Bệnh đau lưng
Xếp đầu danh mục không hoàn hảo do tiến hóa gây ra là căn bệnh đau lưng, cả lưng trên lẫn lưng dưới, nhưng phần lớn là đau thắt lưng.
Giống như động vật linh trưởng hiện đại, con người xưa di chuyển bằng 4 chân, nên cột sống ngắn hơn, tròn hơn, lực không đổ dồn lên một điểm nhất định, nhưng do tiến hóa, đứng thẳng, đi bằng hai chân cách đây chừng 4 triệu năm nên cột sống của con người dần dần giãn ra, tạo thành hình chữ S. Chính hình chữ S nên cột sống phát sinh ứng lực, làm cho lực dồn vào một số điểm nhất định, gây bệnh như trượt đĩa đệm, đau thắt lưng, vẹo cột sống, cột sống bị gập và nhiều biến chứng nan y khác. Ngoài ra, khi đi thẳng, chân trước chân sau, hai tay vung vẩy nên các điểm của cột sống bị tổn thương, bị rách và tạo ra căn bệnh có tên thoát vị đĩa đệm mà ở động vật linh trưởng không hề mắc phải, âu cũng là hậu quả do tiến hóa gây ra.
Càng tiến hóa, xương của người hiện đại càng yếu đi. |
Béo phì
Một trong số những mặt trái của béo phì là giảm sự linh hoạt, hạn chế sự vận động và tạo ra nhiều căn bệnh nan y. Ông cha ta ngày xưa ăn bữa nào lo bữa nấy, chính cơ chế này đã giúp cơ thể tiết kiệm trọng lượng dưới dạng mỡ dự phòng khi đói, nhưng cơ chế tích mỡ của người hiện đại ngày nay khác xa và do cuộc sống đầy đủ lại ít vận động nên mỡ tích càng nhiều. Chỉ có vào mà ít có ra, đặc biệt là những loại thực phẩm ăn nhanh nhiều đường, nhiều mỡ nên béo phì và nguy cơ gia tăng bệnh đái tháo đường týp 2 là điều khó tránh. Để giảm béo, các nhà khoa học cho rằng cách tốt nhất là ăn ít, vận động nhiều, giống như ông cha ta thời tiền sử, còn việc giảm béo bằng thuốc, phẫu thuật hay các giải pháp can thiệp khác chỉ mang tính tình thế, thậm chí còn gây bất lợi cho cơ thể.
Bệnh rối loạn lo lắng
Rối loạn lo lắng (Anxiety Disorders) là căn bệnh mang tính tâm lý phổ biến cao, kết hợp với nhiều dạng rối loạn khác như trầm cảm, rối loạn nhân cách, rối loạn ăn uống và rối loạn dạng cơ thể. Khi con người ta sống trong tự nhiên, cơ chế này làm tim đập nhanh, cơ bắp nổi lên, hormon tăng cao. Tất cả những thay đổi này hoàn toàn có lợi cho cơ thể con người, hay còn gọi là cơ chế tự vệ nhưng khi tiến hóa (cách đây chừng 10.000 năm), căn bệnh rối loạn lo âu đã trở nên "biến tướng", tạo ra những hiệu ứng bất lợi đến sức khỏe con người. Tóm lại, rối loạn lo lắng là sự lo âu quá mức, lặp đi lặp lại kéo dài ảnh hưởng đến sự thích nghi với cuộc sống, mối lo hiện hữu ngay cả khi nguy cơ gây bệnh đã tan biến nên nó được coi là bệnh. Nguyên nhân của căn bệnh này rất đa dạng và chưa được biết rõ, người ta tình nghi đến nhiều yếu tố, kể cả yếu tố sang chấn tâm lý kết hợp với yếu tố nhân cách và có một phần không nhỏ của tiến hóa gây ra.
Đau đầu gối
Mặc dù đầu gối là bộ phận di động và chịu tải trọng nhưng cũng là nơi dễ bị tổn thương và mắc bệnh, trong khi đó tổ tiên con người trước đây không hề mắc phải căn bệnh này. Một trong những nguyên nhân gây đau đầu gối là khi con người đứng thẳng, lực cơ thể dồn lên 2 chân, đầu gối phải làm nhiệm vụ nhiều hơn so với đi bằng 4 chân như thời tiền sử. Ngoài ra, cấu trúc xương chậu của cơ thể tương đối đồ sộ, xương đòn nghiêng về phía trước, đổ trọng lực lên đầu gối để tạo cân bằng nên tạo ra một góc không đối xứng và cuối cùng làm cho đầu gối dễ bị tổn thương. Riêng phụ nữ có xương hông rộng hơn đàn ông và có góc xương đầu gối lớn hơn nên không chạy nhanh bằng đàn ông và tỷ lệ mắc bệnh đầu gối cao hơn nam giới.
Khó sinh
Tiến hóa đã làm thay đổi vị trí bào thai từ dạng nằm ngang như ở loài linh trưởng sang nằm dọc ở con người. Một trong số những nguyên nhân gây khó sinh đẻ là do khi tiến hóa, con người đi thẳng nên cấu trúc xương chậu biến dạng, thu hẹp lại, trong khi đó ở loài khỉ do đi bằng 4 chi nên khe sinh, xương chậu rộng mở nên việc sinh con thuận lợi hơn nhiều.
Xương yếu đi
Về cơ bản xương người hiện đại không "tiến hóa" nhiều so với người Homo nhưng khối lượng xương lại ít hơn tới 40%, nên con người dễ mắc các chứng bệnh về xương. Theo nghiên cứu thì cơ thể con người vẫn có thể phát triển xương và duy trì sức khỏe xương tốt nhưng do ít vận động, ăn uống thiếu cân bằng, không khoa học nên xương phát triển không đều. Riêng phụ nữ là nhóm người có tỷ lệ tổn thương xương nhiều nhất. Theo đó, ngay từ tuổi 30 do ăn uống, sinh đẻ, ít vận động và do hormon thay đổi, nhất là sau khi mãn kinh nên phụ nữ rất dễ mắc phải các căn bệnh về xương.
Con người chậm chạp hơn
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Australia, thì do quá trình tiến hóa, con người ngày nay chậm chạp hơn tổ tiên ngày xưa. Ví dụ, những người cổ đại tham gia các Thế vận hội Olympic thời tiền sử chạy rất nhanh, quán quân có thể đạt tốc độ 37km/h trên bùn đất chân không, trong khi đó các VĐV ngày nay mặc dù được ăn uống đầy đủ, luyện tập triệt để, trang bị đến tận răng mà quán quân thế giới mới chỉ đạt tốc độ 41,8km/h.
KHẮC NAM (Theo LV, 9/2013)