Một số thông tin về cây lược vàng

SKĐS - Báo SK&ĐS đã nhận được thư của ông Đinh Lê Hồng Lĩnh đại diện cho một số bạn đọc ở Phúc Thọ - Hà Nội hỏi về tác dụng chữa bệnh của cây lược vàng, cách dùng thế nào,...

LTS: Báo SK&ĐS đã nhận được thư của ông Đinh Lê Hồng Lĩnh đại diện cho một số bạn đọc ở Phúc Thọ - Hà Nội hỏi về tác dụng chữa bệnh của cây lược vàng, cách dùng thế nào,... Để giúp bạn đọc có thêm thông tin,  xin giới thiệu bài viết của ThS. Hoàng Khánh Toàn.

Vốn có nguồn gốc từ Mexico được di thực sang Nga rồi về đến Việt Nam vào những năm 90 của thập kỷ trước. Lúc đầu, lược vàng được trồng để làm cảnh, sau đó dựa theo những kinh nghiệm và tài liệu của Nga mà được sử dụng để làm thuốc. Đầu tiên là ở Thanh Hóa rồi lan rộng ra các tỉnh thành trong toàn quốc và bùng phát thành cơn sốt “Lược vàng” bắt đầu từ năm 2007.

Hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau về tác dụng chữa bệnh của cây lược vàng, thậm chí là trái chiều nhau, nhưng chủ yếu có ba quan điểm chính:

Một là, coi lược vàng như một thứ thần dược có thể chữa được “bách bệnh” kể cả những bệnh nan y như ung thư, điều này khiến cho người ta đổ xô đi tìm mua, trồng hái, buôn bán, sử dụng loại dược liệu này giống như đã từng xảy ra đối với cây con khỉ (hoàn ngọc, xuân hoa...) hay nấm cổ linh chi;

Hai là, không tin vào khả năng chữa bệnh có tính chất “đồn thổi” của lược vàng, thậm chí đi đến phủ định hoàn toàn;

Ba là, xem xét và sử dụng loại dược liệu này một cách thận trọng, ghi nhận những trường hợp thành công nhưng không khẳng định một cách chắc chắn khi chưa có những chứng cứ khoa học bài bản.

Nên hiểu về giá trị ngăn ngừa và chữa trị bệnh tật của cây lược vàng như thế nào cho đúng?

Trước hết, phải khẳng định rằng, trước khi di thực vào nước ta trong mươi năm gần đây, chúng ta chưa biết đến loài thực vật này và giá trị y học của nó. Và trên thực tế, cho đến nay lược vàng cũng chưa được ghi trong các y thư chính thống ví như sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, hay sách “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam” của tập thể tác giả thuộc Viện Dược liệu Trung ương, hay sách “Cây thuốc Việt Nam” của lương y Lê Trần Đức...Nhìn rộng ra, ngay cả sách “Trung dược đại từ điển” của Trung Quốc cũng chưa thấy ghi cây thuốc này với cái tên khoa học là “Callisia fragrans”, thuộc họ Thài lài Commelinaceae. Căn cứ để dùng lược vàng chữa bệnh ở nước ta hiện nay chủ yếu vẫn dựa vào các tài liệu và kinh nghiệm có xuất xứ từ Nga.

Cây lược vàng.

Thứ hai, dựa trên các tài liệu nghiên cứu nước ngoài có thể thấy cây lược vàng chứa các chất có hoạt tính sinh học gồm flavonoid, steroid và nhiều khoáng tố vi lượng có lợi cho sức khỏe. Chất flavonoid đóng vai trò như vitamin P có khả năng làm bền mạch máu, giảm đau, an thần, kháng viêm, hoạt huyết và tăng tác dụng của vitamin C, được dùng để chữa lành vết thương, vết bỏng, vết bầm tím. Dân gian dùng làm phương thuốc chữa bệnh loét dạ dày tá tràng, lợi tiểu, ngăn ngừa và điều trị các khối u trong cơ thể. Hai chất flavonoid được xác định là quercetin và kaempferol. Quercetin là một chất chống ôxy hóa tế bào mạnh, có khả năng kháng ung thư và tăng sức bền thành mạch, còn hữu ích trong trường hợp dị ứng, chảy máu thành mạch, viêm thận, thấp khớp, bệnh tim mạch, bệnh mắt và các bệnh nhiễm trùng. Kaempferol giúp củng cố mao mạch, nâng đỡ thể trạng, tăng sự đào thải nước tiểu và khả năng kháng viêm, được dùng chữa viêm nhiễm, dị ứng và bệnh đường tiết niệu. Chất steroid trong cây chính là phytosterol. Chất này có hoạt tính estrogen, tác dụng sát khuẩn, chống xơ cứng và kháng ung thư. Cây lược vàng còn có khả năng tẩy uế không khí ô nhiễm trong phòng, phóng thích những chất có ích cho việc điều trị các bệnh lý đường hô hấp.

Thứ ba, cho đến nay ở nước ta kinh nghiệm trồng hái và sử dụng lược vàng làm thuốc đã trở nên khá phổ biến. Số lượng các bài báo, các tư liệu viết truyền tay nói về thành công trong việc dùng lược vàng để chữa bệnh là hết sức phong phú.

