Không phải tiểu thuyết lãng mạn rẻ tiền, cũng không phải sách kích động bạo lực, tất nhiên nội dung nặng tình cảm nhưng không sướt mướt, không hời hợt. Đó là những cuốn sách dạy người đọc kỹ năng gom năng lượng, năng lực cảm thông và lối sống tử tế, nhân văn - những điều thật sự cần thiết với con người đương đại
1. Một nghìn mặt trời tuyệt vời (A Thousand Splendid Suns) của Khaled Hosseini - nhà văn Afganistan (sinh năm 1965).
Cuốn sách mang lại cảm giác vừa lạnh gáy vừa muốn khóc. Tác giả kể về số phận hai người phụ nữ do hoàn cảnh đưa đẩy đã rơi vào gia đình Rasheed - một kẻ độc đoán và tàn bạo. Một người trẻ tuổi nhưng hoảng loạn, người phụ nữ thứ hai giàu kinh nghiệm nhưng đã đánh mất cuộc sống trước đó. Họ thiết lập sợi dây cảm thông.
Lý do nên đọc? Đó là thí dụ đẹp về thực tế phụ nữ có thể là chỗ dựa lý tưởng cho nhau, tiếp sức cho nhau. Tác phẩm là chứng cứ cho thấy sự đoàn kết của phái đẹp không phải là sự tưởng tượng.
2. Olive Kettridge của Elizabeth Strout, nhà văn Mỹ (sinh năm 1956).
Bức tranh cuộc sống không vội vàng trong thị trấn nhỏ nước Mỹ qua lăng kính cô giáo dạy toán cao tuổi - Olive. Nữ tác giả xây dựng thế giới siêu nhỏ đầy ắp những nỗi sợ hãi và khát vọng của con người. Một sự thật đậm chất tâm lý và nhân bản, nghệ thuật kể chuyện chân thật tột đỉnh.
Lý do nên đọc? Quan sát cuộc sống của dàn nhân vật dẫn dắt chúng ta đến không ít suy ngẫm thú vị, cần thiết và quan trọng.
3. Quý bà Dalloway (Mrs. Dalloway) của Virginia Woolf - nhà văn Anh (1882-1941).
Tiểu thuyết kinh điển Anh tinh tế tiêu biểu. Toàn bộ câu chuyện diễn ra trong một ngày tháng Sáu ở London. Người đọc bị cuốn theo bà Dolloway trong từng việc làm trong khi nhân vật thầm thì về tình yêu, những cơ hội bị đánh mất…
Lý do nên đọc? Dòng chảy ý thức bà Dolloway lưu ý chúng ta thực tế: những quyết định vụn vặt - theo tình cảm hoặc thực dụng có thể lật ngược cuộc đời người phụ nữ.
4. Gadsby vĩ đại (The Great Gadsby) của Francis Scott Fitzgerald - nhà văn Mỹ (1896-1940).
Người hùng mơ đến gia tài nhiều triệu USD, hàng trăm quyền lực nhưng chỉ một… người đẹp. Vì nàng Gadsby leo đến tột đỉnh thế giới cờ bạc, rượu mạnh (bất chấp thời nước Mỹ cấm sản xuất đồ uống có cồn) và tội lỗi.
Lý do nên đọc? Sách có thể giúp người đọc đảo ngược, thay đổi hoàn toàn quan điểm theo hệ giá trị mới.
5. Nhật ký (The Diary of A Young Girl) của Anne Frank (1929-1941).
Nhật ký nữ công dân Đức gốc Do Thái Anne Frank bắt đầu viết vào ngày sinh nhật 13 tuổi của mình. Tác phẩm xuất hiện khi thiếu nữ cùng gia đình và bạn bè lẩn trốn tại Hà Lan, trong thời gian phát xít Đức chiếm đóng quốc gia này (1942-1944).
Lý do nên đọc? Anne Frank đã chứng tỏ là con người giàu nghị lực và thừa sự trưởng thành cho dù cuộc sống của nữ tác giả mới bắt đầu. Có thể học khá nhiều từ tác giả nhỏ tuổi.
6. Những câu chuyện cuối cùng (Ostatnie historie) của Olga Tokarczuk - nữ nhà văn Ba Lan (sinh năm 1962).
Chuyện kể về cuộc đời 3 người phụ nữ trong một gia đình thuộc 3 thế hệ (bà, mẹ và cháu gái). Cùng huyết thống nhưng tâm hồn rất xa nhau. Vào thời điểm giáp mặt tử thần, mỗi cá thể đều nhìn nhận lại cuộc sống của mình.
Lý do nên đọc? Tiểu thuyết là bài học hoàn hảo về sợi dây tình cảm cần thiết phải vun đắp và duy trì, song thực tế không như vậy, nhất là giữa những người phụ nữ.
7. Được yêu mến (Beloved) của Toni Morrison - nữ nhà văn Mỹ (sinh năm 1931).
Tác phẩm đã mang lại cho tác giả giải thưởng Pulitzer, vinh quang lớn của Mỹ dành cho nhiều loại hình sáng tác, trong đó quan trọng nhất là báo chí và văn học, sau đó là giải Nobel Văn học (1993). Sách mô tả về hậu quả sau cuộc chiến tranh ly khai (1861-1865) và tệ nạn kỳ thị sắc tộc tại Mỹ.
Lý do nên đọc? Tác phẩm dạy chúng ta ý thức tôn trọng lẫn nhau, nhắc nhở: tại sao thế giới cần phải loại bỏ kỳ thị sắc tộc.
(Theo ofeminin.pl)
Vinh Thu