Một số lưu ý khi dùng thuốc cai nghiện thuốc lá

01-07-2019 09:05 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Mỗi ngày trên thế giới ước tính có 10.000 người tử vong do sử dụng thuốc lá.

Việt Nam có tới 50% nam giới và 3,4% nữ giới hút thuốc lá, là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới. Trước thực tế này, việc điều trị cai nghiện thuốc lá là rất cần thiết.

Hút thuốc lá gây nhiều tổn hại

Theo các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng khói thuốc lá có hơn 4.000 chất độc hại chia làm 4 nhóm là: CO (carbon monoxide) gây giảm oxy máu và co mạch vành; Benzopyrene gây ung thư; Chất kích thích gây viêm phế quản mạn; Nicotin gây nghiện thuốc lá.  Ít nhất có 23 bệnh nguy hiểm có liên quan đến hút thuốc lá như bệnh về tim mạch (thiếu máu/nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, viêm tắc động mạch chi dưới), hô hấp (ung thư phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), tiêu hóa (ung thư thực quản, dạ dày, loét dạ dày tá tràng), tai mũi họng (ung thư thanh quản, khí quản, miệng, hầu), tiết niệu (ung thư thận, bàng quang), sinh dục (bất lực, vô sinh, ung thư cổ tử cung, sảy thai, thai chậm phát triển trong tử cung, mãn kinh sớm ở nữ), xương (loãng xương), da (sạm da). Những tác hại này không những tác động trực tiếp đến người hút thuốc lá mà còn ảnh hưởng đến các thành viên khác ở gần (gia đình, cơ quan...) do hít phải khói thuốc lá.

Muốn cai thuốc lá cần có sự tư vấn và theo dõi của bác sĩ trong khi dùng thuốc.

Muốn cai thuốc lá cần có sự tư vấn và theo dõi của bác sĩ trong khi dùng thuốc.

Thuốc dùng trong điều trị cai nghiện thuốc lá

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các biện pháp điều trị được minh chứng có hiệu quả là điều trị nhận thức thay đổi hành vi, điều trị bằng thuốc, trong đó thuốc được dùng trong điều trị cai thuốc lá có 3 loại chính, đó là nicotin thay thế, bupropion, vareniclin. Tùy trường hợp, bác sĩ sẽ quyết định dùng loại thuốc nào điều trị, dùng một loại thuốc hay kết hợp thuốc.

Nicotin thay thế: Có thể được cung cấp qua nhiều đường khác nhau như miếng dán, viên thuốc nhai, viên thuốc ngậm dưới lưỡi, nicotin hít. Trong bốn loại này, loại thường được dùng nhất là nicotin miếng dán. Điểm khác biệt cơ bản của nicotin trong chế phẩm thay thế và nicotin qua điếu thuốc là nồng độ nicotin trong chế phẩm thay thế thấm vào máu một cách từ từ làm cho nồng độ nicotin trong máu không tăng cao một cách đột ngột, trong khi đó nicotin do hút điếu thuốc sẽ thấm vào máu rất nhanh qua phổi đạt nồng độ trong máu cao đột ngột. Vì vậy, nicotin thay thế giúp cơ thể không bị quá thiếu nicotin nên không xuất hiện hội chứng cai thuốc, nhưng cũng không tăng cao đạt đỉnh nên không đem đến cho người nghiện thuốc lá sự sảng khoái có được khi hút thuốc và như vậy sẽ không gây nghiện.

Ngoài ra, trong chế phẩm nicotin thay thế chỉ nhận vào cơ thể mỗi chất nicotin, không có 4.000 chất độc hại như hút thuốc lá. Đặc biệt, nicotin thay thế giúp giảm thiểu các triệu chứng vật vã trong những ngày đầu cai thuốc lá (hội chứng cai thuốc lá), khi cơ thể đã quen dần, bác sĩ điều trị sẽ giảm dần liều thuốc nicotin thay thế sao cho các triệu chứng cai thuốc không xuất hiện. Thông thường thời gian dùng thuốc nicotin thay thế kéo dài từ 1-2 tháng, trường hợp cá biệt có thể kéo dài đến 6 tháng.

Cần lưu ý, ngoài tác dụng chính có thể có tác dụng phụ, thuốc thay thế nicotin loại viên nhai có thể gặp khô miệng, rối loạn tiêu hóa (khó tiêu), thậm chí gây nấc cụt. Loại băng dán có thể có kích ứng da vùng dán băng (ửng đỏ...). Bên cạnh đó còn có chống chỉ định tương đối đối với phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú, đối với bệnh nhân tim mạch, nhất là người có tiền sử nhồi máu cơ tim thuộc diện chống chỉ định tuyệt đối.

Thuốc buprobion và vareniclin: Cũng được khuyến cáo dùng cho trường hợp lệ thuộc thực thể nặng, bởi vì, buprobion và  varenicline có tác động lên hệ thống thần kinh làm người nghiện hút thuốc lá giảm hẳn ham muốn đòi hút thuốc lá. Với cơ chế tác động như vậy, bupropion và vareniclin ban đầu được xem là giải pháp rốt ráo cho cai thuốc. Nhưng đáng tiếc là một số người cai thuốc lá lại không đáp ứng với bupropion và varencilin, hơn nữa vì hai thuốc này đều có chống chỉ định nhiều tác dụng phụ nên phải được bác sĩ chỉ định dùng thuốc (kê đơn).

Với bupropion, có chống chỉ định tuyệt đối đối với bệnh nhân mắc bệnh động kinh hoặc tiền sử có động kinh, rối loạn hành vi, suy gan nặng, u não, dị ứng với các thành phần của thuốc, rối loạn tâm thần trầm cảm và chống chỉ định tương đối đối với phụ nữ đang mang thai, hoặc phụ nữ đang cho con bú, hoặc với người đang điều trị cai nghiện rượu.

Đối với thuốc vareniclin có chống chỉ định tương đối với phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú và chống chỉ định tuyệt đối đối với người bị suy thận nặng.

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc

Bất kỳ ai muốn cai nghiện thuốc lá cần có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, bởi vì, các loại thuốc có hiệu nghiệm (do Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo) loại nào cũng có tác dụng phụ. Mặt khác, khi bắt đầu dùng thuốc cai thuốc lá sẽ có hội chứng cai thuốc lá phải có sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa. Trong số những người điều trị cai thuốc lá sẽ có người phải dùng thuốc kết hợp, điều đó người nghiện thuốc lá không được tự mua thuốc để dùng (người bán thuốc không được bán cho những người không có đơn thuốc) mà phải có chỉ định, theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.

Ngoài dùng thuốc, việc hướng dẫn bệnh nhân, người nhà, gia đình, bạn bè cũng là những thành tố quyết định sự thành bại của cai nghiện thuốc lá mà việc này không thể làm trong một sớm một chiều, cần có sự thay đổi từ từ, từ nhận thức đến hành vi của người nghiện thuốc lá.


BS. Bùi Mai Hương
Ý kiến của bạn