Hà Nội

Một số thuốc chữa thiếu máu

16-01-2010 09:10 | Dược
google news

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu máu như thiếu máu do dinh dưỡng, thiếu máu do bệnh lý cơ quan tạo máu, thiếu máu do tan máu...

 Hồng cầu trong máu.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu máu như thiếu máu do dinh dưỡng, thiếu máu do bệnh lý cơ quan tạo máu, thiếu máu do tan máu... Trong đó thiếu máu dinh dưỡng (tức là thiếu các nguyên liệu cần thiết cho quá trình tạo máu như sắt, vitamin B12, acid folic, magie, kẽm, đồng, coban...) là nguyên nhân thường gặp nhất.

Thiếu máu là tình trạng giảm số lượng hồng cầu, huyết sắc tố hoặc giảm cả hai dưới mức bình thường so với người cùng tuổi và giới. Với các biểu hiện lâm sàng như mệt mỏi, đau đầu, ù tai, hoa mắt, chóng mặt, suy giảm trí nhớ, da xanh, niêm mạc nhợt... Trong đó chủ yếu và quan trọng nhất là phải dựa vào các xét nghiệm về huyết sắc tố trong một đơn vị thể tích máu để kết luận thiếu máu ở mức độ nào. Có nhiều nguyên nhân gây thiếu máu, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến vấn đề sử dụng thuốc để bổ sung nguyên liệu cần thiết cho quá trình tạo máu.

Sắt

Sắt hàng ngày cung cấp cho cơ thể chủ yếu từ thức ăn như gan, tim, trứng, thịt nạc, hoa quả. Cơ thể người trưởng thành chứa 3 - 5g sắt, có trong hồng cầu, cơ, một số enzym và dự trữ trong một số cơ quan như gan, lách, tủy xương... Ở người bình thường, nhu cầu sắt khoảng 0,5 - 1mg trong 24 giờ, nhưng tăng lên gấp đôi ở phụ nữ khi hành kinh và tăng lên 5 - 6 lần ở phụ nữ mang thai.

Sắt từ thức ăn (dạng ion sắt 2 hoặc sắt 3) khi vào dạ dày thì ion sắt 2 được dễ dàng hấp thu qua niêm mạc dạ dày, còn ion sắt 3 sẽ kết hợp với albumin ở niêm mạc đường tiêu hóa nên không hấp thu được, muốn hấp thu được nó phải chuyển thành sắt 2 dưới tác dụng của acid clo hydric và sự xúc tác của vitamin C, chính vì vậy các dạng thuốc sắt luôn được sản xuất ở loại có hóa trị 2.

Có rất nhiều nguyên nhân có thể làm cơ thể thiếu sắt, trong đó đáng chú ý là các nguyên nhân dẫn đến kém hấp thu sắt như viêm dạ dày mạn tính, lao dạ dày, sau cắt đoạn dạ dày, tiêu chảy mạn, trĩ, ung thư... hoặc do nhiễm giun, do tăng nhu cầu sử dụng sắt ở phụ nữ có thai, ở tuổi dậy thì.

Chính vì vậy thuốc được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau cắt đoạn dạ dày, viêm teo niêm mạc dạ dày, viêm ruột mạn tính, rong kinh, trĩ, nhiễm giun móc, phụ nữ mang thai hoặc thời kỳ cho con bú.

Tuy nhiên cần chú ý, khi dùng đường uống thuốc có thể gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa dẫn đến tình trạng lợm giọng, buồn nôn, táo bón... khi dùng đường tiêm có thể gây nhức đầu, buồn nôn, sốt và đặc biệt khi dùng quá liều có thể gây tử vong.

Thuốc không được dùng cho người mẫn cảm, người bị thiếu máu do tan máu; trẻ em dưới 12 tuổi hoặc người già không được dùng dạng viên mà chỉ được sử dụng dạng siro.

Vitamin B12

Đây là tên chung chỉ các cobalamin hoạt động trong cơ thể như cyanocobalamin, hydroxocobalamin... chúng có chủ yếu trong động vật như thịt, cá, trứng, gan... Ngoài ra, trong cơ thể người được tổng hợp một lượng nhỏ nhờ một số vi khuẩn ở ruột.

Vitamin B12 được hấp thu qua đường máu hoặc qua đường tiêm, trong đó đáng chú ý là muốn hấp thu được qua đường tiêm thì cần phải có một yếu tố nội của cơ thể (là một glycoprotein do tế bào niêm mạc dạ dày tiết ra). Chính vì vậy ở người bị viêm loét dạ dày mạn tính dễ dẫn đến thiếu vitamin B12. Vào cơ thể chúng được tích trữ nhiều ở gan, thần kinh trung ương, tim và nhau thai; thải trừ nhanh qua thận.

Các cobalamin đóng vai trò quan trọng là các coenzym đồng vận chuyển tham gia vào nhiều quá trình chuyển hóa quan trọng, trong đó đáng chú ý là quá trình chuyển hóa acid folic và tổng hợp ADN nên rất cần cho sự tổng hợp sinh hồng cầu. Ngoài ra còn tham gia vào quá trình chuyển hóa lipid và hoạt động bình thường của hệ thần kinh.

Khi thiếu sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu hồng cầu to, viêm đa dây thần kinh, rối loạn cảm giác, rối loạn vận động khu trú ở chân. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu vitamin B12 như trong bệnh Biermer, sau cắt đoạn dạ dày ruột, hội chứng kém hấp thu, xơ gan, viêm gan mạn, phụ nữ có thai hoặc sau dùng một số thuốc như neomycin, sodanton... Do vậy, thuốc được chỉ định dùng trong các trường hợp thiếu máu, nhất là thiếu máu hồng cầu to, viêm và đau dây thần kinh, dự phòng thiếu máu ở người bị cắt dạ dày hoặc viêm ruột mạn. Ngoài ra có thể kết hợp với các vitamin khác trong các trường hợp cơ thể suy nhược, suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai, cho con bú. Chú ý thuốc không được dùng cho người bệnh ung thư, người mẫn cảm với thuốc.

Acid folic

Cơ thể không có khả năng tổng hợp acid folic, nguồn cung cấp chủ yếu là từ thức ăn, có nhiều trong thịt, cá, gan, trứng và rau quả tươi nhưng rất dễ bị phân hủy trong quá trình chế biến. Trong cơ thể, sau khi bị chuyển hóa sẽ trở thành chất đóng vai trò rất quan trọng cho rất nhiều quá trình chuyển hóa khác trong cơ thể, trong đó đáng chú ý là acid folic là chất không thể thiếu cho việc tạo hồng cầu bình thường. Nguyên nhân gây thiếu acid folic cũng cơ bản giống như nguyên nhân thiếu vitamin B12, vì vậy hai nguyên nhân này thường gặp đồng thời trên một bệnh nhân. Khi thiếu sẽ dẫn đến thiếu máu hồng cầu khổng lồ. Vì vậy, thuốc được sử dụng để phòng và điều trị các trường hợp thiếu máu, nhất là thiếu máu hồng cầu to.

 Ngoài 3 chất quan trọng ở trên còn rất nhiều chất khác có thể dùng trong điều trị thiếu máu như erythropoietin, đồng, vitamin B6... và cách tốt nhất, chừng nào còn có thể thì nên ăn uống điều độ, đầy đủ chất dinh dưỡng, rau xanh và khoáng chất.
 
BS.Vân Anh

Ý kiến của bạn