Siêu âm là gì?
Siêu âm là sóng âm thanh có tần số cao trên 20KHz, ngoài khả năng nghe của con người (tai người nghe được sóng âm ở tần số 16 - 20KHz). Siêu âm ứng dụng trong y học có tần số từ 700KHz - 50MHz, trong đó siêu âm chẩn đoán sử dụng các tần số từ 2 - 50MHz.
Siêu âm chẩn đoán
Bắt đầu ứng dụng trong y học từ những năm 1950. Ghi hình siêu âm dựa trên cơ sở chính là sự tương tác của tia siêu âm với các mô trong cơ thể. Các môi trường khác nhau trong cơ thể sẽ có sự sai biệt về hấp thụ, tốc độ truyền, trở kháng âm, kích thước, cấu trúc hình học... tạo nên hình ảnh khác nhau.
Siêu âm chẩn đoán tốt với các tạng đặc (gan-mật, lách, tụy, thận, tử cung, buồng trứng, tuyến tiền liệt, tinh hoàn, tuyến giáp, tuyến vú, não trẻ con…) và chứa dịch (túi mật, bàng quang…); hạn chế đối với các tạng chứa khí (ống tiêu hóa), xương.
Tạo ảnh siêu âm
Đầu dò (tạo sóng siêu âm và nhận tín hiệu phản hồi) được kích thích bởi xung điện, phát ra sóng âm lan vào môi trường, gặp các mặt phản hồi và phần tử tán xạ trên đường truyền sẽ tạo sóng phản xạ, tán xạ quay trở về đầu dò. Đầu dò biến đổi sóng hồi âm thành tín hiệu điện mang 2 thông tin chính: vị trí và tính chất âm học của môi trường, được máy tính xử lý và thể hiện thành hình ảnh.
Có 3 phương thức thể hiện hình ảnh:
- Phương thức biên độ sóng (phương thức A): khi cần đo đạc chính xác, thường dùng trong mắt, da liễu…
Hình siêu âm trắng - đen 2D của gan
- Phương thức động theo thời gian (phương thức TM): khảo sát các mặt chuyển động như tim, cơ hoành.
- Phương thức điểm sáng (phương thức B): sử dụng rộng rãi nhất, thể hiện bằng những chấm có độ sáng và vị trí khác nhau.
Các loại siêu âm chẩn đoán thông dụng
Siêu âm trắng - đen: phát triển trong các năm 1970 - 1980, là siêu âm phương thức B cho hình ảnh 2 chiều trong không gian, tốc độ tạo hình nhanh, ghi hình tức thời sự chuyển động của các cấu trúc trong cơ thể, dùng trong khảo sát hình thái tất cả các cơ quan để kiểm tra, tầm soát, chẩn đoán, theo dõi... Tùy vào cơ quan khảo sát, vị trí nông, sâu để chọn các loại đầu dò và tần số thích hợp.
Siêu âm Doppler: phát triển trong các năm 1980 - 1990. Siêu âm Doppler dựa trên nguyên lý của hiệu ứng Doppler: các sóng âm của một vật đang di chuyển sẽ có tần số thay đổi, cao hơn khi di chuyển về phía đầu dò và thấp hơn khi đi xa đầu dò; sự thay đổi tần số tỉ lệ thuận với tốc độ vật di chuyển. Siêu âm Doppler thường được dùng để tính vận tốc, trở kháng của dòng chảy. Siêu âm Doppler ứng dụng chính trong khảo sát tim, các bệnh lý mạch máu trung tâm và ngoại vi, mạch máu các tạng, mạch máu thai…
Hình siêu âm 3D - 4D của thai nhi
Có ngộ nhận cho rằng siêu âm màu tốt hơn siêu âm trắng - đen. Thực tế, khi không nhằm mục đích khảo sát mạch máu cùng dòng chảy thì không cần đến “siêu âm màu”. Từ dùng chính xác là “siêu âm Doppler” (có nhiều kiểu siêu âm Doppler, siêu âm màu chỉ là một kiểu của siêu âm Doppler).
Siêu âm 3 chiều (3D): phát triển trong các năm 1990 - 2000. Nguyên lý: thu dữ kiện cả khối thể tích dựa trên cơ sở dữ liệu các lát cắt hình 2 chiều sát nhau và dựa vào tốc độ xử lý nhanh của máy tính. Người sử dụng chỉ cần chọn vị trí thích hợp, đầu dò tự động quét, máy sẽ tạo hình và hiển thị liên tục. Ứng dụng chính trong: siêu âm thai để đánh giá các bất thường và dị dạng của thai, khảo sát mạch máu, khối u…
Siêu âm 4 chiều (4D): phát triển từ sau năm 2000, là siêu âm 3D có thời gian cập nhật thông tin cực kỳ nhanh nên cho được hình ảnh với thời gian thực (thí dụ nhìn thấy được cử động thai). Như vậy, chiều thứ 4 là chiều thời gian. Ứng dụng chính trong siêu âm thai.
Trong thời gian gần đây, một số kỹ thuật siêu âm tiên tiến đã ra đời như: siêu âm hòa âm mô, siêu âm đàn hồi mô, siêu âm với chất tương phản… tạo thêm nhiều tiềm năng cho chẩn đoán siêu âm trong y khoa.
BS.CKI. ĐỖ THỊ NGỌC HIẾU
Khoa Chẩn đoán hình ảnh
Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM