Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, trường học phải đạt yêu cầu an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo các tiêu chí tại Hướng dẫn liên ngành 3368 của Sở GD&ĐT, Sở Y tế ngày 25/10/2021 thì mới được mở cửa trở lại.
Trong trường hợp giáo viên chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng chống COVID-19 chỉ dạy trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp. Nhà trường không tổ chức ăn bán trú, căng tin ăn uống trong trường, học sinh tự mang theo nước uống cá nhân. Chỉ tổ chức việc dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày.
Trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, nếu xảy ra các trường hợp liên quan đến vấn đề dịch tễ, không đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19, Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 cấp huyện/thị xã có trách nhiệm xem xét, cho dừng việc học tập trực tiếp để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh.
Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 cấp huyện, thị xã phê duyệt phương án cụ thể cho học sinh đi học trở lại của các trường, các cơ sở giáo dục trên địa bàn các xã, phường, thị trấn trực thuộc, chịu hoàn toàn trách nhiệm trước lãnh đạo Thành phố về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Sau thời gian thực hiện, căn cứ tình hình thực tiễn, diễn biến của dịch tại các địa phương và đề nghị của UBND các quận/huyện/thị xã, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Y tế sẽ có báo cáo và trình UBND Thành phố lộ trình tiếp theo việc cho học sinh trở lại trường học bảo đảm an toàn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.
Theo Hướng dẫn liên ngành số 3668 hướng dẫn các đơn vị công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi học sinh trở lại trường học trong điều kiện bình thường mới, những việc cần làm của từng bộ phận, thành viên trong nhà trường (giáo viên, học sinh, nhân viên y tế...) ở 2 giai đoạn trước khi học sinh trở lại trường và khi học sinh đi học trở lại.
Một trong những việc quan trọng đối với học sinh trong giai đoạn này là giữ gìn sức khỏe, thường xuyên súc miệng, họng; giữ ấm cơ thể, tăng cường tập thể dục, ăn chín, uống sôi, bảo đảm chế độ dinh dưỡng, thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng... Học sinh cần tự theo dõi sức khỏe, nếu có ho, sốt, khó thở thì báo ngay cho nhà trường, đồng thời, đăng ký tiêm vaccine phòng COVID-19 theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Bên cạnh đó, văn bản cũng ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học. Đây là căn cứ để các đơn vị, trường học thuộc TP. Hà Nội đối chiếu, từ đó chuẩn bị, hoàn thiện theo các tiêu chí quy định.
Theo hướng dẫn, có tổng số 16 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học. Mỗi tiêu chí được đánh giá ở 2 mức đạt và không đạt. Số tiêu chí đạt càng nhiều thì mức độ an toàn càng cao, trường học càng an toàn, ngược lại, số tiêu chí không đạt càng nhiều thì mức độ an toàn càng thấp, trường học càng không an toàn.
Nếu đạt từ 12 tiêu chí trở lên, trong đó, phải có các tiêu chí 4, 5, 8, 11, 12 được đánh giá mức đạt, trường học được đánh giá đạt mức độ thực hiện tốt, trường học an toàn.
Đạt từ 8 đến 11 tiêu chí, trong đó phải có các tiêu chí 4, 5, 8, 11, 12 được đánh giá mức đạt, trường học được đánh giá đạt mức độ thực hiện khá, trường học an toàn, được phép hoạt động và cho học sinh đi học trở lại, nhưng phải kiểm tra định kỳ để khắc phục các hạn chế ở các tiêu chí không đạt.
Nếu đạt từ 7 tiêu chí trở xuống, trường học được đánh giá đạt mức độ thực hiện chưa tốt, trường học không an toàn và không được phép hoạt động.
Sở GD&ĐT và Sở Y tế Hà Nội sẽ thành lập các đoàn kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất các đơn vị, trường học thuộc TP. Hà Nội về việc thực hiện các tiêu chí đã ban hành.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, có nhiệm vụ kiểm tra công tác phòng, chống dịch; đánh giá mức độ an toàn của đơn vị theo bộ tiêu chí tại các đơn vị, trường học trên địa bàn và thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định. Liên Sở yêu cầu các đơn vị, trường học thuộc TP. Hà Nội chuẩn bị chu đáo, đầy đủ theo các đầu việc đã được quy định.
Kiến nghị khẩn: F0 không có triệu chứng, giảm thời gian cách ly xuống 7 ngày