Dưới đây là một số thuốc chữa bệnh thường gặp có thể gây phát ban da cần lưu ý để phòng ngừa:
1. Thuốc kháng sinh có thể gây phát ban da
Kháng sinh là thuốc phổ biến có nguy cơ gây phát ban da, phản ứng dị ứng và nhạy cảm với ánh sáng. Thuốc kháng sinh sulfa và penicillin là những thủ phạm phổ biến.
- Bactrim (sulfamethoxazole / trimethoprim) thuộc nhóm sulfonamid. Những người bị dị ứng với "sulfa" thường bị dị ứng với các loại thuốc này.
Thuốc có thể gây ra một loạt các phản ứng trên da, phổ biến nhất là phát ban ngoài da. Thông thường, tình trạng này xảy ra từ 1 đến 2 tuần sau khi bắt đầu dùng bactrim và sau đó sẽ hết khi ngừng thuốc. Bactrim cũng có liên quan đến các phản ứng trên da như: Hội chứng Stevens-Johnson (SJS) và hoại tử biểu bì nhiễm độc (TEN), phát ban do thuốc với tình trạng tăng bạch cầu ái toan và các triệu chứng toàn thân (DRESS), viêm mủ ban đỏ toàn thân cấp tính (AGEP).
- Cephalexin là một loại kháng sinh cephalosporin, có thể gây phản ứng dị ứng da cao nhất so với các thuốc khác trong nhóm. Giống như bactrim, cephalexin có liên quan đến một số phản ứng có thể xảy ra, bao gồm phát ban ngoài da, nổi mề đay và bệnh huyết thanh.
- Penicillin: Có liên quan đến các loại thuốc như cephalexin, có cùng cấu trúc hóa học cơ bản. Điều này có nghĩa là nếu bạn có phản ứng nghiêm trọng với cephalexin (hoặc một loại cephalosporin khác), không nên dùng penicillin. Phản ứng da với penicillin có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng.
Một số loại thuốc phổ biến gây phát ban da như kháng sinh, NSAID…
2. Thuốc hydralazine điều trị tăng huyết áp và suy tim
Hydralazine (apresoline) là một loại thuốc điều trị huyết áp có thể gây ra bệnh lupus ban đỏ do thuốc (DILE), giống với bệnh tự miễn lupus ban đỏ hệ thống.
DILE có thể gây ra một số loại phát ban khác nhau, bao gồm phát ban đỏ hình cánh bướm trên mũi, má và các vùng da khác tiếp xúc với ánh nắng mặt trời… cũng có thể dẫn đến đau khớp, sốt và viêm nội tạng.
3. Một số NSAID
Aspirin, ibuprofen (advil, motrin) và naproxen (aleve)… có tác dụng giảm đau và hạ sốt. Đây là một loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
Phản ứng da với những loại thuốc này rất hiếm, nhưng vẫn có thể xảy ra, từ phát ban nhẹ đến phù mạch và phản vệ.
Các phản ứng sau đây đã được báo cáo ở những người sau khi dùng NSAID ít nhất 24 giờ:
- Phát ban ngoài da
- Ban đỏ nhiễm sắc cố định
- Phản ứng nghiêm trọng như DRESS và AGEP
Đối với người bị phản ứng với aspirin, rất có thể cũng sẽ bị phản ứng với các loại NSAID khác.
4. Thuốc lợi tiểu furosemid
Furosemide (lasix) là thuốc lợi tiểu, một phần của nhóm sulfonamide. Do đó, đối với người bị dị ứng với kháng sinh sulfa, có khả năng cũng có thể phản ứng với furosemide.
Các phát ban da do furosemid bao gồm phát ban, ngứa và nổi mề đay. Các phản ứng hiếm gặp và nghiêm trọng hơn bao gồm DRESS, SJS/TEN, ban đỏ da.
5. Thuốc chống co giật
Thuốc chống co giật gây phát ban và phản ứng quá mẫn ở khoảng 1/10 người dùng thuốc. Các loại thuốc phổ biến nhất gây phát ban bao gồm:
- Carbamazepin (Tegretol)
- Oxcarbazepin (Trileptal)
- Phenytoin (Dilantin)
- Lamotrigine (Lamictal)
Phát ban nhẹ là phổ biến nhất. Nguy cơ phát ban này có thể được giảm thiểu bằng cách tránh liều khởi đầu cao và tăng liều từ từ theo thời gian.
Thuốc chống co giật cũng liên quan đến DRESS và SJS/TEN.
6. Thuốc chống đông máu warfarin
Warfarin (Coumadin, Jantoven) là thuốc làm loãng máu giúp điều trị và ngăn ngừa cục máu đông, có thể xảy ra tình trạng bầm tím bất thường nếu liều dùng quá cao. Nếu tình trạng này xảy ra, người bệnh nên đi khám ngay.
Một tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng khác là hoại tử da do warfarin gây ra (biểu hiện là các mảng màu đỏ, tím hoặc nâu có thể phát triển thành mụn nước, loét và hoại tử da). Nguy cơ này cao hơn ở những người mắc một số tình trạng di truyền có nguy cơ hình thành cục máu đông cao hơn.
7. Thuốc allopurinol
Allopurinol là một loại thuốc được sử dụng để làm giảm nồng độ axit uric cao, thường gặp nhất trong ung thư và bệnh gout.
Tác dụng phụ phổ biến nhất là phát ban ngứa, phẳng hoặc sần sùi. Đôi khi tình trạng này có thể tiến triển thành các tình trạng nghiêm trọng như DRESS hoặc SJS/TEN.
Nguy cơ mắc bệnh ngoài da nghiêm trọng hơn, cao hơn khi mới bắt đầu dùng allopurinol, những người bị suy thận và bắt đầu dùng liều cao, cũng như ở những người có đột biến gen cụ thể (HLA-B*58:01).
Nên làm gì nếu da bị phản ứng với thuốc?
Phát ban có thể thoảng qua rồi biến mất khi ngừng thuốc. Tuy nhiên, phát ban có thể tiến triển thành các tình trạng nghiêm trọng hơn nếu không được điều trị.
Nếu người bệnh bị phát ban da sau khi bắt đầu dùng thuốc mới, hãy trao đổi với bác sĩ xem có nên tiếp tục dùng thuốc hay không hoặc có thể đổi sang thuốc khác phù hợp hơn.
Nếu người bệnh bị phát ban da, kết hợp với bất kỳ triệu chứng nào sau đây cần được chăm sóc y tế ngay lập tức:
- Phồng rộp hoặc bong tróc (trên da hoặc niêm mạc miệng, mũi hoặc bộ phận sinh dục).
- Sốt
- Đau
- Hụt hơi
- Sưng mặt hoặc cổ họng
- Phát ban lan nhanh...
Không được ngừng hoặc thay đổi thuốc mà không thảo luận với bác sĩ kê đơn trước, vì việc ngừng hoặc thay đổi một số loại thuốc đột ngột có thể không an toàn.