Một số lưu ý khi dùng cam thảo Bắc

15-07-2010 15:05 | Y học cổ truyền
google news

Trong thuốc Đông y, cam thảo bắc là một vị thuốc bổ khí, có tác dụng nâng đỡ chân khí trong cơ thể, chống suy nhược mệt mỏi.

 Cây cam thảo bắc.
Trong thuốc Đông y, cam thảo bắc là một vị thuốc bổ khí, có tác dụng nâng đỡ chân khí trong cơ thể, chống suy nhược mệt mỏi. Trong phương thuốc cổ truyền, cam thảo bắc thường giữ vai trò là "tá", nghĩa là có tác dụng dẫn thuốc vào kinh, cam thảo bắc thường được dùng để chữa nhiều bệnh như viêm họng, ho, nhiều đờm... hoặc các bệnh về hệ thống tiêu hóa: viêm loét dạ dày, tá tràng... Vị thuốc còn có tác dụng giải độc trong cơ thể. Ngoài ra, cam thảo bắc còn có tác dụng điều vị trong phương thuốc, nhất là đối với những phương có các vị thuốc có vị rất đắng, khó uống như hoàng liên, xuyên tâm liên...

Tuy nhiên khi sử dụng cam thảo bắc cũng cần phải lưu ý đến các trường hợp sau:

- Các trường hợp cơ thể có xu hướng giữ nước như phụ nữ bị rối loạn nội tiết gây các hiện tượng phù nhẹ (lõm chân khi ấn nhẹ) hoặc các trường hợp sau khi sử dụng các chế phẩm dạng corticoid để trị các bệnh viêm nhiễm, dị ứng (hen suyễn), đau khớp... Vì bản thân các loại chế phẩm này đã có tác dụng giữ nước, nếu dùng cam thảo bắc sẽ làm tăng khả năng giữ nước trong cơ thể dẫn đến phù nề.

- Các trường hợp viêm thận cấp tính hoặc mạn tính có các biểu hiện bị phù mí mắt, nặng mặt, tiểu ít... cũng không  dùng cam thảo bắc.

- Các trường hợp viêm gan, xơ gan... đã có biểu hiện phù nề cũng không dùng cam thảo bắc.

- Các trường hợp phù do tim cũng không được dùng cam thảo bắc.

- Người bị tăng huyết áp hoặc huyết áp không ổn định cũng không nên dùng cam thảo bắc.

- Những trường hợp táo bón mạn tính, lâu ngày do đại tràng thực nhiệt, dẫn đến nê trệ đường ruột, nhất là ở những người yếu mệt lâu ngày, do chân khí giảm hoặc ở những người cao tuổi, nhu động đại tràng giảm. Trong những trường hợp này, nếu dùng cam thảo bắc sẽ là nguy cơ làm tăng khả năng táo bón.

- Những trường hợp viêm phế quản mạn tính, ho nhiều kèm theo khó thở ở thể giãn phế quản cũng không dùng được cam thảo bắc.

Tóm lại, khi dùng cam thảo bắc  cần lưu ý đến hai tác dụng bất lợi mà nó có thể dẫn đến, đó là tác dụng giữ nước và tác dụng giãn cơ trơn.

Một số vị thuốc dùng thay thế cam thảo bắc

- Cỏ ngọt (Stevia rebaudiana) là cây thuốc được di thực từ Nam Mỹ (Paraguay), phát triển tốt ở nước ta. Cỏ ngọt vừa có vị ngọt, dễ uống, lại có tác dụng trị tăng huyết áp, đái tháo đường, trị ho...

- Cam thảo dây (Abrus precatorius) được trồng khá phổ biến ở nước ta để lấy dây và lá làm thuốc, vị ngọt, dễ uống, có tác dụng trị ho, đờm. Uống hàng ngày vào những ngày hè nóng nực có tác dụng giải nhiệt tốt.

- Cam thảo đất (Scoparia dulcis). Dùng toàn cây làm thuốc, vị ngọt, mát, rất dễ uống, có tác dụng chữa ho, đái tháo đường và làm mát cơ thể.     

GS.TS. Phạm Xuân Sinh


Ý kiến của bạn