Một số công nghệ mới trong điều trị bệnh

31-01-2015 8:00 AM | Quốc tế

SKĐS - Các nhà khoa học ở Bệnh viện đa khoa Massachusetts và Trường Y Harvard ở Boston (Mỹ) đang nghiên cứu một loại băng có thể báo cho bác sĩ và y tá biết liệu vết thương có đang liền hay không....

“Băng” công nghệ cao phát sáng nếu vết thương không liền

Các nhà khoa học ở Bệnh viện đa khoa Massachusetts và Trường Y Harvard ở Boston (Mỹ) đang nghiên cứu một loại băng có thể báo cho bác sĩ và y tá biết liệu vết thương có đang liền hay không.

Loại băng mới có chứa phospho, chất có đặc tính hấp thu ánh sáng, dự trữ và giải phóng dần dần trong một thời gian dài.

Các phân tử phospho trong băng sẽ phản ứng với sự thay đổi lượng ôxy. Nếu lượng ôxy ổn định, băng sẽ vẫn trong suốt. Tuy nhiên, nếu thiếu ôxy, các phân tử phospho sẽ có thêm năng lượng và bắt đầu phát sáng. Lượng ôxy càng thấp, các phân tử này càng sáng. Không có đủ ôxy, các vết thương, vết loét và vết bỏng nặng sẽ rất khó hình thành mô mới khỏe mạnh.

Tiểu phân nano vàng “ngậm” hóa chất giúp tiêu diệt ung thư (4), Gel giúp vết thương cầm máu tức thì (3), “Băng” công nghệ cao phát sáng nếu vết thương không liền (1), “Băng dán” chế từ màng ối chữa lành tim sau phẫu thuật (2).

Loại “băng” mới có dạng dung dịch bôi chứa hàng ngàn phân tử phospho. Chất lỏng sau đó sẽ khô tạo thành màng phim cứng trong chưa đến một phút và tạo thành lớp băng kín ngăn không khí.

Loại băng công nghệ cao này vẫn chưa được thử nghiệm trên qui mô lớn và khó có khả năng có mặt trên thị trường trong ít nhất là 2 - 3 năm nữa. Người ta hy vọng rằng, ngoài vết loét mạn tính có thể dùng loại băng này để theo dõi quá trình liền da khi ghép da và ở vết bỏng.

“Băng dán” chế từ màng ối chữa lành tim sau phẫu thuật

Màng ối có chứa những yếu tố tăng trưởng vừa có tác dụng chống viêm vừa thúc đẩy sự phát triển của các mạch máu mới. Do đó, về lý thuyết nó sẽ ngăn chặn viêm ở mô bị phẫu thuật tác động.

Để chế ra loại “băng dính” giúp tim liền nhanh sau phẫu thuật, người ta lấy mô rau thai của phụ nữ đẻ mổ. Sau đó, mô được làm sạch và tiệt trùng trong phòng thí nghiệm để giảm thiểu nguy cơ đào thải. Băng có thể được cắt xén thành bất kỳ kích thước nào và được khâu hoặc chỉ đơn giản là “dán” lên tim khi phẫu thuật kết thúc - lớp màng rất dính vì thế nó sẽ bám chắc vào tim.

Có thể đặt miếng băng ở bất cứ chỗ nào mà màng ngoài tim bị hở. Thí nghiệm ban đầu cho thấy, băng dán có hiệu quả làm giảm viêm. Nó đã được sử dụng trên một số ít người, với nhiều thử nghiệm khác đang được lên kế hoạch.

Công ty Amnio Tech-nology có trụ sở tại Phoenix, Arizona, nơi phát triển loại băng này cho biết, cũng có thể dùng nó trong những loại phẫu thuật khác, ví dụ như để giảm sẹo, vì băng dán từ rau thai không chỉ giúp phục hồi mà nó còn rất giàu collagen, một thành phần chủ yếu của da.

Gel giúp vết thương cầm máu tức thì

Loại gel mới có tên VetiGel, là sáng chế của Joe Landolina, một kỹ sư hóa sinh học phân tử và là cựu sinh viên Viện Bách khoa Trường đại học New York, người đã thành lập Công ty Suneris có trụ sở tại Brooklyn.

VetiGel sử dụng một polymer đông máu nguồn gốc từ thực vật, có tác dụng “dồn các tế bào máu lại với nhau để bít kín vết thương”.

