1. Cấu tạo của dương vật
Dương vật có cấu tạo bên ngoài giống như một đường ống trụ hình xốp và mềm, treo ngay dưới mu. Dương vật được chia làm 3 phần chính là phần rễ, phần thân và phần đầu.
- Rễ dương vật nằm ở đáy chậu và dính vào xương mu bởi dây chằng treo dương vật.
- Thân dương vật giống như một đường ống và có thể cương cứng được, đầu dương vật là phần đỉnh chóp và hơi lớn hơn phần thân, được gọi là quy đầu, rất nhạy cảm.
- Ngoài cùng là da, ở phần đầu dương vật có một đoạn da mỏng bảo vệ, gọi là bao quy đầu.
2. Chấn thương gãy dương vật
Gãy dương vật là một chấn thương nghe có vẻ lạ nhưng hoàn toàn có thể xảy ra. Dương vật chỉ bị gãy khi đang cương cứng và không thể bị gãy nếu đang trong trạng thái mềm.
Khi dương vật đang cương thẳng mà đột ngột bị bẻ gập thì bao xơ của ống có thể bị rách, gây đau. Do máu thoát qua chỗ rách của bao nên dương vật trở nên mềm, sưng to và tím.
2.1 Nguyên nhân gãy dương vật
Gãy dương vật có thể xảy ra do giao hợp, nhất là trong những tư thế người nam nằm ở dưới.
Gãy dương vật có thể xảy ra do chính bệnh nhân tự bẻ dương vật của mình. Bệnh nhân thường là những người trẻ, sáng ngủ dậy dương vật cương to làm họ bối rối, xấu hổ nếu sống ở nhà đông người hay ở các ký túc xá.
Tuy nhiên, dương vật bị gãy nhưng bệnh nhân vẫn đi tiểu được khá dễ dàng được do ở thể xốp (ống thứ 3 của dương vật, nhỏ, bao quanh niệu đạo) không bị tổn thương.
2.2 Cách điều trị khi bị gãy "cậu nhỏ"
Khi bị gãy dương vật, để được điều trị tốt nhất, bệnh nhân cần phải đến bệnh viện ngay để được các bác sỹ ngoại khoa lấy bỏ máu tụ và khâu lại chỗ rách (thường ở mặt bên thể hang, ngược với hướng bẻ và nằm gần gốc dương vật).
Sau mổ, dương vật sẽ trở lại bình thường, không để lại di chứng gì về tiểu tiện hay chuyện sinh sản.
Việc phẫu thuật khi bệnh nhân bị gãy dương vật rất đơn giản, không phức tạp. Một bác sĩ ngoại khoa tổng quát cũng có thể thực hiện được phẫu thuật nếu được huấn luyện.
Bác sĩ phẫu thuật sẽ mổ lấy máu tụ và khâu lại bao thể hang. Sau khi phẫu thuật, chức năng sinh sản và tình dục sẽ hoàn toàn bình thường.
Nếu không mổ ngay, người bị gãy dương vật cũng tự khỏi được. Dương vật sẽ dần hết tím, hết sưng to sau nhiều ngày, nhiều tuần lễ. Tuy nhiên, dương vật sẽ bị xơ hóa do tụ máu dẫn tới quẹo hay gập góc nặng không thể giao hợp được.
Việc sửa lại di chứng quẹo dương vật phức tạp hơn và cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa tiết niệu.
3. Đứt hãm dương vật
Hãm dương vật (hay còn gọi là dây thắng dương vật) là phần da dính vào mặt dưới quy đầu, sát lỗ niệu đạo, khi dương vật cương thì mảnh da này căng ra.
Hãm dương vật có thể bị rách (hay còn gọi là đứt) do bị căng quá mức. Điều này chỉ xảy ra khi dương vật đang cương cứng, trong lúc giao hợp hay thủ dâm. Tai biến này thường chỉ gặp ở người trẻ, ở những lần giao hợp đầu tiên còn thiếu kinh nghiệm.
Rách hãm quy đầu gây đau, làm ức chế tâm lý bệnh nhân nên dương vật trở nên xỉu ngay. Rách làm chảy máu chút ít.
3.1 Xử trí đứt hãm dương vật
Để xử trí đứt hãm dương vật, bác sĩ chỉ cần gây tê tại chỗ và khâu lại chỗ rách. Phẫu thuật tuy đơn giản nhưng đòi hỏi sự tinh tế. Nếu phẫu thuật viên không khéo có thể làm dây thắng bị rút ngắn lại, có cục xơ làm dễ bị rách trở lại.
