Một số tật về phát triển vận động thường gặp ở trẻ, cha mẹ nên biết để phát hiện sớm

13-07-2022 16:00 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Trong quá trình phát triển vận động, trẻ có thể có một số rối loạn, nếu không chú ý và bỏ sót dần dần sẽ hình thành khuyết tật khó sửa chữa. Dưới đây là một số tật về phát triển vận động thường gặp ở trẻ.

10 cách giúp trẻ 12-24 tháng tuổi phát triển vận động 10 cách giúp trẻ 12-24 tháng tuổi phát triển vận động

SKĐS - Sự phát triển vận động có vai trò quan trọng trong sự phát triển toàn diện của mỗi đứa trẻ và điều này bắt đầu từ giai đoạn sơ sinh.

Tật bàn chân bẹt

Bàn chân bẹt được mô tả là vòm phía trong của gan chân thấp hoặc mất hẳn, với trục của bàn chân sau thường vẹo ngoài. Hay nói cách khác bàn chân bẹt là mặt lòng bàn chân bằng phẳng, không lõm chút nào. Một số trẻ bụ bẫm nhìn cũng dễ bị nhầm lẫn với bàn chân bẹt.

Trên thực tế, hầu hết trẻ sinh ra đều không có vòm bàn chân từ đầu, do mỡ dưới da gan chân trẻ sơ sinh nhiều và mô liên kết còn lỏng lẻo. Vòm bàn chân hình thành dần trong quá trình trẻ lớn lên, đi lại, chạy nhảy và sinh hoạt. Đến khoảng 5 - 6 tuổi, nếu vòm bàn chân vẫn chưa hình thành thì có thể trẻ bị tật bàn chân bẹt.

Chưa có nghiên cứu đầy đủ và chính xác, tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho thấy bàn chân bẹt thường gặp ở những trường hợp sau:

- Giới tính: Bé trai có tỉ lệ gặp bàn chân bẹt gấp đôi bé gái

- Trẻ ít vận động, béo phì

- Trẻ bị bệnh lý lỏng lẻo dây chằng (bệnh lỏng lẻo đa khớp)

- Trẻ có ngắn gân gót (gân Achilles)

- Trẻ có bất thường về cấu trúc xương: Xương sên đứng dọc bẩm sinh (Vertical Talus), cầu xương bàn chân (Tarsal Coalition), bàn chân xiên (Skew foot), xương đốt bàn chân khép (Metatarsus adductus)

Đa số trẻ bị bàn chân bẹt là dạng bẹt mềm, một số ít trường hợp bàn chân bẹt có biểu hiện triệu chứng, ví dụ trẻ bị đau khi đi lại nhiều hoặc chạy nhảy.

Nếu trẻ thuộc dạng bàn chân bẹt mềm thì thường không có biểu hiện triệu chứng và không ảnh hưởng đến chức năng của trẻ.

Nếu là dạng bẹt cứng có triệu chứng mà không điều trị sớm có thể gây đau kéo dài, gây viêm khớp hoặc ảnh hưởng đến dáng đi của trẻ.

Khắc phục bằng cách cha mẹ cần theo dõi các mốc phát triển vận động của trẻ, kích thích trẻ vận động để bắt kịp các mốc phát triển vận động. Có thể gặp bác sĩ, nhà vật lý trị liệu nhi để được tư vấn và hướng dẫn thực hành giúp trẻ vận động.

Một số tật về phát triển vận động thường gặp ở trẻ mà cha mẹ nên biết để phát hiện sớm - Ảnh 3.

Bàn chân bẹt là một trong những tật về phát triển vận động thường gặp ở trẻ.

Tật chân vòng kiềng

Chân vòng kiềng dạng vòng cung là biểu hiện thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Nguyên nhân là do tư thế gấp chân của trẻ từ trong bào thai, lúc này xương của trẻ còn rất mềm và dẻo. Ngoài ra, còn do chịu lực sớm trên hai chân. Xảy ra khi trẻ bị thừa cân, cho đứng sớm, do ngồi chụm đầu gối sớm, sử dụng xe tập đi không đúng.

Độ cong này của chân cũng khiến trẻ có tư thế đi như chân chim bồ câu, hai bàn chân hướng vào trong. Phần lớn các trường hợp là sự phát triển bình thường của trẻ. Trong một số ít trường hợp có thể do bệnh lý cần điều trị, các bác sĩ có thể xác định dựa vào khám lâm sàng hoặc chỉ định chụp Xquang nếu cần thiết.

Đối với trường hợp này, phụ huynh cần lưu ý: Khi trẻ bắt đầu tập đi, độ cong của chân sẽ tự điều chỉnh dần. Sử dụng các loại giày đặc biệt hay băng nẹp không giúp cho xương thẳng nhanh hay tốt hơn bằng việc để xương điều chỉnh tự nhiên.