Để chế tạo ra loại gel này, thành tế bào được tách ra khỏi một polymer thực vật và được sử dụng giống như các viên gạch trong bộ đồ chơi Lego. Khi các “viên gạch” này được đưa vào vết thương, chúng sẽ tự “lắp ráp” lại để tạo thành cục huyết khối. Gel sẽ thay đổi hình dạng và màu sắc khi nó tương tác với mô cơ thể. VetiGel cũng có đặc tính kháng khuẩn. Khi được sử dụng bởi người có chuyên môn trong môi trường vô trùng, nó là phương pháp sạch và an toàn để giúp liền vết thương.

Thí nghiệm tiến hành trên một mảnh gan lợn được móc vào túi đựng máu để mô phỏng tình trạng chảy máu dữ dội đã nhận được sự chú ý của nhiều chuyên gia, vì VetiGel bít kín vết thương và giúp cầm máu ngay sau vài giây.

Công ty đang tích cực tìm kiếm sự phê chuẩn của FDA để sử dụng sản phẩm này trên người.

Ðưa thuốc vào người nhanh hơn nhờ miếng dán vi kim

Các nhà nghiên cứu Trường đại học quốc gia Singapore (NUS) đã đi tiên phong trong một kỹ thuật mới đưa lidocain vào những mũi kim tí xíu gắn trên một miếng dán.

Khi dán vào da, miếng dán vi kim này sẽ tạo nên những lỗ kích thước vài micromét trên da, tạo điều kiện cho thuốc hấp thu nhanh hơn.

Các thí nghiệm cho thấy, kỹ thuật này có thể đưa thuốc vào cơ thể với tốc độ khoảng 5 phút, so với thời gian 45 phút của miếng dán lidocain thương mại hiện nay. Theo các nhà nghiên cứu, cũng có thể sử dụng miếng dán vi kim để đưa collagen vào lớp bì của da - điều mà hiện nay chưa có cách nào làm được.

TS. Kang Lifeng - Khoa Dược Trường đại học Quốc gia Singapore giải thích về cơ chế tác dụng của miếng dán vi kim: “Đối với miếng dán vi kim này, điều khác biệt là trong miếng dán, chúng tôi đã chế tạo những kim rất nhỏ tới mức gần như không nhìn được bằng mắt thường. Những kim nhỏ này có thể đâm qua da tạo thành những lỗ nhỏ và nông, qua đó phân tử thuốc có thể ngấm vào da và phát huy tác dụng. Đây chính là mục tiêu của miếng dán vi kim”.

Các nhà nghiên cứu cho biết, họ cũng sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng để xem hiệu quả của việc đưa collagen vào da vì mục đích thẩm mỹ và chăm sóc da.

Tiểu phân nano vàng “ngậm” hóa chất giúp tiêu diệt ung thư

Các nhà nghiên cứu thuộc Trường đại học Cambridge (Anh) đã tìm ra cách sử dụng các tiểu phân vàng để tiêu diệt các tế bào ung thư nguyên bào đệm đa hình thái - một loại ung thư phổ biến và ác tính của não.

Vàng được chọn cho mục tiêu này vì bản chất “hiền lành” của nó. Nếu chỉ có một mình, thứ kim loại này không thể gây ra bất kỳ tổn thương nào cho tế bào của người, nhưng khi được xử lý bằng tia xạ, vàng giải phóng ra những điện tử mạnh có thể phá hủy ADN và cấu trúc của tế bào ung thư. Cũng nhờ độ mềm dẻo của vàng mà người ta có thể dễ dàng biến đổi nó một cách chính xác theo bất kỳ kích thước và hình dạng cần thiết nào.

Các nhà nghiên cứu đã đưa thuốc cisplatin, một thuốc hóa trị phổ biến vào những tiểu cầu vàng. Khi được chiếu tia xạ, cisplatin kết hợp với vàng tăng tác dụng và đạt hiệu quả cao hơn nhiều trong việc phá hủy tế bào ung thư. Trong vòng 20 ngày, những tiểu phân vàng “ngậm” thuốc hóa trị đã giảm làm quần thể tế bào ung thư 100 nghìn lần so với khi không điều trị. Thêm vào đó, không có quần thể tế bào nào mới được sinh ra, như thường xảy ra khi dùng tiểu phân vàng đơn thuần.

Phát hiện này được coi là có ý nghĩa to lớn trong lĩnh vực công nghệ nano, đặt ra nền móng cho việc phát triển thuốc trong tương lai. Nó cũng có thể được phát triển để điều trị cả các bệnh ung thư khác nữa chứ không riêng gì u nguyên bào đệm.

Cẩm Tú

 

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH