Một số dịch, bệnh truyền nhiễm có liên quan tới biến đổi khí hậu ở Việt Nam

21-12-2016 17:26 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong giai đoạn 2001 - 2013, diễn biến của một số bệnh truyền nhiễm gây dịch, bệnh lây truyền qua véc-tơ dao động qua các năm...

Trong giai đoạn 2001 - 2013, diễn biến của một số bệnh truyền nhiễm gây dịch, bệnh lây truyền qua véc-tơ dao động qua các năm, có những năm nguy cơ bùng phát các bệnh này là rất cao, đặc biệt là các bệnh đường tiêu hóa (tả, thương hàn, tiêu chảy cấp...). Các nguy cơ cao mắc các bệnh này cũng có liên quan nhiều tới sự biến động của thời tiết.

1. Bệnh cúm A (H1N1): Từ tháng 5/2009 đến tháng 7/2010 tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã ghi nhận 11.214 trường hợp mắc, trong đó có 58 trường hợp tử vong tại 11 tỉnh, thành phố.

2. Bệnh cúm A (H5N1): Tích lũy số mắc và tử vong trên cả nước tính từ năm 2003 đến hết năm 2013 là 129 trường hợp mắc, 74 trường hợp tử vong. Riêng trong năm 2013 có 2 trường hợp mắc và 1 trường hợp tử vong do cúm A (H5N1).Vệ sinh môi trường

Vệ sinh môi trường là một phương pháp phòng ngừa dịch bệnh.

3. Bệnh sốt xuất huyết: Từ khi có Chương trình mục tiêu quốc gia Phòng chống sốt xuất huyết, tỷ lệ mắc và tử vong do sốt xuất huyết giảm rõ rệt. Giai đoạn 2007 - 2010 có tỷ lệ mắc cao, trong đó riêng năm 2010, tổng số mắc sốt xuất huyết là 128.710 ca, tử vong là 109 ca. Tỷ lệ mắc và tử vong bắt đầu giảm dần từ năm 2011 cho đến nay. Tích lũy từ năm 2001 đến hết năm 2013 trên toàn quốc có 985.137 ca mắc và 977 ca tử vong do sốt xuất huyết.

4. Bệnh sốt rét: Tình hình mắc sốt rét giảm rõ rệt trong giai đoạn 2003 đến 2013. Năm 2003 số mắc sốt rét là 163.465 ca, trong đó có 52 ca tử vong. Tỷ lệ bệnh giảm dần qua các năm và đến năm 2013 số ca mắc là 35.380, số tử vong là 6 ca. Số ca mắc giảm do Chương trình Phòng chống sốt rét được đẩy mạnh, công tác tuyên truyền người dân, đặc biệt là người dân nằm trong vùng sốt rét lưu hành được tăng cường. Tuy nhiên, hiện nay ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc đã xuất hiện tại một số địa phương.

5. Bệnh tả: Năm 2007 ghi nhận số mắc tả cao 1.907 trường hợp, tiếp theo là năm 2008 ghi nhận 886 trường hợp mắc, năm 2011 ghi nhận 2 trường hợp mắc. Từ năm 2012 đến nay không ghi nhận trường hợp mắc.

Năm 2008 được đánh giá là năm có thiên tai khốc liệt và bất thường hơn so với các năm trước đó. Mưa lũ lịch sử trong vòng 100 năm trở lại đây xảy ra ở các tỉnh Bắc Bộ, lũ cuối mùa tháng 12 lịch sử tại các tỉnh miền Trung, triều cường lớn với tần suất 50-70 năm tại các tỉnh Nam Bộ...

Công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đặc biệt là sau các trận lũ lụt đã được ngành y tế quan tâm và tập trung giải quyết, chính vì vậy nguy cơ bùng phát dịch tả đã được khống chế kịp thời trong thời gian ngắn.

6. Bệnh thương hàn: Số mắc thương hàn có xu hướng giảm dần qua các năm. Trong năm 2007, tỷ lệ mắc là 2,52/100.000 dân, tỷ lệ tử vong 0,0012/100.000 dân; đến năm 2012 tỷ lệ mắc là 0,89/100.000 dân và không có tử vong.

7. Bệnh tiêu chảy: Mặc dù các bệnh tiêu chảy, trong đó có tiêu chảy cấp liên quan rất nhiều tới tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân yếu kém. Các yếu tố này thường gia tăng sau các trận lũ, lụt hay thiên tai khác. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc và chết do tiêu chảy có xu hướng giảm qua các năm. Năm 2008, tỷ lệ mắc và tử vong do tiêu chảy là 1107,9 và 0,01/100.000 dân; đến năm 2012 các tỷ lệ này giảm còn tương ứng là 812 và 0,01/100.000 dân.

8. Bệnh viêm não virut: Tích lũy từ năm 2001 đến 2013 có 19.999 ca mắc và 594 ca tử vong do viêm não virut. Số mắc và tử vong có xu hướng giảm dần qua các năm. Năm 2001 có 2.200 ca mắc và 60 ca tử vong, đến năm 2013 đã giảm còn 840 ca mắc và 13 ca tử vong.

9. Bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do virut (SARS): Ngày 23/2/2003 tại Việt Nam đã xuất hiện ca bệnh SARS đầu tiên. Tổng số bệnh nhân SARS đã ghi nhận là 63 ca, trong đó có 5 trường hợp tử vong, các trường hợp tử vong đều là nhân viên y tế.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã và đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp, nhiều Chương trình y tế công cộng, các Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm kiểm soát và phòng chống các bệnh dịch, nâng cao nhận thức người dân, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tuy vậy, do có một số khó khăn nhất định về điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường và các biến động bất thường về các hiện tượng thời tiết (lũ lụt, hạn hán, bão...) nên một số bệnh dịch vẫn xuất hiện rải rác tại một số địa phương. Bên cạnh đó, một số bệnh dịch vẫn có nguy cơ bùng phát và lây lan rộng khi các yếu tố thời tiết thay đổi như: nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa tăng, ngập lụt kéo dài... Chính vì vậy, để cảnh báo và khống chế các bệnh có liên quan tới biến đổi khí hậu, mỗi quốc gia và đặc biệt ngành y tế cần có các giải pháp đồng bộ nhằm ứng phó kịp thời trước mắt cũng như lâu dài để hạn chế tối đa các ảnh hưởng bất lợi về sức khỏe do biến đổi khí hậu gây ra.


Ý kiến của bạn