Một số loại thuốc thông thường gây tăng huyết áp

10-10-2018 16:22 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Người bệnh tăng huyết áp đôi khi cũng mắc phải những chứng bệnh cấp tính thông thường như đau đầu, cảm cúm, sổ mũi, ngạt mũi, đau xương khớp, mình mẩy… và cần phải dùng đến thuốc.

Nhiều thuốc trị các triệu chứng này lại không cần phải kê đơn (thuốc OTC), người bệnh có thể tự mua về dùng.Tuy nhiên, đối với người bệnh tăng huyết áp cần rất cẩn trọng. Bởi thuốc có thể làm người bệnh không kiểm soát được huyết áp mặc dù vẫn uống thuốc trị tăng huyết áp đều đặn…

Thuốc trị nghẹt mũi gây tăng huyết áp

Nghẹt mũi (ngạt mũi) là triệu chứng rất thường gặp và là triệu chứng của rất nhiều bệnh như cảm cúm, viêm mũi, họng hay nghẹt mũi do dị ứng, cảm lạnh thông thường…Nhóm thuốc co mạch sẽ được dùng để trị triệu chứng này, có thể dùng toàn thân (uống) hoặc tại chỗ (nhỏ, xịt) tùy theo mức độ bệnh. Cơ chế gây tăng huyết áp của các thuốc trị nghẹt mũi là gây co mạch.

Thuốc đường uống thường dùng trị nghẹt mũi như pseudoephedrine, phenylephrine… giúp co niêm mạc mũi qua hiệu ứng co mạch của thuốc, giúp chống sung huyết mũi nhưng lại gây tăng huyết áp và làm rối loạn nhịp tim.

Thuốc co mạch dùng tại chỗ như naphazolin, oxymetazolin... Khi nhỏ thuốc làm co mạch tại chỗ nhanh và kéo dài nhưng cũng được cảnh báo thận trọng dùng cho bệnh nhân có bệnh tim và tăng huyết áp do dược chất có thể được hấp thu vào máu và gây tác dụng toàn thân, có thể nguy hiểm cho người bệnh.

Vì vậy, nếu bị tăng huyết áp hay bị bệnh về tim mạch, người bệnh nên hỏi bác sĩ trước khi dùng bất cứ dạng thuốc nào trị nghẹt mũi vì hầu hết các thuốc co mạch làm thông mũi (uống, xịt, nhỏ, hít) đều có nguy cơ làm tăng huyết áp.

Người bệnh tăng huyết áp cần thận trọng khi dùng thuốc trị cảm cúm, thuốc dạng sủi...

Người bệnh tăng huyết áp cần thận trọng khi dùng thuốc trị cảm cúm, thuốc dạng sủi...

Thuốc chống viêm không steroid làm giảm tác dụng của thuốc huyết áp

Các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) được sử dụng rộng rãi trong các trường hợp đau, viêm, đặc biệt với những bệnh nhân có bệnh về xương khớp. Các thuốc này ức chế giãn mạch qua trung gian prostagladin và làm tăng giữ muối và nước trong cơ thể. Cả hai cơ chế này đều góp phần làm các thuốc NSAID đối kháng một phần tác dụng của thuốc điều trị tăng huyết áp, đặc biệt với những thuốc có cơ chế tác dụng tác động thông qua prostagladin, renin hoặc cân bằng natri và nước trong cơ thể. Sự đối kháng này phụ thuộc vào liều và thời gian dùng thuốc.Liều càng cao, dùng trong thời gian càng dài thì khả năng làm tăng huyết áp sẽ cao hơn.

Các thuốc điều trị tăng huyết áp bị ảnh hưởng bởi các NSAID cũng khác nhau. Ví dụ, thuốc lợi tiểu, ức chế men chuyển, chẹn bêta và ức chế thụ thể angiotensin II... dễ bị NSIAD vô hiệu hóa (đối kháng) hơn là các thuốc chẹn kênh calci và thuốc hạ áp theo cơ chế trung ương.

Do có sự đối kháng làm giảm tác dụng của thuốc huyết áp nên nếu dùng cùng sẽ làm giảm hiệu quả điều trị của thuốc huyết áp và giảm hiệu quả dự phòng của các biến cố tim mạch do không kiểm soát được huyết áp gây ra.

Cụ thể, các thuốc như ibuprofen, naproxen... cũng đã có cảnh báo không được sử dụng đối với bệnh nhân có bệnh tim hoặc tăng huyết áp. Thuốc có thể gây ra những vấn đề về tim, đe dọa tính mạng hoặc các vấn đề lưu thông như cơn đau tim hoặc đột quỵ, đặc biệt là nếu sử dụng nó lâu dài. Nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ có thể tăng nếu bệnh nhân sử dụng ibuprofen, naproxen với số lượng lớn hơn hoặc lâu hơn so với khuyến cáo.

Vì vậy, đối với bệnh nhân này, khi dùng các thuốc không kê đơn cần hết sức thận trọng. Cần kiểm tra nhãn thuốc, đọc kỹ các thành phần có trong thuốc và các cảnh báo khi dùng trong hướng dẫn sử dụng thuốc để tránh dùng những sản phẩm gây bất lợi cho bệnh của mình. Khi đi mua thuốc, cần nói rõ tình trạng bệnh tim mạch, huyết áp để dược sĩ có thể lựa chọn các sản phẩm thay thế làm giảm bớt triệu chứng của các bệnh thông thường mà không có nguy cơ sức khoẻ liên quan đến vấn đề về tim mạch hay huyết áp của bệnh nhân.

Thuốc dạng viên sủi bất lợi cho bệnh nhân tăng huyết áp

Hiện nay, thuốc dạng viên sủi cũng được dùng phổ biến, thường gặp viên sủi chứa vitamin C, chứa đa vitamin, viên sủi dùng hạ sốt... Viên sủi thích hợp cho người bệnh khó nuốt, nhất là trẻ em và người cao tuổi. Đối với trẻ em khoảng 2 - 3 tuổi rất khó uống thuốc loại viên nhưng nếu có viên sủi tạo dung dịch có mùi vị thơm ngon sẽ hấp dẫn trẻ uống thuốc. Tương tự, người cao tuổi do khó khăn trong sự nuốt nên uống dung dịch tạo từ viên sủi sẽ dễ hơn là viên nén.

Tuy nhiên, để bào chế viên sủi trong thành phần của thuốc luôn có tá dược rã sinh khí gồm có lượng khá lớn muối kiềm (natri carbonat hoặc natri bicarbonat) và acid hữu cơ (như acid citric). Vì thế, khi viên sủi được cho vào nước, muối kiềm tác dụng với acid hữu cơ phóng thích khí CO2 gây sủi bọt. Như vậy, trong viên sủi luôn chứa một lượng muối kiềm (natri) sẽ gây tăng huyết áp đối với người có sẵn bệnh lý này và đang kiêng muối. Vì vậy, đối với người bệnh tăng huyết nếu dùng dạng viên sủi cũng sẽ khó kiểm soát được huyết áp.


DS. Nguyễn Thu Giang
Ý kiến của bạn