Hà Nội

Một số sai lầm khi điều trị viêm xoang ở trẻ em

31-10-2022 16:21 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Viêm xoang là bệnh dễ gặp ở trẻ em. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, kịp thời, viêm xoang có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ...

Trẻ em có bị viêm xoang?Trẻ em có bị viêm xoang?

SKĐS - Bé nhà tôi 1 tuổi, rất hay bị chảy nước mũi, viêm họng, sốt. Mỗi lần như thế, bé lại không ăn được vì rất dễ bị nôn. Vậy xin hỏi trẻ em có bị viêm xoang không và cách phát hiện thế nào?

1. Vì sao trẻ bị viêm xoang?

Viêm xoang là tình trạng viêm của niêm mạc ổ mũi và các xoang cạnh mũi.

Trẻ bị viêm xoang thường do các tác nhân gây bệnh như: Virus, vi khuẩn, nấm, hóa chất, khói bụi hay các chất gây dị ứng, trào ngược... và các yếu tố bất thường về giải phẫu cua mũi xoang như vẹo, lệch vách ngăn, mào vách ngăn, gai vách ngăn…

2. Triệu chứng và biến chứng của viêm xoang

Trẻ viêm xoang thường có triệu chứng: Đau vùng mặt, cảm giác căng hoặc nặng mặt, nghẹt, tắc mũi, chảy dịch hoặc mủ ở mũi trước hoặc mũi sau, giảm hoặc mất ngửi, có mủ trong ổ mũi (qua thăm khám), sốt (trong viêm xoang cấp).

Ngoài ra, trẻ có thể gặp đau đầu, hơi thở hôi, mệt mỏi, đau răng, ho, cảm giác nặng hoặc đau nhức trong tai...

Nếu trẻ không được điều trị đúng, kịp thời, viêm xoang có thể gây biến chứng nguy hiểm: Viêm thanh khí phế quản, viêm họng, viêm tai giữa, viêm phù nề mí mắt, viêm mô tế bào ổ mắt, áp xe dưới màng xương, áp xe ổ mắt, viêm màng não, áp xe ngoài màng cứng, viêm tắc tĩnh mạch não, áp xe trong não…

photo-1667098462010

Nên rửa mũi cho trẻ bằng bình xịt, hoặc dạng nhỏ mũi.

3. Điều trị viêm xoang cho trẻ

Mục đích của điều trị là phục hồi lưu thông khí và dẫn lưu trong xoang. Một số thuốc thường dùng điều trị viêm xoang:

- Thuốc điều trị toàn thân: Thuốc kháng sinh, thuốc giảm viêm, thuốc kháng histamin, thuốc loãng đờm…

- Thuốc điều trị tại chỗ: Thuốc co mạch, thuốc chống viêm tại chỗ, hút rửa mũi xoang...

Tùy từng trường hợp bệnh mà bác sĩ sẽ có liệu trình điều trị phù hợp.

4. Các biện pháp khắc phục giúp giảm bớt sự khó chịu của trẻ

Làm ấm đường xoang cho trẻ: Có thể cho trẻ tắm nước ấm. Nước ấm có thể giúp giảm tắc nghẽn, vì hơi nước làm ẩm các đường xoang, vừa giúp trẻ dễ chịu hơn vừa có thể làm trôi đi các dịch nhầy.

Rửa mũi: Rửa mũi giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của mũi bị tắc nghẽn. Phương pháp sử dụng dung dịch nước muối tiệt trùng để đẩy vi khuẩn và dịch nhầy bám trong xoang ra ngoài. Tốt nhất nên dùng chai xịt nước muối biển (với trẻ trên 3 tháng tuổi) hoặc lọ nhỏ mũi (với trẻ dưới 3 tháng tuổi).

