1. Não úng thủy là gì?
Não úng thủy có tên tiếng Anh là hydrocephalus, trong đó tiền tố "hydro" có nghĩa là nước và "cephalus" có nghĩa là não nên còn được gọi là bệnh đầu nước. Đây không phải một bệnh lý cụ thể mà là hậu quả của nhiều bệnh lý khác nhau.
Theo BSCKII. Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, hệ thống tiêm chủng VNVC, bình thường trong hộp sọ có hệ thống các bể chứa dịch gọi là não thất, chất dịch lưu thông từ trên não xuống thắt lưng, tự tiết ra rồi hấp thu lại.
Dịch não tủy là chất lỏng trong suốt bao quanh não và tủy sống, có vai trò cung cấp dưỡng chất cho não, bảo vệ hệ thần kinh trung ương (não bộ và tủy sống) trước các sang chấn cơ học, điều chỉnh thay đổi áp suất trong não.
Não úng thủy là tình trạng các não thất to hơn bình thường do tăng tiết nhiều hay do hấp thụ ít hay do tắc nghẽn lưu thông của chất dịch. Sự dư thừa này làm cho đầu của trẻ ngày càng to dần và khiến nhu mô não bị tổn thương.
Não úng thủy có thể từ từ hay rất nhanh, có thể bẩm sinh, hoặc do di chứng của viêm màng não, cũng có thể do xuất huyết não. Đây là một trong những bệnh lý phức tạp ở trẻ em, nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và sự phát triển bình thường của trẻ.
Não úng thủy xảy ra chủ yếu ở trẻ em và người lớn trên 60 tuổi, tuy nhiên những người trẻ hơn cũng có nguy cơ mắc phải căn bệnh này.
Theo Viện Quốc gia về Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ (NINDS), ước tính cứ 1.000 trẻ sinh ra thì có 1 đến 2 trẻ mắc phải căn bệnh này.
2. Đông y có điều trị được bệnh não úng thủy?
Đông y cho rằng, tuỳ theo di chứng ảnh hưởng nhiều ít khác nhau, độ tuổi mà bệnh nhân được khám đánh giá để lên kế hoạch và phương pháp điều trị bệnh não úng thủy, nhằm cải thiện tình trạng bệnh. Châm cứu bấm huyệt sẽ giúp hỗ trợ nâng cao sức đề kháng, cải thiện trí tuệ, giấc ngủ và ngôn ngữ cho bệnh nhân. Kết hợp phục hồi chức năng cũng giúp cải thiện chức năng vận động của tay chân, sự linh hoạt của các khớp, các ngón tay chân.
Nhiều bệnh nhân não úng thủy được điều trị sớm bằng châm cứu bấm huyệt và phục hồi chức năng đã có cải thiện tương đối về sức khỏe.
3. Cách chăm sóc người bệnh não úng thủy tại nhà
Nếu không may gia đình có người bị bệnh não úng thủy, hãy ưu tiên nhiều cho tinh thần và thể chất của bệnh nhân và thực hiện các biện pháp sau:
Những bệnh nhân bị bệnh não úng thủy sẽ được hưởng lợi khi được điều trị kết hợp với phục hồi chức năng và giáo dục trị liệu. Các liệu pháp hỗ trợ điều trị bao gồm:
- Dạy kỹ năng sống và hành vi xã hội.
- Hỗ trợ tinh thần.
- Chăm sóc tình trạng suy giảm trí nhớ.
- Ngoài ra, những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của não úng thủy.
- Vận động thể lực vừa phải.
- Bảo vệ đầu cho trẻ và cho bản thân bạn.
- Cần có thái độ sống lạc quan, tích cực.
- Ăn uống khoa học và đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Cần tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể về tình trạng bệnh.
4. Não úng thủy có chữa khỏi được không?
Não úng thủy là căn bệnh rất nguy hiểm. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể gây tổn thương đến hệ thần kinh trung ương và gây ra nhiều di chứng nghiêm trọng như viêm màng não mủ, chậm phát triển về khả năng vận động và trí tuệ, mù, điếc và liệt.
Bệnh não úng thủy ở trẻ nhỏ hiện chưa có thuốc đặc trị. Phần lớn bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Tuy nhiên, phương pháp này cũng không thể loại bỏ hoàn toàn những hậu quả sức khỏe do bệnh gây ra. Việc phát hiện và điều trị sớm bệnh não úng thủy có thể giúp tăng hiệu quả điều trị, giảm thiểu những tác động tiêu cực của bệnh đối với hệ thần kinh và sức khỏe của trẻ.
Siêu âm khi mang thai và siêu âm não khi trẻ ra đời chính là phương pháp có thể phát hiện bệnh não úng thủy sớm.
Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc con, nếu thấy trẻ có biểu hiện bất thường, cha mẹ cũng cần đưa trẻ đi kiểm tra sức khỏe để kịp thời phát hiện và điều trị sớm nhất có thể.
5. Trẻ bị não úng thủy sống được bao lâu?
Tỷ lệ sống sót của trẻ bị não úng thủy sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố:
5.1. Các triệu chứng bệnh đã xuất hiện:
Các triệu chứng này xuất hiện dựa trên mức độ tổn thương của não bộ do sự tích tụ dịch não tủy gây ra;
5.2. Thời điểm phát hiện bệnh và được chẩn đoán:
Trẻ mắc bệnh não úng thủy nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ ngăn chặn được các tổn thương nghiêm trọng đến não bộ và tủy sống;
5.3. Phản ứng của trẻ đối với việc điều trị:
Tùy thuộc vào từng trường hợp bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phương pháp điều trị khác nhau. Tuy nhiên, phương pháp điều trị có thể mang lại hiệu quả cao đối với bé này nhưng lại chưa thật sự hiệu quả đối với bé kia.
Theo thống kê cho thấy, đối với trẻ bị não úng thủy, nếu không được điều trị, có khoảng 50% bé sẽ tử vong trước 3 tuổi và khoảng 80% bé sẽ tử vong trước khi vào lứa tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, nếu bé được chẩn đoán và điều trị não úng thủy sớm, tỷ lệ sống của bé sẽ cao hơn. Bé sau khi đã được điều trị vẫn có thể phát triển khỏe mạnh và đến trường như những đứa trẻ khác. Do đó, việc điều trị cho trẻ mắc bệnh này là vô cùng cần thiết.
6. Những điều cần lưu ý ở người bệnh não úng thủy
Khi mắc bệnh não úng thủy bệnh nhân nên đi phẫu thuật càng sớm càng tốt tránh được áp lực não lớn. Như vậy giảm được phần nào tổn thương ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương.
Lưu ý: Kể cả khi đã được chữa trị kịp thời nhưng di chứng để lại về cuộc sống sau này không thể tránh khỏi. Sẽ có những ảnh hưởng về phát triển cơ thể và cả phát triển về trí não. Vậy nên, sau khi được phẫu thuật cần phải theo dõi sát sao, đồng thời kết hợp với quá trình phục hồi chức năng giúp nâng cao sức khỏe và giúp trí tuệ nhanh chóng phát triển mỗi ngày.
Khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở trẻ như: Đầu to lên hoặc mắt nhìn xuống dưới... thì nên đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế đúng chuyên khoa để có thể can thiệp kịp thời.
Đối với người lớn nếu như không may mắc phải bệnh này cần đi khám sớm để được thăm khám và có hướng điều trị kịp thời.