Nếu bệnh nhân không đến ngay bác sĩ để được khâu lại dây thắng thì vết rách cũng tự lành sau vài ngày đau rát và dễ để lại sẹo rút ngắn. Sẹo sẽ khiến cho dây thắng dễ bị rách khi giao hợp sau này và có thể gây ra cảm giác hơi khó chịu lúc giao hợp kéo dài trong nhiều tháng làm giảm vui thú.
Phẫu thuật kéo dài dây thắng hay thuốc kháng viêm, giảm đau tại chỗ dây thắng có thể giúp ích cho người bệnh.
4. Hẹp bao quy đầu
Hẹp bao quy đầu là tình trạng bao không thể tuột khỏi quy đầu nghĩa là da quy đầu dương vật không kéo xuống được ngay cả khi cương cứng. Người bị hẹp bao quy đầu, lỗ mở của bao quy đầu hẹp cản trở dòng nước tiểu. Ở người lớn có bao quy đầu dài, có thể bị hẹp do viêm nhiễm tạo sẹo.
Bình thường ở trẻ sơ sinh, đầu dương vật (quy đầu) được bao phủ bởi một lớp da được gọi là bao quy đầu. Bao quy đầu không dính với đầu dương vật, và có thể kéo da quy đầu lên để bộc lộ đầu dương vật.
Hầu hết trẻ mới sinh ra có hiện tượng dính bao quy đầu vào quy đầu và không thể kéo bao quy đầu lên được. Người ta gọi là hẹp bao quy đầu sinh lý. Điều này là bình thường.
Khi trẻ lớn, bao quy đầu sẽ tách dần khỏi quy đầu và chúng ta có thể dễ dàng kéo bao quy đầu lên, thông thường quá trình tách này sẽ hoàn chỉnh khi trẻ được 4-5 tuổi.
Có một dạng khác là bao quy đầu hẹp nhẹ, nên vẫn có thể tụt lên khỏi quy đầu nhưng lại không tự tụt xuống được (thường gặp lúc dương vật cương), gây ra ứ dịch phù nề bao quy đầu gọi là thắt nghẹt bao quy đầu.
4.1 Triệu chứng hẹp bao quy đầu
Kéo bao quy đầu của trẻ lên, những trẻ có hẹp bao quy đầu không thể kéo bao quy đầu lên đến cổ dương vật và có các biểu hiện:
- Trẻ rặn khi đi tiểu
- Tia nước tiểu yếu
- Nhiễm trùng tiểu tái phát
Hậu quả do hẹp bao quy đầu :
Viêm nhiễm, dính, là một yếu tố gây ung thư dương vật, sinh hoạt tình dục khó khăn. Với trẻ nhỏ, nếu hẹp bao quy đầu không được điều trị, trẻ có thể có các biến chứng như:
- Viêm quy đầu
- Tăng nguy cơ ung thư dương vật
- Tiểu khó
- Nhiễm trùng tiểu
- Một số trường hợp do lắng đọng chất bẩn trong bao quy đầu nên có thể tạo sỏi nhỏ, thậm chí sỏi rất to và nhiều.
4.2 Xử trí khi hẹp bao quy đầu
Có 3 cách điều trị hẹp bao quy đầu: Điều trị bằng bôi thuốc tại chỗ, nong bao quy đầu mỗi ngày, cắt bao quy đầu.
Điều trị hẹp bao quy đầu bằng phương pháp ngoại khoa
Trường hợp da quy đầu không tự tuột sẽ cần phẫu thuật cắt một phần hoặc toàn bộ. Cần chú ý kéo da quy đầu của trẻ xuống lúc tắm từ khi trẻ còn nhỏ, nếu trên 10 tuổi mà quy đầu vẫn chưa xuống thì phải phẫu thuật.
Nong bao quy đầu bằng cách kéo căng quy đầu mỗi ngày: điều trị này không gây sang chấn cũng như không gây tổn thương về mặt cấu trúc của bao quy đầu, có thể tự làm cho trẻ được. Thời gian điều trị thường kéo dài vài tuần. Có thể phối hợp với sử dụng thuốc để tăng tỷ lệ thành công.
Cắt bao quy đầu: Đây là phương pháp xâm lấn và gây đau cho trẻ, có thể có những biến chứng do phẫu thuật. Vì vậy, nó chỉ được đặt ra khi 2 phương pháp trên thất bại.
Đối với người lớn: một số trường hợp ở người lớn không được điều trị từ lúc còn nhỏ thì cần phẫu thuật cắt bao quy đầu.
Điều trị hẹp bao quy đầu bằng phương pháp nội khoa
Điều trị bằng thuốc: Bôi thuốc mỡ chứa steroid (Betamethasone cream 0.05%) vào mặt trong và ngoài da quy đầu 2 lần/ngày có tác dụng làm giãn rộng bao quy đầu và vì thế cải thiện tình trạng hẹp bao quy đầu.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Phẫu thuật dương vật do bị gãy