Một số lưu ý khi dùng thuốc điều trị triệu chứng suy tim

01-04-2022 06:50 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Triệu chứng của suy tim thường gặp là khó thở, phù, kho khan kéo dài, mệt mỏi. Do đó các thuốc điều trị nhằm mục đích hạn chế các triệu chứng này.

Có rất nhiều nhóm thuốc điều trị triệu chứng suy tim, nhưng có 2 nhóm thuốc dùng phổ biến nhất hiện nay là thuốc lợi tiểu và glycosid trợ tim.

1. Thuốc lợi tiểu

Do suy tim có thể dẫn đến phù nề, mệt mỏi, khó thở, ho… sử dụng thuốc lợi tiểu là lựa chọn hàng đầu cho các bệnh nhân suy tim có triệu chứng ứ huyết, phù ngoại biên.

Thuốc giúp tăng bài tiết nước tiểu ở thận, giúp đưa lượng dịch bị ứ đọng bên trong ra khỏi cơ thể, từ đó giảm các triệu chứng suy tim.

Các lưu ý khi dùng thuốc lợi tiểu là:

  • Thuốc gây hạ huyết áp, do vậy cần lưu ý chỉ định ở những bệnh nhân huyết áp thấp.
  • Phải đảm bảo bệnh nhân có các dấu hiệu ứ nước thì mới chỉ định dùng lợi tiểu. Nếu bệnh nhân thiếu nước sẽ làm trầm trọng thêm rối loạn nước – điện giải.
  • Thuốc lợi tiểu có rất nhiều nhóm và có chỉ định khác nhau, do vậy dùng thuốc nhóm nào phải do bác sỹ chỉ định căn cứ vào các triệu chứng cũng như tình trạng bệnh. Không tự ý sử dụng hay tăng giảm liều.
  • Khi thuốc lợi tiểu thải nước, luôn kéo theo mất các chất điện giải, trong đó quan trọng nhất là kali, do vậy phải luôn luôn lưu ý bổ sung kali đầy đủ, vì thiếu kali có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim, ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân.
Thuốc điều trị triệu chứng suy tim - những thông tin mà người bệnh không nên bỏ qua - Ảnh 2.

Suy tim khiến người bệnh luôn mệt mỏi, khó thở.

2. Thuốc trợ tim glycosid

Các thuốc trợ tim glycosid (digoxin, digitoxin) mặc dù không nằm trong danh sách các thuốc điều trị bệnh suy tim hàng đầu, nhưng thuốc có khả năng cải thiện được sức bơm máu của tim, giúp người bệnh dễ thở hơn. Thuốc cũng giữ cho nhịp tim ổn định hơn với trường hợp tim đập nhanh hoặc không đều do rung nhĩ. Thuốc cũng có tác dụng trên bệnh nhân suy chức năng tâm thu có kèm dãn buồng tim trái.

Đây là nhóm thuốc độc bảng A, cần hết sức lưu ý các chống chỉ định khi dùng và bắt buộc phải được bác sĩ kê đơn và theo dõi. Thuốc có thể có những tác dụng phụ nguy hiểm đến tính mạng như: Loạn nhịp tim (đặc biệt ngoại tâm thu thất ở các mức độ khác nhau và chậm nhịp tim); làm nặng thêm bệnh lý mạch vành do thuốc làm tăng mức tiêu thụ oxy của cơ tim. Ở các bệnh nhân có suy thận kết hợp, các bệnh nhân có rối loạn điện giải máu (đặc biệt kali máu tăng hoặc giảm đều nguy hiểm) cần phải đặc biệt chú ý.

3. Những điều cần ghi nhớ khi dùng thuốc

Mặc dù với sự tiến bộ không ngừng của y học hiện đại ngày nay, các bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối đã có thể được điều trị triệt để bằng ghép tim hay bằng các dụng cụ hỗ trợ thất trái. Tuy nhiên, các biện pháp này còn có rất nhiều hạn chế do điều kiện kinh tế, điều kiện trang thiết bị và trình độ chuyên môn của các bác sĩ. Do vậy, các biện pháp nội khoa vẫn là phương pháp điều trị hỗ trợ hoặc là chọn lựa chủ yếu để điều trị bệnh suy tim, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.

Thuốc điều trị triệu chứng suy tim - những thông tin mà người bệnh không nên bỏ qua - Ảnh 3.

Bệnh lý mạch vành là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy tim.

Tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân gây suy tim, nên điều trị nội khoa phải bao gồm: Các thuốc điều trị nguyên nhân gây suy tim, thuốc điều trị triệu chứng và thuốc điều trị các biến chứng của suy tim. Ngoài ra, bệnh nhân suy tim hầu hết là có các bệnh đồng mắc và thường phải sử dụng rất nhiều loại thuốc khác nhau. Do vậy người bệnh cũng cần có những hiểu biết nhất định để tránh những sai lầm đáng tiếc khi sử dụng thuốc.

Đối với người bệnh cần:

  • Uống thuốc đúng, đủ, đều vào giờ cố định để tránh quên thuốc.
  • Giữ các toa thuốc cẩn thận vào nơi dễ nhớ, dễ tìm để có thể tra cứu khi quên liều dùng, thời điểm dùng, cách dùng.
  • Không dùng chung toa thuốc với người bệnh khác dù cùng mức độ suy tim, cùng triệu chứng.
  • Không tự ý tăng/giảm/ngừng thuốc.
  • Khi uống thuốc thấy triệu chứng không giảm hoặc xuất hiện các biểu hiện bất thường, cần tái khám hoặc gọi ngay cho bác sĩ.

Mời độc giả xem thêm video:

7 lợi ích của vitamin C

PGS.TS.BS.Nguyễn Đức Hải
Viện trưởng Viện điều trị cán bộ cao cấp, Bệnh viện TWQĐ 108
Ý kiến của bạn