Phần lớn trẻ sẽ tự điều chỉnh thành công và có sự phát triển thể chất bình thường. Nếu bạn lo lắng hay nghi ngờ liệu chân con mình có thẳng dần không, bạn nên chụp hình chân trẻ 6 tháng 1 lần thì sẽ nhận ra điều này rõ rệt. Ngược lại, nếu chân trẻ ngày một cong hơn hay cong không cân xứng giữa 2 chân, bạn cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay.

Một số tật về phát triển vận động thường gặp ở trẻ mà cha mẹ nên biết để phát hiện sớm - Ảnh 4.

Chân vòng kiềng dạng vòng cung là biểu hiện thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.

Tật đứng đi nhón gót

Nguyên nhân do bất thường về phát triển tinh thần vận động. Điều này xảy ra khi trẻ thiếu điều kiện tiếp xúc với mặt đất, kém điều hòa cảm giác vùng bàn chân, sử dụng xe tập đi không đúng.

Đa số trường hợp đi nhón gót được xếp vào loại "vô căn", nghĩa là nguyên nhân thực chất chưa được biết rõ. Khi khám bệnh, các dấu hiệu lâm sàng và các xét nghiệm kiểm tra thần kinh cơ đều nằm trong giới hạn bình thường.

Một số ít trường hợp, chứng đi nhón gót có thể là dấu hiệu thể hiện cho một tình trạng bệnh lý tiềm ẩn như: Bại não, loạn dưỡng cơ, bất thường tủy sống. Mặc dù ở nhóm trẻ bị tâm thần sẽ có xu hướng thể hiện bệnh nhón gót nhiều hơn trẻ thường, nhưng chưa thấy có sự liên kết nào giữa tình trạng tâm thần và chứng bệnh này.

Nếu không phải do mắc các bệnh lý thì đa số các trẻ bị chứng nhón gót vẫn có thể đi lại bình thường. Tuy nhiên, sau này khi trẻ lớn hơn (cụ thể là lớn hơn 5 tuổi) thì tỉ lệ để trẻ có thể đi lại bình thường sẽ giảm đi rõ rệt. Lúc này, trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt như khó mang giày, chơi thể thao,…

Chính vì vậy, với tật này cách khắc phục là không cho trẻ mang tất chân thường xuyên, để trẻ tiếp xúc càng nhiều loại bề mặt càng tốt. Không để trẻ trong xe tập đi. Sau 2 tuổi nếu tình trạng này tiếp tục tiếp diễn, sẽ gợi ý cho chúng ta biết có một bệnh lý nào đó kèm theo ở trẻ, lúc này cần đưa trẻ đi khám bệnh. Trường hợp cần thiết, nên gặp bác sĩ nhi khoa để tư vấn và khám phục hồi chức năng, kiểm tra và điều chỉnh.

Một số tật về phát triển vận động thường gặp ở trẻ mà cha mẹ nên biết để phát hiện sớm - Ảnh 5.

Tật đứng đi nhón gót nguyên nhân là do bất thường về phát triển tinh thần vận động.

Sự phát triển vận động bình thường ở trẻ em

Trẻ từ 1 - 3 tháng tuổi: Biết hóng chuyện, mỉm cười hồn nhiên, nhìn theo vật chuyển động. Lật ngửa sang nghiêng, có thể tự lật sấp được. Nâng cao đầu khi nằm sấp…

Từ 4 - 6 tháng tuổi: Thích cười đùa với mọi người, biết giữ đồ chơi. Có thể lẫy từ ngửa sang sấp và từ sấp sang ngửa. Nâng đầu được lâu hơn khi nằm sấp. Khi kéo lên trẻ có thể giữ vững được đầu thẳng, trườn ra phía trước và xung quanh, giữ người có thể đứng được…

Từ 7 - 9 tháng tuổi: Tự ăn bánh, chơi ú òa, vươn tới đồ chơi ngoài tầm tay. Tự ngồi được vững vàng. Tập bò và bò được thành thạo, có thể vịn đứng dậy khi có thành chắc chắn…

Từ 10 - 12 tháng tuổi: Đáp ứng với những mệnh lệnh, yêu cầu đơn giản như "giơ tay lên", "chào tạm biệt". Gây sự chú ý với người khác bằng cách kéo quần áo, xấu hổ khi có người lạ.

Tập đứng, đứng vững, tập đi, đi lại được vài bước khi có người dắt tay, đến tháng 12 trẻ có thể đi được vài bước…

Mời độc giả xem thêm video:

Vận động để giữ sức khỏe trong mùa dịch COVID-19



BS Lê Minh
Ý kiến của bạn