Hà Nội

Một số phát minh y học mang tính ứng dụng cao

06-12-2014 08:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Phát minh mới nhất trong y học là hình xăm mỏng như sợi tóc, xăm vi điện tử. Chúng được xăm lên da như hình xăm bằng mực.

1. Hình xăm công nghệ y học

Phát minh mới nhất trong y học là hình xăm mỏng như sợi tóc, xăm vi điện tử. Chúng được xăm lên da như hình xăm bằng mực. Bạn chà xát một miếng dính trên da sau đó bóc nó ra để lại hình xăm trên bề mặt da của bạn.

Hình xăm được tạo từ chất nền polyme cao su có các đặc tính tương tự như da. Nó có cùng độ dày, khối lượng và độ đàn hồi. Nó có thể uốn cong, co giãn và có nếp nhăn giống như da thật và chứa các thành phần mạch được cải tiến có thể kiểm soát các chức năng trong cơ thể bạn, như nhịp tim, sóng não, hoạt động thần kinh cơ và chữa lành vết thương. Sử dụng năng lượng mặt trời, các dữ liệu thu thập được sẽ truyền qua mạng không dây tới một máy tính từ xa để phân tích.

Hình xăm công nghệ y học được phát triển bởi sự phối hợp của các nhà khoa học tại các trường đại học ở Hoa Kỳ, Trung Quốc và Singapore.

2. Cách tự nhiên trị mụn trứng cá

Dissaya Nu Pornpattananangkul, nghiên cứu sinh công nghệ sinh học tại Đại học California ở San Diego (UCSD) đã phát minh ra một phương pháp mới để điều trị mụn trứng cá và giữ cho làn da sạch sẽ.

Kỹ thuật mới sử dụng các hạt nano (nano-bom) nhằm tìm và tiêu diệt vi khuẩn gây mụn trứng cá. Các “nano-bom” sử dụng những thành phần tự nhiên để điều trị mụn trứng cá mà không có tác dụng phụ gây bỏng rát hoặc mẩn đỏ do kết hợp các loại thuốc. Những phân tử nano mang liposome với axít lauric vào vi môi trường da. Các hạt nano tìm vi khuẩn gây mụn trứng cá và sau đó axít lauric sẽ tấn công và tiêu diệt vi khuẩn.

Liposome là một bong bóng nhỏ được làm từ chất liệu tương tự màng tế bào và được lấp đầy bởi các axit lauric. Axit lauric là một axit béo bão hòa có đặc tính kháng khuẩn. Nó có trong dầu dừa, dầu hạt cọ, sữa mẹ, sữa bò và sữa dê.

3. Túi giữ nhiệt cho trẻ sơ sinh

Đôi khi những phát minh y học đơn giản nhất nhưng lại cứu sống được hàng triệu sinh mạng.

Mỗi năm có khoảng 20 triệu trẻ sinh non. Chúng phải đấu tranh để tồn tại do chưa tự điều chỉnh được thân nhiệt và chúng cũng không có đủ lượng mỡ trên cơ thể để giữ ấm. Giải pháp là cần phải giữ ấm cho trẻ sơ sinh, nhưng một chiếc lồng ấp với giá 20.000 USD và cần có điện để hoạt động nên rất khó tìm kiếm được ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

Các bậc cha mẹ đã sử dụng nhiều giải pháp để giữ ấm cho con của họ. Họ ủ cho trẻ chai nước nóng hoặc đặt chúng dưới bóng đèn, nhưng các giải pháp này không những không hiệu quả mà còn không an toàn. Kết quả là có 4 triệu trẻ sinh non tử vong mỗi năm. 2/3 số trường hợp tử vong mỗi năm xảy ra ở 10 quốc gia và 40% trường hợp tại Ấn Độ.

Để giải quyết vấn đề này, Jane và Rajan - cựu sinh viên của Đại học Stanford - đã rất khéo léo khi tạo một chiếc lồng ấp xách tay đơn giản mà không cần sử dụng điện và chi phí chưa tới 30 USD. Nó khá an toàn và dễ sử dụng. Nó không có bộ phận di chuyển và có thể khử trùng dễ dàng. Nó giống như một chiếc túi ngủ nhỏ bé được thiết kế rất thông minh. Đây là chiếc túi có chứa “chất liệu sáp thay đổi pha” tỏa nhiệt trên khắp các vật liệu cách nhiệt ở nhiệt độ 37oC - nhiệt độ quan trọng cho sự sống còn của trẻ.

Các túi chứa được lấy ra từ tấm chăn cách nhiệt và kích hoạt bằng cách đặt nó trong nước nóng khoảng 15 phút. Sau đó được đặt lại vào chăn. Các vật liệu thay đổi pha duy trì một nhiệt độ ổn định trong 4 giờ bằng cách hấp thụ nhiệt nếu bé quá nóng và tỏa nhiệt nếu bé quá lạnh.

4. Kính áp tròng trị bệnh cho mắt

Một phát minh y học mới đã thuộc về các nhà khoa học tại Trường đại học Y Harvard. Phát minh mới là loại kính áp tròng có thể phân chia một liều kháng sinh thông thường cho mắt trong hơn 1 tháng. Một lớp màng polyme tự phân hủy sinh học được trộn với một loại thuốc (kháng sinh) và bọc bằng hydrogel, đó là vật liệu tương tự được dùng để làm kính áp tròng. Tấm màng giải phóng thuốc từ từ vào mắt ở mức 134mcg mỗi ngày trong vòng 30 ngày.

Thuốc nhỏ mắt được dùng để pha chế hầu hết các thuốc sử dụng cho mắt nhưng chúng không có tác dụng. Chỉ có khoảng 1 - 7% thuốc nhỏ mắt được hấp thu vào mắt do phần lớn thuốc bị chảy ra ngoài.

Người bệnh thấy thuốc nhỏ mắt rườm rà và thường quên mất chúng, đó là lý do tại sao các nhà khoa học tin rằng phát minh y học mới này sẽ giúp phân chia thuốc cho mắt một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.

5. Kính áp tròng đo lượng đường máu

Jin Shang, một giáo sư kỹ thuật hóa sinh tại Đại học Tây Ontario, đã phát minh ra kính áp tròng thay đổi màu sắc khi nồng độ đường máu thay đổi.

Những người bị bệnh đái tháo đường cần phải lấy máu để kiểm tra lượng đường. Các hạt nano cấy vào kính áp tròng tương tác với các phân tử đường trong nước mắt. Sự tương tác này sẽ thay đổi màu mắt của kính để cho biết mức đường máu thay đổi. Phát minh y học mới này có thể loại bỏ nhu cầu phải lấy máu để theo dõi lượng đường máu.

6. Đường - kính giúp bảo quản vaccin

Các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Sinh học - Dược Nova và Đại học Oxford đã phát minh ra hộp hình chữ nhật có thể lưu giữ vaccin mà không cần làm lạnh.

Vaccin cần được giữ lạnh ở 4 - 8oC mới có hiệu quả sử dụng. Điều này làm tăng thêm chi phí y tế 14 - 20% (trung bình 200 triệu USD cho hầu hết các nước). Ở các nước đang phát triển, nơi mà tủ lạnh và điện thường khan hiếm thì việc tiêm chủng không thể thực hiện.

Phát minh y học mới này sẽ lưu giữ các virut sống của vaccin vào trong đường. Các vaccin được giữ lại có thể lưu giữ ở nhiệt độ 45oC mà không hề bị giảm giá trị trong nhiều tháng. Quá trình này trộn các virut sống với đường sucrose và trehalose. Sau đó, dung dịch được làm khô trên một màng nhựa cứng tạo thành một hộp đường - kính. Vaccin được cố định và lưu giữ không hoạt động bên trong đường - kính. Khi cần sử dụng, chỉ đơn giản là lắp vào một ống tiêm vaccin chuyên dụng để tiêm.

7. Thiết bị y tế sử dụng áp suất âm

Daielle Zurovcik - cựu sinh viên tại MIT - đã phát minh ra một thiết bị cầm tay làm lành vết thương giá rẻ.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần phải được chăm sóc cho một chân bị cắt bỏ hoặc các vết thương hở do gãy xương. Máy bơm chân không làm tăng tốc độ chữa lành vết thương nhờ loại bỏ vi khuẩn và các chất dịch tích tụ ở trên và xung quanh vết thương.

Kinh nghiệm của bác sĩ phẫu thuật chấn thương tại thảm họa Haiti và các trận động đất lớn khác đấy là sau khi thực hiện xử trí cấp tính, như thủ thuật cắt bỏ chân tay và sắp đặt lại những phần bị gãy, gánh nặng bệnh tật chủ yếu là các vết thương.

Bơm Zurovcik được phát minh có giá khoảng 3 USD và nặng chưa tới 250g. Sau khi vết thương được băng bó kín nhằm ngăn chặn rò rỉ không khí, máy bơm bằng tay có thể được sử dụng để tạo ra lực hút chân không cần thiết mà không cần bất kỳ nguồn điện từ bên ngoài.

(Theo IS)

BS. Tuyết Mai

 

 

 


Ý kiến của bạn