Sửa van hai lá qua đường ống thông
Hở van hai lá là bệnh lý thường gặp trong thực hành tim mạch do nguyên nhân bẩm sinh hoặc là hậu quả của các bệnh lý khác như tăng huyết áp (THA), bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh cơ tim... Theo thống kê hiện nay số lượng bệnh nhân hở van hai lá càng ngày càng gia tăng, ước tính cứ 10 người cao tuổi trên 75 tuổi có ít nhất một người bị hở van hai lá mức độ đáng kể.
Phương pháp kinh điển để điều trị hở van hai lá là phẫu thuật tim hở. Tuy nhiên do tuổi thọ bình quân tăng lên và số người bị hở van hai lá tăng theo, nhiều người lớn tuổi, có nhiều bệnh lý mạn tính kèm theo có thể không thể đủ sức khoẻ để chịu đựng cuộc mổ hở. Khi đó, can thiệp sửa van hai lá qua đường ống thông là phương pháp mới nhẹ nhàng hơn, cứu cánh cho người bệnh và người thầy thuốc cũng có thêm những lựa chọn mới trong điều trị cho người bệnh.
Khác với phẫu thuật tim hở khi phải mở ngực, các bác sĩ tim mạch can thiệp sẽ đặt một ống thông (kích thước không quá 0,7mm) qua đường tĩnh mạch ở đùi, đưa dụng cụ sửa van hai lá (MITRA-CLIP) qua vách liên nhĩ và tiếp cận với van hai lá bị hở. Dưới sự khéo léo của người bác sĩ tim mạch can thiệp, hỗ trợ bởi bác sĩ siêu âm tim, hai mép của van hai lá bị hở sẽ được “kẹp” lại. Thiết bị MITRA-CLIP sẽ giúp lỗ hở lớn của van hai lá thành 2 lỗ hở nhỏ như hình số 8 và giúp làm giảm mức độ hở van, giảm dòng máu phụt ngược qua van hai lá trong thì tâm thu, từ đó cải thiện được đáng kể về triệu chứng cũng như tiên lượng lâu dài cho người bệnh bị hở van hai lá.
Qua rất nhiều những nghiên cứu đã công bố cũng như đang được tiến hành trên thế giới, can thiệp sửa van hai lá qua đường ống thông có thể sẽ là “tương lai” cho việc điều trị các bệnh nhân hở van hai lá, giúp các bệnh nhân có được một phương pháp nhẹ nhàng, ít xâm lấn trong việc điều trị.
Thay van động mạch chủ.
Thay van động mạch chủ qua da
Hẹp van động mạch chủ là một bệnh lý van tim khác cũng rất trầm trọng. Van động mạch chủ hẹp chủ yếu do vôi, thoái hóa. Khi xuất hiện đau ngực, khó thở, một nửa số bệnh nhân hẹp khít van động mạch chủ sẽ tử vong trong vòng 2 năm nếu không được phẫu thuật. Nhưng có tới một phần ba số bệnh nhân này không thể phẫu thuật được vì tuổi cao, bệnh nặng. Thay van động mạch chủ qua da (TAVI) được GS. Cribier thực hiện lần đầu trên thế giới vào năm 2002 đã mở ra cánh cửa đầy hy vọng cho những bệnh nhân này.
Can thiệp nong và đặt stent
Nhồi máu cơ tim cấp do tắc nghẽn động mạch vành nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở bệnh nhân tim mạch. Can thiệp nong và đặt stent là kỹ thuật đã trở thành kinh điển và bắt buộc ở những bệnh nhân này. Tuy nhiên vẫn có 10 - 30% bệnh nhân sau can thiệp không thể trở lại cuộc sống bình thường vì suy tim nặng. Chiết tách tế bào gốc từ tủy xương của người bệnh, xử lý rồi tiêm trở lại động mạch vành, là một phương pháp can thiệp mới giúp tái sinh cơ tim bị nhồi máu.
Kỹ thuật bít thông liên thất bằng dụng cụ
Thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch… là những bệnh tim bẩm sinh rất thường gặp. Ở Việt Nam ước tính mỗi năm có từ 16.000 - 20.000 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh ra đời. Có tới 80% bệnh tim bẩm sinh không phức tạp có thể điều trị triệt để, đặc biệt bằng phương pháp can thiệp.
Sử dụng năng lượng sóng có tần số radio
Trong lĩnh vực tạo nhịp tim, kỹ thuật hiện đại nhất được triển khai tại Viện Tim mạch Quốc gia là điều trị rung nhĩ bằng phương pháp sử dụng năng lượng sóng có tần số radio với sự hỗ trợ công nghệ lập bản đồ điện học 3 chiều (3D). Rung nhĩ là rối loạn nhịp tim thường gặp nhất (2% dân số), thủ phạm của những biến chứng tim mạch nặng nề như đột quỵ, tắc mạch chi, suy tim. Can thiệp triệt đốt rung nhĩ là phương pháp hiệu quả nhất giúp bệnh nhân trở lại nhịp tim bình thường mà không cần phải dùng các thuốc chống loạn nhịp tim.
Can thiệp đặt stent Graft vào động mạch chủ
Một trong những bệnh mạch máu nguy hiểm nhất là phình, lóc tách động mạch chủ. Tại Hoa Kỳ, phình động mạch chủ bụng đứng thứ 3 trong số các nguyên nhân gây đột tử, và xếp thứ 10 trong số các nguyên nhân gây tử vong ở nam giới trên 55 tuổi. 90% bệnh nhân chết ngay khi biến chứng vỡ phình xảy ra. Kỹ thuật đặt stent Graft vào động mạch chủ (một giá đỡ được làm bằng kim loại đặc biệt) qua ống thông trong lòng mạch đi đến vị trí thành động mạch chủ bị yếu (nơi bị phình tách), giúp bảo vệ thành động mạch chủ, giảm nguy cơ bị vỡ động mạch chủ mà không cần phẫu thuật giúp người bệnh tránh một cuộc mổ lớn hồi phục nhanh, ít đau, rút ngắn thời gian nằm viện và không cần sự trợ giúp của máy tuần hoàn ngoài cơ thể đối với phình tách động mạch chủ ở ngực.
So với phương pháp mổ truyền thống, kỹ thuật đặt stent Graft vào động mạch chủ đã mở ra nhiều cơ hội cho những bệnh nhân mắc căn bệnh hiểm nghèo liên quan đến tim, giúp giảm biến chứng và bệnh nhân chỉ phải nằm viện trong thời gian ngắn.
Ứng dụng sóng có tần số radio và laser bước sóng 1470nm
Tại châu Âu có từ 25 - 33% phụ nữ và 10 - 20% nam giới bị căn bệnh này. Một số điều tra của Viện Tim mạch Quốc gia chỉ ra gần 30% phụ nữ có thai có các biểu hiện của suy tĩnh mạch, hơn 40% giáo viên cấp III tại Hà Nội được chẩn đoán là suy tĩnh mạch. Những năm đầu thế kỷ 21 là kỷ nguyên bùng nổ các can thiệp nội tĩnh mạch trong điều trị suy tĩnh mạch mạn tính. Hàng nghìn bệnh nhân đã quay trở lại cuộc sống hàng ngày với đôi chân “vừa khỏe, vừa đẹp” nhờ điều trị bằng những kỹ thuật này…