Một số loại thuốc gây tổn thương gan

02-10-2019 14:27 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Thuốc dùng để chữa bệnh. Tuy nhiên, có một số loại thuốc tác dụng phụ của chúng có thể làm tổn thương gan, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng thuốc...

Thuốc dùng để chữa bệnh. Tuy nhiên, có một số loại thuốc tác dụng phụ của chúng có thể làm tổn thương gan, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dùng thuốc, thậm chí gây nguy hiểm nếu lạm dụng thuốc hoặc tự ý mua thuốc dùng cho bản thân hoặc gia đình.

Nhiều thuốc làm tổn thương gan

Hầu hết thuốc sau khi uống hoặc tiêm, thậm chí thuốc ngậm, thoa ngoài da, đặt hậu môn đều có thể tác hại đến gan (ngộ độc gan) ở từng mức độ khác nhau. Tùy từng loại thuốc mà có thể gây nên viêm gan cấp, suy gan cấp hoặc viêm gan mạn, xơ gan, gan nhiễm mỡ hoặc bệnh đường mật, bởi vì thuốc vào máu và đi qua gan trước khi đào thải ra ngoài theo đường tiết niệu hoặc theo đường mật xuống ruột. Đặc biệt là những người đã có bệnh gan, mật mạn tính, gan càng dễ bị ngộ độc thuốc hơn.

Một số thuốc thông thường nhưng vẫn có thể làm ảnh hưởng đến gan, đó là thuốc giảm đau, hạ sốt như paracetamol (hoạt chất này có mặt trong rất nhiều các sản phẩm trị sốt, ho, cảm cúm...) có thể làm viêm gan do dùng quá liều hoặc dùng một thời gian dài. Một số trường hợp cứ mỗi lần thấy đau nhức xương khớp hoặc say rượu (nhức đầu) là uống paracetamol. Tuy rằng, thuốc làm giảm đau, hết nhức xương khớp, nhưng lạm dụng sẽ tác dụng xấu cho gan. Nếu dùng paracetamol khi uống rượu lại càng nguy hiểm vì bản thân rượu đã có tác động xấu cho gan. Bên cạnh đó, thuốc giảm đau như salicylate (aspirin), ibuprofen hoặc naproxen, nếu nhẹ có thể làm tăng men gan, nếu nặng có thể gây viêm gan cấp. Bên cạnh đó, có một số thuốc khác gây viêm gan cấp tính như phenytoin (thuốc điều trị động kinh), diazepam (thuốc an thần), halothan (thuốc gây mê) hoặc thuốc cimetidin (điều trị bệnh dạ dày) có thể gây viêm gan cấp.

Không nên nhầm tưởng kháng sinh là vô hại, đặc biệt có một số kháng sinh là clindamycin và metronidazol nếu dùng quá liều hoặc kéo dài cũng có thể gây viêm gan cấp tính. Kháng sinh erythromycin, ciprofloxacin có thể gây viêm đường mật, từ đó ảnh hưởng đến gan hoặc thuốc ức chế virut  retrovirus nhưng vẫn có thể gây viêm gan nếu dùng sai chỉ định. Trong cuộc sống hàng ngày, thuốc kháng viêm corticoid là thuốc rất hiệu nghiệm trong điều trị viêm, dị ứng, nhưng nếu lạm dụng có thể làm cho gan bị nhiễm mỡ, nhất là khi sử dụng kéo dài, quá liều.

Với thuốc chống lao như isoniazid, rifampicin, streptomycin... đặc biệt là isoniazid (INH), khi dùng có thể gây ngộ độc cho gan, bởi vì đối với bệnh nhân lao, thường phải dùng liều cao ngay từ đầu và dùng kéo dài nhiều tháng. Ngộ độc gan do thuốc chống lao có thể nhẹ, từ từ nhưng có thể nặng, biểu hiện vàng da, vàng mắt, mệt mỏi hoặc có thể suy gan (tỷ lệ khoảng 0,1 - 2% bệnh nhân).

Ngoài ra, không nên xem thường vitaminA, cho dù đó là một loại vitamin rất cần thiết cho cơ thể, nhất là trẻ em, nhưng khi dùng quá liều có thể gây tổn hại gan. Nếu uống vitamin A thường xuyên liều lớn trên 25.000 đơn vị/ngày, có thể gây ngộ độc mạn tính và tổn thương gan.

Một vài đặc điểm cần lưu ý khi tổn thương gan do thuốc

Đa số ngộ độc gan do thuốc biểu hiện lâm sàng rất nghèo nàn, thậm chí không thấy biểu hiện gì, nhất là loại nhẹ, mạn tính, kéo dài. Một số trường hợp chỉ thấy mệt mỏi, chán ăn, nhất là bệnh nhân đang dùng thuốc chống lao, đặc biệt là những tháng sau khi dùng thuốc. Vì vậy, để biết gan có bị ngộ độc hay không khi dùng thuốc quá liều hoặc dùng thuốc kéo dài hoặc lạm dụng thuốc (dùng thuốc giảm đau, hạ sốt, kháng viêm...), nhất là người có tiền sử viêm gan cần đi khám bệnh. Tại đây, cần cho bác sĩ biết đã dùng những loại thuốc gì, trong bao lâu (tốt nhất là có đơn thuốc hoặc sổ khám bệnh, y bạ) để bác sĩ xem các loại thuốc đó có làm tổn hại gan hay không. Trên cơ sở đó sẽ được làm xét nghiệm về chức năng gan, mật, siêu âm gan. Khi có nghi ngờ và thật cần thiết được tiến hành các cận lâm sàng khác (chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ hoặc sinh thiết gan...).

Làm thế nào để dùng thuốc nhưng không hại đến gan?

Trước hết, với những người đã hoặc đang mắc bệnh về gan cần hết sức lưu ý là không tự động mua thuốc để tự chữa bệnh cho mình, đặc biệt là các loại thuốc có ảnh hưởng đến gan. Người bị đau nhức xương khớp với bất kỳ nguyên nhân nào cũng cần được dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh (liều lượng bao nhiêu và dùng trong bao nhiêu ngày... người bệnh cần tuân thủ). Khi mắc bệnh nhiễm khuẩn phải đi khám bệnh, không tự động mua kháng sinh dùng, bởi vì tự mua kháng sinh (cả thuốc kháng virut) để dùng sẽ không có lợi cho người bệnh, có thể dẫn tới tổn thương gan và làm cho vi khuẩn kháng thuốc.


BS. Bùi Mai Hương
Ý kiến của bạn