Cây hoàn ngọc - cây con khỉ
Cây hoàn ngọc còn được gọi với nhiều tên khác như: cây con khỉ, cây xuân hoa, cây nhật nguyệt, cây tu lình, tên khoa học Pseuderanthemum palatiferum (Nees) Radlk., thuộc họ Ô rô - Acanthaceae.
Hoàn ngọc là sống nhiều năm, thân đứng, cao khoảng 0,5 - 3m, thân non mềm màu xanh lục, thân già hóa gỗ màu nâu, nhiều cành mảnh. Lá mọc đối, phiến lá hình mũi mác, màu xanh lục, mềm.
Cây hoàn ngọc
Các bộ phận dùng làm thuốc:
- Lá cây: dùng tươi, dùng dạng sấy khô hoặc phơi khô trong râm.
- Toàn cây dùng tươi rửa sạch, giã nát, dùng dạng sấy khô hoặc phơi khô trong râm.
- Rễ cây: dùng ở cây có từ 7 năm tuổi trở lên.
Theo các nhà khoa học, cây hoàn ngọc chứa sterol, flavonoid, đường khử, carotenoid, axít hữu cơ, 7 chất đã được phân lập, trong đó 4 chất là phytol, b-sitosterol, hỗn hợp đồng phân epimer của stigmasterol và poriferasterol.
Lá tươi chứa diệp lục toàn phần 2,65mg/g, protein hòa tan 25,5mg/g, polysaccharid hòa tan 0,80%, và các chất: Ca 875,5mg%, Mg 837,6mg%, K 587,5mg%, Na 162,7mg%, Fe 38,75mg%, Al 37,5mg%, V 3,75mg %, Cu 0,43mg%, Mn 0,34mg%, Ni 0,19mg%.
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy cây hoàn ngọc có các tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm; có hoạt tính thủy phân protein (nên trong lâm sàng, đắp lá tươi hoàn ngọc làm tiêu mủ và làm tan sẹo lồi); có tác dụng ức chế monoaminoacydase (MAO) và tác dụng bảo vệ gan. Cây không có độc tính.
Theo đông y, lá hoàn ngọc có tính mát, vị chát, hơi chua, không độc, tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, kích thích tiêu hóa, cầm máu. Dùng chữa rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, lỵ, viêm loét dạ dày - tá tràng, trĩ nội, ho ra máu.
Ngày dùng 30 - 40g khô, sắc uống thay nước trong ngày.
Đắp ngoài chữa chấn thương chảy máu, lở loét, sẹo lồi, mụn lồi.Dùng lá tươi rửa thật sạch, liều lượng tùy theo vết thương, thêm một ít muối, giã nát, đắp vào vết thương sẽ làm tiêu mủ, giảm sưng, vết thương mau liền, chóng lên sẹo.
Vỏ cây hoặc vỏ rễ có thể ngâm rượu hoặc nấu lấy nước.
- Chữa viêm loét dạ dày - tá tràng, viêm đại tràng, ho ra máu:
Dùng lá tươi, ngày dùng 2 - 4 lần, mỗi lần 7 - 9 lá, rửa thật sạch. Dùng trước bữa ăn, khi bụng đói, tốt nhất là vào buổi sáng, nhai thật chậm để lá thuốc kết hợp với nước bọt. Dùng liên tục 5 - 7 ngày.
- Chữa viêm đường tiết niệu, tiểu ra máu, tiểu buốt, tiểu dục, tiểu gắt:
Ngày ăn 3 - 5 lần, mỗi lần 5 - 7 lá. Có thể rửa thật sạch, giã nát để uống nước. Dùng liệu trình từ 150 lá đến 200 lá.
Cây đười ươi
Cây đười ươi còn gọi là lười ươi, bàng đại hải, đại hải tử, đại đồng quả, An Nam tử, hồ đại phát, Malva nut tree, noix de Malva, graine gonflante, tên khoa học Scaphium lychnophorum (Hance) Kost., (Sterculia lychnophora Hance), thuộc họ Trôm - Sterculiaceae.
Cây to cao khoảng 25 - 30m, cành có góc, lúc non có lông màu hung, về sau nhẵn.
Quả nang, với 1 - 5 quả đại cao 10 - 15cm (có khi tới 24cm), mặt ngoài màu đỏ, mặt trong màu bạc, vỏ quả mỏng. Hạt duy nhất, có kích thước như đầu ngón tay, hình bầu dục hay thuôn dài 2,5 - 3,5cm, rộng 1,2 - 2,3cm, đính ở gốc của quả, có màu nâu, da nhăn, thô, phù to ra khi gặp nước.
Cây đười ươi mọc nhiều ở miền Trung và Nam Việt Nam, từ những tỉnh Quảng Trị, Bình Định, Phú Yên, đến Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh và tại nhiều nước khác ở Đông Nam Á như: Trung Quốc (Quảng Đông, đảo Hải Nam), Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia.
Bộ phận sử dụnglà hạt khô (Semen Scaphii Lychnophori - bàng đại hải). Người ta hái quả chín nứt, lấy hạt phơi khô làm thuốc.
