Hà Nội

Một số thuốc dễ gây táo bón

02-01-2020 06:53 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Táo bón là chứng bệnh ở đường tiêu hóa khá phổ biến và thường gặp ở mọi lứa tuổi. Có nhiều nguyên nhân gây táo bón, trong đó có việc dùng thuốc.

Một số thuốc làm đại tràng hoạt động chậm lại, ảnh hưởng đến đường ruột và các bộ phận khác của cơ thể, gây táo bón. Nếu phải dùng lâu dài thì sẽ dễ dẫn đến táo bón kéo dài.

Táo bón tức là tình trạng phân di chuyển trong đường tiêu hóa chậm chạp, gây tình trạng đại tiện khó khăn, số lần đi đại tiện cách xa nhau từ 3 ngày trở lên (1 tuần không đi đại tiện được 3 lần). Khi đi đại tiện, phân khô cứng, nhỏ có khi thành cục, đại tiện xong mà cảm giác vẫn còn phân trong ruột. Táo bón là nguyên nhân gây ra các bệnh như nứt hậu môn, thoát vị, trĩ gây nhiễm độc cho cơ thể do phân tích tụ lâu ngày.

Táo bón là một trong các bất lợi khi dùng một số loại thuốc.

Táo bón là một trong các bất lợi khi dùng một số loại thuốc.

Các loại thuốc phổ biến gây táo bón

Thuốc giảm đau opioid: Opioid là các thuốc giảm đau mạnh, có thể kiểm soát cơn đau hiệu quả và cải thiện chất lượng cuộc sống ở bệnh nhân bị đau cấp hoặc mạn. Táo bón do opioid là tác dụng không mong muốn, thường gặp ở nhiều bệnh nhân sử dụng opioid.

Opioid làm giảm nhu động ruột kết hợp với giảm bài tiết ở ống tiêu hóa và tăng tái hấp thu dịch từ lòng ruột làm cho phân khô và cứng gây khó đi đại tiện ở bệnh nhân. Bệnh nhân táo bón do opioid thường gặp tình trạng phân cứng và trướng bụng; có thể  buồn nôn, nôn (điều trị nôn, buồn nôn bằng các thuốc chống nôn hoặc các thuốc kháng cholinergic làm tình trạng táo bón của bệnh nhân càng xấu hơn).

Khi dùng opioid, người bệnh nên ăn nhiều chất xơ, uống nước, tập thể dục và hoạt động thể chất... và dùng thuốc chống táo bón khi cần thiết (theo chỉ định của bác sĩ).

Thuốc sắt và các chế phẩm bổ sung sắt: Một trong những tác dụng phụ thường gặp nhất khi dùng thuốc sắt và các chế phẩm bổ sung sắt là táo bón, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do không cung cấp đủ lượng nước cần thiết khiến cơ thể không hấp thu được những khoáng chất trong một số loại sắt. Do thành phần các khoáng chất có trong loại sắt không hấp thu được vào cơ thể, toàn bộ lượng khoáng chất này được thải ra ngoài bằng đường phân hay nước tiểu và vô tình nó trở thành gánh nặng đối với hệ tiêu hóa, làm tăng nguy cơ bị táo bón. Để hạn chế tác dụng phụ gây táo bón, người dùng cần uống thuốc sắt với nhiều nước và nên lựa chọn sắt hữu cơ thay cho sắt vô cơ.

Thuốc huyết áp: Các thuốc chẹn kênh canxi như nifedipin, amlodipin là các thuốc phổ biến để điều trị tăng huyết áp. Bên cạnh tác dụng giãn cơ trơn mạch máu gây hạ huyết áp thì các thuốc chẹn kênh canxi còn làm giãn cơ trơn đường tiêu hóa, làm giảm sức co bóp, giảm nhu động đường tiêu hóa dẫn tới tình trạng táo bón.

Thuốc kháng acid: Các thuốc kháng acid hay còn gọi là antacid là các thuốc có bản chất kiềm, dùng đường uống để trung hòa acid dạ dày. Hydroxyd nhôm là một trong những antacid dùng phổ biến nhưng lại có tác dụng phụ gây táo bón. Để hạn chế tác dụng phụ gây táo bón, người ta thường phối hợp nhôm hydroxyd với magie hydroxyd bởi vì magie hydroxyd có tác dụng nhuận tràng sẽ khắc phục được tình trạng táo bón của nhôm hydroxyd.

Thuốc chống trầm cảm: Các thuốc chống trầm cảm như amitryptilin, imipramin cũng là một trong những nguyên nhân gây táo bón phổ biến. Các thuốc thuộc nhóm này gây ức chế thần kinh phó giao cảm, làm giảm nhu động ruột gây táo bón.

Lời khuyên của thầy thuốc

Các thuốc gây táo bón là thuốc tác động gián tiếp gây xuất huyết tiêu hóa, rối loạn nhu động ruột, mất cân bằng điện giải trong cơ thể, do đó người bệnh cần thận trọng trước khi dùng thuốc. Cần báo cáo với bác sĩ những tác dụng phụ do thuốc gây ra để có sự điều chỉnh phù hợp.

Người bệnh không tự ý hoặc lạm dụng thuốc nhuận tràng vì khi lạm dụng thuốc nhuận tràng trong thời gian kéo dài sẽ làm giảm khả năng hoạt động của các cơ đại tràng khiến chúng phụ thuộc vào thuốc và không thể hoạt động được nếu không có thuốc dẫn đến tình trạng táo bón kéo dài sau khi ngừng thuốc.

Người bị táo bón trước hoặc song song với sử dụng thuốc (thậm chí để phòng ngừa táo bón), cần áp dụng các biện pháp sau: Ăn nhiều chất xơ sợi hơn (rau cải, hoa quả), uống nhiều nước (1,5-2 lít nước mỗi ngày), tập phản xạ đi đại tiện vào một giờ cố định và tăng cường vận động, thể dục thể thao...


BS. Nguyễn Minh Nguyệt
Ý kiến của bạn