Tựu trung lại, dược liệu này đã được dùng để chữa các bệnh và chứng bệnh như viêm khớp, đau cứng khớp, vôi hóa đốt sống, đau mỏi toàn thân, viêm loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày, xơ gan cổ trướng, u gan lành tính, bệnh nóng gan do hỏa vượng, viêm gan siêu vi A, B, C, gan nhiễm mỡ, viêm túi mật, viêm phúc mạc cấp, đầy hơi không tiêu, viêm ống dẫn mật, sỏi mật (dạng bùn), ngộ độc thức ăn, táo bón, ho do viêm phế quản lâu ngày, do viêm họng, bệnh nóng gan do hỏa vượng, u nang buồng trứng, rối loạn tiền đình, Parkinson (chứng rung tay chân ở người già), tâm thần phân liệt, suy nhược thần kinh, mất ngủ, đau đầu, mộng du, ngủ mơ thấy ác mộng, kém trí nhớ, cảm mạo phong hàn, yếu sinh lý, xuất tinh sớm, di tinh, mộng tinh, liệt dương, hiếm muộn, lở miệng do nóng, chống viêm loét ngoài da, bầm tím da, vẩy nến, mẩn ngứa, giời leo, chứng ra mồ hôi chân tay ở người lớn và đổ mồ hôi trộm ở trẻ em, đau răng, chảy máu chân răng, đau lưng, côn trùng cắn, đái tháo đường, làm sáng mắt, đục thủy tinh thể ở người già, sạn sỏi ở thận, sài đẹn... Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là những kinh nghiệm chữa bệnh mang tính chất cá nhân, truyền miệng và đơn lẻ. Hầu hết nói về thành công và không có bất cứ một thông báo nào về việc thất bại trong việc dùng lược vàng chữa bệnh.

Thứ tư, với tinh thần thực sự cầu thị, giới dược học Việt Nam đã hết sức tích cực trong việc nghiên cứu về thành phần hóa học, tác dụng sinh học và độc tính của cây lược vàng trên thực nghiệm với vai trò của TS. Nguyễn Minh Khởi, TS. Trịnh Thị Điệp và các nhà khoa học thuộc Viện Dược liệu đã cho thấy có rất nhiều vấn đề về cây lược vàng cần được làm sáng tỏ, trong đó có những kết quả nghiên cứu thu được rất bất ngờ. Ví như, kết quả thử tác dụng chống viêm cấp trên thực nghiệm với liều dùng tương đương với 50g dược liệu tươi/kg thể trọng chuột cho thấy lược vàng không có tác dụng chống viêm, thậm chí cao chiết cồn 50% từ thân lược vàng còn tăng phản ứng viêm. Về khả năng kháng khuẩn, trong 3 chủng vi khuẩn thường gặp, cao chiết của lá và thân lược vàng có tác dụng kháng khuẩn đối với Staphylococcus aureus nhưng phải ở nồng độ rất cao so với kháng sinh tham chiếu là azithromycin. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, cao chiết lá và thân lược vàng còn có độc tính cấp, gây chết chuột thí nghiệm ở liều uống cao. Rất tiếc, cho đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào trên lâm sàng khảo sát công dụng của lược vàng trên một bệnh lý cụ thể. Vì thế, việc dùng lược vàng theo kinh nghiệm truyền miệng vẫn cứ lưu truyền trong dân gian mà chưa biết giá trị trị liệu cụ thể và hậu quả khôn lường của nó ra sao.

Cuối cùng, cũng như rất nhiều cây thuốc và con thuốc khác ở Việt Nam, lược vàng rất cần có những nghiên cứu sâu hơn để làm sáng tỏ nhiều vấn đề như: lược vàng trồng Việt Nam có gì khác so với lược vàng ở Mexico và Nga về các tiêu chí dược học và độc tính, trên lâm sàng giá trị chữa bệnh của lược vàng ở những mặt bệnh nào, hiệu quả đến đâu, tác dụng không mong muốn như thế nào. Và đương nhiên rất cần những đề tài nghiên cứu nghiêm túc về vấn đề này để có thể đưa ra những kết luận đầy đủ và toàn diện về cây lược vàng nhằm làm sáng tỏ xem cây này có tác dụng thực sự như dân gian truyền miệng hay không và hoạt chất thực sự của nó là gì. Trên cơ sở đó sớm cung cấp những thông tin khoa học chính xác để trả lời dư luận, giúp người dân sử dụng cây lược vàng an toàn và hiệu quả. TS. Trịnh Thị Điệp rất có lý khi nói rằng: “Nếu không nghiên cứu chuyên sâu về loại cây này có thể sẽ làm lãng phí một nguồn dược liệu dễ trồng nhưng cũng có thể không phát hiện ra yếu tố không có tác dụng tốt cho sức khỏe con người”.


ThS. Hoàng Khánh Toàn (Chủ nhiệm Khoa Đông y, BV TW Quân đội 108)
Ý kiến của bạn