Người Pháp gọi là graine gonflante (hạt nở) vì khi ngâm với nước, hạt nở to gấp 8 - 10 lần,
Trong hạt đười ươi có chứa chất gôm bassorin, là một chất không tan trong nước, nhưng phù ra thành một chất nhày gel, và arabinose, galatose.
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, hạt đười ươi gồm 2 phần: phần nhân chiếm khoảng 35% và phần vỏ 65%. Trong nhân có chất béo (2,98%), tinh bột, chất đắng. Trong vỏ có khoảng 1% chất béo, 59% bassorin, chất nhầy và tanin.
Theo đông y, bàng đại hải vị ngọt, tính hàn, quy kinh Phế, Đại tràng, tác dụng thanh tuyên phế khí, nhuận tràng, thông tiện, tiêu độc, khứ thử nhiệt.
Thường dùng chữa các chứng: đàm nhiệt khái thấu, phế nhiệt gây đau họng, tắt tiếng, miệng đắng, cổ họng khô khát, viêm họng mãn tính, táo bón, đau mắt đỏ, tiểu khó, tiểu buốt. Tiêu chảy, kiết lỵ, hen suyễn, sốt
Liều dùng 3 - 5 hạt, hãm trong 1 lít nước sôi hoặc sắc uống, có thể thêm ít đường.
Người Việt Nam dùng hạt đười ươi chung với hột é, để làm thức uống giải khát thông dụng.
Khi dùng hạt đười ươi cần lưu ý: tránh đun sôi hơn 3 hạt đười ươi cho mỗi lần dùng .
Lạm dụng quá mức có thể gây ra các triệu chứng như: ra nước đờm trắng, buồn nôn, ho, và lưỡi bị rộp.
- Trị viêm amiđan cấp: dùng 4 - 8 hạt, cho vào bình trà, đổ nước sôi vào, ngâm khoảng nửa giờ, uống hết sau khi ngâm. Cách 4 giờ uống 1 lần, dùng liên tục trong 2 - 3 ngày.
Trị khỏi 68 ca, tốt 21 ca (Lưu Phúc Bình, Tạp chí Trung y Triết giang 1966, 5:180).
Cây xương khỉ
Cây xương khỉ còn gọi là cây mảnh cộng, cây bìm bịp, tên khoa học Clinacanthus nutans (Burm.f.) Lindau, thuộc họ Ô rô - Acanthaceae. Cây nhỏ, mọc trườn. Lá nguyên, có cuống ngắn, phiến hình mác hay thuôn, mặt hơi nhẵn, mép hơi giún, màu xanh thẫm. Lá non có thể dùng nấu canh ăn. Bông rủ xuống ở ngọn; lá bắc hẹp. Hoa màu đỏ hay màu hồng, cao 3 - 5cm. Tràng hoa có hai môi, môi dưới có 3 răng, quả nang dài khoảng 1,5cm, chứa 4 hạt.
Mùa ra hoa: xuân - hạ.
Cây có nguồn gốc châu Á nhiệt đới (các nước Đông Dương, từ Thái Lan đến Malaysia), Nam Trung Quốc. Mọc hoang nhiều nơi, ở hàng rào, bờ bụi, và được trồng để làm thuốc hoặc lấy lá hấp bánh, đồ xôi để có mùi thơm đặc trưng như mùi cơm nếp.
Cây này có tên bìm bịp là vì người ta quan sát thấy, khi bìm bịp con bị gãy chân, thì chim mẹ đem lá cây này về đắp chữa lành xương cho chim con.
Cây đười ươi
Bộ phận dùng làm thuốc: toàn cây trên mặt đất (Herba Clinacanthi).
Phân tích cây xương khỉ có chứa nhiều vitamin, các khoáng chất, tanin, flavon, glycosid, dẫn xuất của cerebrosid và glycerol.
Kết quả phân tích thành phần dinh dưỡng có trong cây xương khỉ tại Trung tâm III thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cho thấy: hàm lượng chất đạm 3,2g%, chất béo 1,1g%, chất xơ 1,4g%, hàm lượng calcium 147mg/100g.
Như vậy, thành phần dinh dưỡng trong cây xương khỉ khá cao. Có thể dùng ăn kèm với lẩu cá, lẩu thịt hoặc nấu canh với thịt bằm, canh tôm, canh cua…
Theo đông y, cây xương khỉ có vị ngọt, tính bình, tác dụng thanh can nhiệt (làm mát gan), lợi đảm (tăng tiết mật), chỉ thống (làm giảm đau, hết đau), điều kinh, tiêu thũng, khứ ứ, và giúp làm liền xương. Thường dùng làm thuốc hạ sốt, chống viêm, điều kinh, giảm đau nhức do phong thấp.
Ngày dùng 20 - 30g khô hoặc 60 - 80g tươi, sắc uống, dùng riêng hoặc kết hợp với các loại thuốc khác.
Dùng ngoài, lấy lá và thân tươi rửa sạch, giã nhuyễn, xào nóng lên, đắp bó chữa sưng đau khớp, bong gân, gãy xương kín, cầm máu…
Ở Hải Nam (Trung Quốc), người ta dùng lá chữa vết thương do dao chém, thiếu máu, hoàng đản, phong thấp.
Ở Thái Lan, lá tươi dùng chữa bỏng, mụn rộp, Eczema, sâu bọ đốt.