Hơn 30% bệnh nhân suy tim sử dụng các chất bổ sung và thuốc thay thế
Suy tim là tình trạng tim hoạt động bất thường, ước tính ảnh hưởng đến hơn 6 triệu người lớn từ 20 tuổi trở lên, chỉ riêng ở Hoa Kỳ. Bệnh nhân suy tim được điều trị bằng thuốc, trong đó có digoxin.
PGS. Sheryl L. Chow - chuyên gia thực hành và quản lý thuốc tại Đại học Khoa học Y tế Western ở Pomona (California, Hoa Kỳ) cho biết: Tại Hoa Kỳ, hơn 30% những người bị suy tim sử dụng các loại chất bổ sung và thuốc thay thế (CAM).
CAM có sẵn để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, tuy nhiên, các sản phẩm này lại không cần phải chứng minh tính hiệu quả hoặc độ an toàn và đáp ứng các tiêu chuẩn giống như thuốc kê đơn. Khi sử dụng, bệnh nhân có thể không nhận thức được khả năng tương tác với thuốc theo toa hoặc các tác động khác đối với sức khỏe.
Chất bổ sung nào gây hại cho bệnh suy tim?
Loại thuốc thay thế có lợi nhất cho bệnh suy tim đã được chứng minh là axit béo không bão hòa đa omega-3. Omega-3 có thể giúp tim bơm máu và giảm nguy cơ suy tim. Các phương pháp tập luyện phù hợp như thái cực quyền và yoga cũng có thể mang lại lợi ích cho bệnh nhân, giúp giảm huyết áp và có thể cải thiện chất lượng cuộc sống.
Nhưng không phải tất cả các liệu pháp thay thế, thuốc/thực phẩm bổ sung được quảng cáo là có lợi cho tim cũng mang lại lợi ích. Ngược lại, bổ sung các liệu pháp thay thế khi chưa có sự hiểu biết có thể có tác dụng phụ có hại cho bệnh nhân suy tim.
Ví dụ, hoa huệ tây là một sản phẩm được nhiều người sử dụng như một chất bổ sung tự nhiên cho bệnh suy tim nhẹ. Nhưng trong hoa huệ tây có chứa hoạt chất được tìm thấy trong thuốc điều trị suy tim digoxin. Vì thế khi sử dụng cùng thuốc digoxin có thể làm tình trạng của bệnh nhân trở nên tồi tệ hơn do quá liều. Tác dụng phụ là gây ra mức kali rất thấp - một tình trạng được gọi là hạ kali máu và cũng có thể gây ra nhịp tim không đều, lú lẫn và mệt mỏi.
Các chất bổ sung có hại khác có thể bao gồm vitamin D và mao lương (một loại thảo dược có thành phần tương tự hormone estrogen). Hoặc vitamin E, mặc dù giúp cải thiện tình trạng cho bệnh nhân suy tim với phân suất tống máu được bảo tồn, nhưng lại có liên quan đến việc tăng nguy cơ nhập viện ở nhóm bệnh nhân này.
Một số liệu pháp như coenzyme Q10 (Co-Q10) được cho là có thể cải thiện bệnh suy tim, nhưng hiện tại vẫn chưa có bằng chứng.
PGS. Sheryl L. Chow cho biết, cần có nhiều nghiên cứu chất lượng và các thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát hiệu quả, để hiểu rõ hơn về rủi ro và lợi ích của các liệu pháp điều trị bằng chất bổ sung và thuốc thay thế cho những người bị suy tim.
Mời độc giả xem thêm video:
5 nhóm người không nên ăn nhiều thịt lợn