Hà Nội

Một số nguyên tắc để không lây bệnh ở chốn đông người

30-12-2016 10:25 | Đời sống
google news

Mùa xuân cũng là mùa cao điểm của các bệnh lây qua đường hô hấp như sởi, thủy đậu, cúm.

Do đặc trưng về cấu tạo và chức năng, đường hô hấp là cơ quan rất dễ bị tác động bởi các điều kiện bất lợi của môi trường như bụi bẩn, nóng ẩm, lạnh, hơi độc, các loại vi-rút, vi khuẩn, nấm, mốc… Đặc biệt, thời tiết ẩm ướt, ấm của những ngày đầu xuân năm mới chính là điều kiện thuận lợi để các loại vi-rút, vi khuẩn sinh sôi nảy nở và phát triển. Bên cạnh đó, các lễ hội trong dịp Tết với lượng người tham dự đông đúc càng tạo điều kiện cho việc lây lan bệnh trở nên dễ dàng hơn.

Để ngày Tết không bị mất vui vì những căn bệnh đáng ghét, hay quan trọng hơn là bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình, bạn nên lưu ý một số nguyên tắc phòng tránh lây bệnh ở những chỗ đông người sau đây:

1. Giữ ấm cơ thể

Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, nước ta thường phải hứng chịu những hình thái thời tiết bất thường, nóng, lạnh đột ngột. Điều này cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc các bệnh về đường hô hấp gia tăng. Do đó, cần chú ý theo dõi tình hình thời tiết trước khi đi du xuân.

Nếu trời lạnh, nên mặc đủ ấm, quàng khăn, đội mũ, đeo gang tay, đi giầy để tránh bị cảm. Tránh đi đầu trần hoặc dầm mưa. Ngoài ra, nếu thời tiết không quá lạnh, vẫn nên mang theo khăn quàng mỏng hoặc áo khoác nhẹ đề phòng nhiệt độ thay đổi đột ngột hoặc xuống thấp khi trời tối.

Nếu trời lạnh, nên mặc đủ ấm, quàng khăn, đội mũ, đeo gang tay, đi giầy để tránh bị cảm

2. Rửa tay thường xuyên

Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng là phương pháp đơn giản, dễ thực hiện nhưng lại vô cùng hiệu quả trong việc phòng tránh các bệnh lây qua đường hô hấp. Đặc biệt, ở những nơi công cộng, đông người, nơi mà hàng ngày có đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người chạm vào các vật dụng như bàn, ghế, cốc, chén, tay nắm cửa…, việc rửa tay càng trở nên quan trọng.

Theo nghiên cứu, bàn tay (chủ yếu ở kẽ tay và móng tay) là nơi trú ngụ của 4,6 triệu mầm bệnh gồm sinh vật thường trú và vãng lai. Thông thường, vi khuẩn thường trú có độc tính thấp nhưng khi xâm nhập vào cơ thể qua các vết trầy xước, chúng lại có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong khi đó, các vi sinh vật vãng lai như vi-rút cúm, MERS-CoV, vi khuẩn đường tiêu hóa… lại có thể lây lan nhanh tạo thành dịch bệnh.

3. Đeo khẩu trang

Khẩu trang không chỉ giúp chống nắng, che bụi bẩn, mùi khói xe mà còn góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây lan của các bệnh lây qua đường hô hấp. Đối với người mắc bệnh, khẩu trang làm giảm khả năng phát tán vi-rút gây bệnh vào không khí. Đối với người khỏe mạnh, khẩu trang giúp hạn chế sự xâm nhập của các vi-rút, vi khuẩn có hại vào đường hô hấp.

Tuy nhiên, cần lưu ý, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại khẩu trang vải được bán tràn lan. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khẩu trang vải thông thường đa phần chỉ có thể chống bụi, trừ khẩu trang than hoạt tính. Khi sử dụng khẩu trang vải, nên dùng loại có 2-3 lớp vải, phải thường xuyên giặt sạch, không nên đeo khẩu trang quá rộng hoặc quá chật. Đối với khẩu trang y tế, chỉ nên dùng một lần, dùng xong phải vứt vào sọt rác, không vứt bừa bãi.

Cần lưu ý, hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại khẩu trang vải được bán tràn lan

4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh

Nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp với những người đang mắc các bệnh về đường hô hấp. Bởi vi-rút, vi khuẩn của các bệnh này ngoài khả năng lây lan qua đường không khí và còn có thể lây qua đường giọt bắn. Khi người bệnh ho, hắt hơi, những giọt li ti sẽ bắn ra ngoài không khí với tốc độ khá nhanh, lơ lửng trong không khí hoặc bám vào đồ vật xung quanh, văng vào mắt, mũi người lành và lây lan bệnh. Do vậy, không nên đứng quá gần người bệnh, khoảng cách an toàn là 1,5m trở lên và nên đứng vuông góc, không nên đứng đối diện, mặt đối mặt.

5. Tiêm phòng

Nên đi tiêm phòng đối với những bệnh lây qua đường hô hấp đã có vắc-xin. Riêng đối với vắc-xin phòng cúm, nên tiêm lại hàng năm bởi thời gian miễn dịch chỉ kéo dài trung bình 1 năm và vi-rút cúm cũng thay đổi liên tục. Thời điểm tiêm phòng cúm thích hợp nhất là tháng 10, 11 hàng năm (trước mùa cúm). Sau 2 tuần tiêm, vắc-xin bắt đầu có hiệu quả bảo vệ với tỉ lệ đạt 96-97%.

Hà Vân


Ý kiến của bạn