc có thể gây táo bón
Trước hết phải kể đến một số thuốc dùng trong điều trị bệnh dạ dày, đây là bệnh gặp khá phổ biến trong cộng đồng thường được chỉ định dùng các loại nhôm hydroxid hoặc canxi carbonat. Các thuốc dạng này khi vào dạ dày sẽ kết hợp với phosphat tạo thành nhôm phosphat không tan và có khả năng gây táo bón.
Một loại bệnh hiện nay có tỷ lệ người mắc bệnh khá cao, nhất là lứa tuổi trung niên, người cao tuổi là bệnh tăng huyết áp. Có nhiều nhóm thuốc dùng để điều trị bệnh tăng huyết áp nhưng loại thuốc chủ vận thần kinh trung ương (clonidine, guanfacine, methyldopa) có thể gây ra táo bón và nhiều tác dụng phụ khác. Thuốc chẹn kênh canxi (amlodipine, diltiazem, felodipine, isradipine...), ngăn cản quá trình canxi xâm nhập cơ tim và tế bào mạch máu, từ đó gây giãn mạch, hạ huyết áp, thuốc chẹn canxi có thể gây ra táo bón.
Một số thuốc giảm cân có tác dụng như thuốc xổ, thuốc nhuận tràng, làm giảm cân bằng cách làm mất nước sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ nước trong phân gây táo bón ở các mức độ khác nhau.
Một loại thuốc dùng trong điều trị tiêu chảy, giảm đau bụng là opioid là dạng thuốc phiện (ví dụ opizoic) có tác dụng phụ gây táo bón. Một loại thuốc khác được dùng trong trị tiêu chảy là loperamid nếu sử dụng kéo dài, liều cao quá chỉ định rất dễ gây táo bón. Một số thuốc bổ máu như sắt, sau khi uống viên sắt cơ thể cần một lượng lớn nước để hấp thụ những khoáng chất có trong một số loại viên sắt, vì vậy, sẽ có nguy cơ táo bón.
Mọi người đều biết thuốc kháng sinh dùng để chữa các bệnh nhiễm vi khuẩn, vi nấm, tuy vậy, có một số thuốc kháng sinh khi sử dụng có thể gây táo bón do thuốc kháng sinh có tác dụng phụ làm tổn thương hệ thống tiêu hóa.
Một loại thuốc thường được sử dụng khá phổ biến trong cộng đồng là thuốc chống dị ứng (kháng histamin) như loratadin, nếu dùng lâu dài cũng gây nên tình trạng này. Ngoài ra, những người đang dùng thuốc chống trầm cảm, Parkinson... cũng cần đề phòng với táo bón do thuốc.
Để phòng táo bón do dùng thuốc, nên làm gì?
Để phòng táo bón do dùng thuốc, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ điều trị bệnh cho mình. Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh luôn luôn chú ý xem có tác dụng phụ gì xảy ra hay không, đặc biệt có gây hiện tượng táo bón. Nếu có, cần thông báo cho bác sĩ điều trị biết hoặc tái khám để có hướng xử trí kịp thời tránh để táo bón kéo dài.
Với những loại thuốc dễ gây táo bón như nêu trên, người bệnh không được tự động tăng liều, không được sử dụng kéo dài (tự động mua thêm thuốc không có chỉ định của bác sĩ).
Khi dùng các loại thuốc có nguy cơ gây táo bón, hàng ngày nên vận động cơ thể bằng cách tập thể dục một cách đều đặn, nhẹ nhàng tùy theo sức khỏe và điều kiện của mình. Nên uống nhiều nước, ăn thêm rau trong các bữa ăn chính và ăn thêm trái cây như dưa hấu, lê, xoài, cam...