Không nên dùng bình rửa từ bên mũi này sang bên mũi kia với trẻ dưới 6 tuổi vì có nguy cơ đẩy vi khuẩn và dịch mũi lên trên tai giữa theo cơ chế vòi tai sẽ mở ra khi nuốt. Chỉ dùng với trẻ trên 6 tuổi hợp tác và nhắc trẻ không được nuốt khi rửa mũi.

Chú ý, mùa lạnh nên làm ấm nhiệt độ thích hợp để rửa mũi cho trẻ vì niêm mạc mũi của trẻ rất nhạy cảm.

Cho trẻ ăn đủ chất: Một chế độ ăn uống lành mạnh, đa dạng giúp cơ thể trẻ hình thành hệ thống phòng thủ miễn dịch tốt nhất. Cho trẻ uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu.

5. Một số sai lầm khi điều trị viêm xoang cho trẻ

-Dùng kháng sinh bừa bãi: Phần lớn trường hợp viêm xoang ở trẻ là do virus gây ra. Do đó, việc dùng kháng sinh lại không có tác dụng. Thậm chí việc dùng kháng sinh dài ngày, liều cao còn khiến cho các vi khuẩn có lợi trong cơ thể bị tiêu diệt và làm gia tăng vi khuẩn kháng kháng sinh.

-Lạm dụng thuốc chống sung huyết: Nhiều bậc cha mẹ khi thấy trẻ bị nghẹt mũi muốn nhanh chóng chữa khỏi cho con đã tự ý sử dụng thuốc chống sung huyết (xylometazolin, oxymetazolin) cho trẻ. Tuy nhiên, chỉ dùng thuốc này khi có chỉ định cụ thể của bác sĩ, nhất là với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi.

Chỉ sử dụng thuốc trong 3-5 ngày, bởi việc dùng thuốc kéo dài có thể khiến niêm mạc mũi bị sung huyết trở lại, làm bệnh nặng hơn...

-Tự ý ngừng dùng thuốc: Liệu trình điều trị viêm xoang cần được tuân thủ tuyệt đối mới có thể trị dứt điểm bệnh. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ khi thấy con giảm các triệu chứng nghẹt mũi, dễ thở… là cho con ngừng dùng thuốc. Chính điều này khiến cho viêm xoang có thể tái phát, thậm chí bệnh còn nặng hơn, khó điều trị hơn.

-Không điều trị kịp thời: Khi thấy con bị sổ mũi, nghẹt mũi, khó thở, đau đầu, mệt mỏi… cho rằng con chỉ bị bệnh nhẹ, sẽ tự khỏi, nên nhiều cha mẹ chủ quan không điều trị tích cực ngay từ đầu. Việc không điều trị dứt điểm, sớm sẽ dễ gây những biến chứng nghiêm trọng và điều trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

-Rửa mũi không đúng cách: Nhiều người mong muốn con hết nghẹt mũi nên đã rửa mũi cho con bằng cách bơm xi lanh nước muối vào mũi. Tuy nhiên, việc sử dụng xi lanh rửa mũi bị tắc nghẽn có thể khiến nước muối không thể chảy vào được mà chảy sang hai bên tai. Điều này có thể khiến trẻ mắc thêm viêm tai.

6. Điều trị viêm xoang cho trẻ sao cho hiệu quả?

Để điều trị viêm xoang cho trẻ an toàn, hiệu quả cần lưu ý:

- Chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ.

- Không tự ý dùng thuốc cho trẻ.

- Tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.

- Tuyệt đối không tự ý ngừng dùng, đổi thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

- Tái khám nếu cần.

- Giữ môi trường sạch sẽ, thoáng mát. Tránh khói bụi và các chất ô nhiễm, lông chó mèo...

- Tiêm vaccine theo lịch, tiêm nhắc lại vaccine cúm theo năm...

Xem thêm video đang được quan tâm:

6 cách giảm viêm họng tại nhà hiệu quả mà không cần dùng thuốc.


BS. Nguyễn Mạnh Hùng
Ý kiến của bạn