Một số thuốc dùng trong điều trị gai cột sống

02-10-2024 15:12 | Tra cứu bệnh

SKĐS – Gai cột sống khiến người bệnh đau đớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, thậm chí có thể gây những biến chứng nguy hiểm. Do vậy, việc phát hiện và điều trị kịp thời là rất cần thiết.

Gai cột sống lưng - điều trị thế nào?Gai cột sống lưng - điều trị thế nào?

Gai cột sống thắt lưng thường gặp ở tuổi trung niên, bệnh thường gây đau nhức khi vận động mạnh hay sai tư thế chức năng.

Các loại thuốc trị gai cột sống giúp giảm các cơn đau và phòng ngừa cơn đau tái phát. Thông thường, để điều trị gai cột sống có thể dùng một số loại thuốc sau:

1. Thuốc giảm đau chống viêm không steroid điều trị gai cột sống

- Tác dụng: Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID) có tác dụng giảm đau nhanh, thường là trong vòng vài giờ. Tuy nhiên, có thể mất đến 2 tuần để có được lợi ích đầy đủ. Vì vậy hãy cân nhắc dùng để kiểm soát các triệu chứng. Sau 2-4 tuần dùng thuốc cần hỏi lại ý kiến bác sĩ nếu cơn đau không giảm.

Các thuốc hay dùng bao gồm: Ibuprofen, celecoxib, naproxen...

- Tác dụng phụ bao gồm: Đau dạ dày, ợ nóng, khó tiêu, phát ban, đau đầu...

NSAID có thể làm hỏng niêm mạc dạ dày và gây chảy máu, đặc biệt là nếu dùng liều cao, trong thời gian dài. Các loại thuốc ức chế bơm proton thường được kê đơn cùng với NSAID để giúp giảm nguy cơ tác dụng phụ này.

Một số thuốc dùng trong điều trị gai cột sống- Ảnh 2.

Gai cột sống khiến người bệnh đau đớn, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.

2. Thuốc giảm đau opioid

- Tác dụng: Các thuốc giảm đau opioid được sử dụng để điều trị cơn đau do gai cột sống từ trung bình đến nặng. Các thuốc bao gồm morphin, oxycodone, fentanyl, codeine, tramadol...

- Tác dụng phụ: Khi bắt đầu dùng thuốc, có thể gặp một số tác dụng phụ, thường sẽ hết sau vài ngày, như chóng mặt, buồn nôn, buồn ngủ.... Nếu dùng opioid lâu hơn, bệnh nhân có thể bị táo bón, ngứa, tăng cân, khó thở, thậm chí ngưng thở.

Lưu ý: Do thuốc có thể gây nghiện, nên thuốc với liều thấp nhất có tác dụng và trong thời gian ngắn nhất.

3. Thuốc chống viêm corticosteroid

- Tác dụng: Corticosteroid là thuốc chống viêm mạnh, giúp giảm viêm xung quanh dây thần kinh và tủy sống. Một liệu trình ngắn uống prednisone có thể giúp giảm đau do gai cột sống. Nếu cơn đau nghiêm trọng, tiêm corticosteroid vào các khớp của cột sống, làm giảm viêm và làm dịu xương bị kích thích.

- Tác dụng phụ: Mặc dù có hiệu quả đáng kể, nhiều tác dụng phụ làm hạn chế việc sử dụng corticosteroid. Tác dụng phụ phổ biến nhất là loãng xương, ức chế trục hạ đồi-tuyến yên-tuyến thượng thận, hội chứng Cushing, đái tháo đường, tăng đường huyết, bệnh cơ, bệnh tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, rối loạn tâm thần, suy giảm miễn dịch, bệnh tim mạch. Ngoài ra có thể gặp các tác dụng phụ về đường tiêu hóa và da liễu.

Một số thuốc dùng trong điều trị gai cột sống- Ảnh 3.

Bệnh nhân gai cột sống cần thăm khám tại cơ sở y tế để được chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

4. Thuốc giãn cơ

- Tác dụng: Thuốc giãn cơ có thể giúp giảm đau do căng hoặc co thắt cơ, cải thiện chức năng hàng ngày. Thuốc được kê đơn khi có cơn đau dữ dội, khó chịu và khi các thuốc không kê đơn (OTC), vật lí trị liệu không hiệu quả. Các thuốc này có hiệu quả cao khi sử dụng trong thời gian ngắn (2-3 tuần).

Các thuốc thường dùng như: Cyclobenzaprine, carisoprodol, chlorzoxazone, baclofen, diazepam…

- Tác dụng phụ: Mỗi loại thuốc giãn cơ theo toa có những tác dụng phụ khác nhau, bao gồm buồn ngủ, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, khô miệng, nghiêm trọng hơn là mờ mắt, ngất xỉu.

5. Lưu ý khi dùng thuốc trị gai cột sống

Để điều trị gai cột sống, an toàn, hiệu quả, người bệnh cần thực hiện:

- Chỉ dùng thuốc điều trị gai cột sống khi có chỉ định của bác sĩ.

- Tuân thủ phác đồ điều trị, không tự ý tăng/giảm/ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

- Báo ngay cho bác sĩ các triệu chứng bất thường khi sử dụng thuốc trong quá trình điều trị.

- Nên khám định kỳ để theo dõi tiến trình hoặc phát hiện những bất thường trong quá trình điều trị.

- Chườm nhiệt hoặc đá vào cổ có thể làm dịu các cơ cổ, cột sống bị đau.

- Dùng đai cổ hoặc đai lưng: Đai cho phép các cơ được nghỉ ngơi, nhưng chỉ nên đeo đai trong thời gian ngắn vì nó có thể làm yếu các cơ.

- Có thể áp dụng phương pháp vật lý trị liệu để giảm đau.

- Nếu dùng các thuốc trên mà không giảm đau, có thể cần áp dụng phương pháp phẫu thuật.

- Tập thể dục thường xuyên, duy trì hoạt động sẽ giúp tăng tốc độ phục hồi.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Nguyên nhân gây ra thoái hóa khớp cột sống | SKĐS


DS. Hoàng Vân
Ý kiến của bạn