Hà Nội

Một số câu hỏi liên quan đến bệnh lao hệ tiết niệu sinh dục

29-09-2024 14:22 | Tra cứu bệnh

SKĐS- Lao hệ tiết niệu sinh dục là một dạng lao ngoài phổi, ảnh hưởng đến hệ thống tiết niệu và sinh sản. Bệnh gây ra bởi vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis, vi khuẩn gây bệnh lao.

Lao hệ tiết niệu sinh dục là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm. Khi vi khuẩn lao xâm nhập cơ thể, chúng có thể lan đến các cơ quan của hệ tiết niệu sinh dục, bao gồm thận, niệu quản, bàng quang, tuyến tiền liệt ở nam giới và tử cung, ống dẫn trứng ở nữ giới.

1. Đông y có chữa được lao hệ tiết niệu sinh dục?

Theo Đông y, lao hệ tiết niệu sinh dục là một chứng bệnh do âm hư, thận hư, khí huyết hư tổn, hoặc do ngoại tà xâm nhập. Các triệu chứng như tiểu đau, tiểu buốt, đau lưng, mệt mỏi, sốt nhẹ, gầy sút... đều được giải thích dựa trên các lý thuyết về tạng phủ, kinh lạc và khí huyết.

Các bài thuốc Đông y được sử dụng để hỗ trợ trị lao hệ tiết niệu sinh dục. Các vị thuốc Đông y ngoài tác dụng hỗ trợ trị bệnh còn bồi bổ cơ thể, tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Tuy nhiên, khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, cần có sự hướng dẫn của thầy thuốc có kinh nghiệm để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Để đạt được kết quả điều trị tốt nhất, người bệnh nên kết hợp cùng chế độ dinh dưỡng hợp lý và tập luyện phù hợp.

Một số câu hỏi liên quan đến bệnh lao hệ tiết niệu sinh dục- Ảnh 1.

Các bài thuốc Đông y được sử dụng để hỗ trợ trị lao hệ tiết niệu sinh dục.

2. Bệnh lao hệ tiết niệu sinh dục có gây vô sinh không?

Lao hệ tiết niệu sinh dục là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra, ảnh hưởng đến hệ thống tiết niệu và sinh sản. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Sự phát triển của u hạt lao có thể ăn mòn vào hệ thống đài thận; trực khuẩn lây lan đến bể thận, niệu quản, bàng quang và các cơ quan sinh dục khác. Tùy thuộc vào sức đề kháng của bệnh nhân, tình trạng xơ hóa và hẹp đường bài niệu có thể phát triển với sự hình thành áp xe mạn tính. Sự lan rộng các tổn thương có thể dẫn đến thận mất chức năng một phần hoặc hoàn toàn.

Bệnh lao hệ tiết niệu sinh dục nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, triệt để, có thể gây những biến chứng như:

  • Hẹp đường niệu.
  • Tắc nghẽn đường niệu.
  • Bội nhiễm vi khuẩn thông thường.
  • Áp-xe hóa.
  • Hang lao.
  • Bệnh thận tăng huyết áp.
  • Sẹo của nhu mô thận, mất chức năng thận, và cuối cùng dẫn đến suy thận.
  • Hẹp và tắc nghẽn ống dẫn xuất tinh hoặc ống dẫn tinh có thể gây vô sinh do vô tinh.
  • Bệnh lao tại ống dẫn trứng hoặc nội mạc tử cung có thể dẫn đến vô sinh, phổ biến ở các nước đang phát triển.
Một số câu hỏi liên quan đến bệnh lao hệ tiết niệu sinh dục- Ảnh 3.

Lao hệ tiết niệu sinh dục là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra, ảnh hưởng đến hệ thống tiết niệu và sinh sản.

3. Đối tượng nào dễ mắc lao hệ tiết niệu sinh dục?

Bệnh lao hệ tiết niệu sinh dục có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào dù đang mắc bệnh lao phổi hay không. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu từ các chuyên gia y tế thì khả năng trẻ em và người cao tuổi ít có nguy cơ mắc bệnh lao hệ tiết niệu sinh dục hơn mà chủ yếu thường xuất hiện ở độ tuổi từ 20 - 50.

Bên cạnh đó, đối tượng có nguy cơ mắc bệnh lao tiết niệu sinh dục rất cao có những đặc điểm sau đây:

Người bệnh lao phổi: Những người đã từng mắc hoặc đang mắc bệnh lao phổi có nguy cơ cao bị bệnh lao lan sang hệ tiết niệu sinh dục do lây lan qua đường máu.

Người sống chung với người mắc bệnh lao: Đây là nguyên nhân phổ biến khi bệnh lao có thể lây nhiễm qua đường hô hấp từ người bệnh lao phổi sang người khác trong cùng gia đình hoặc cộng đồng.

Những người đang gặp vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là đang mắc các bệnh lý có liên quan đến hệ hô hấp.

Người có hệ thống miễn dịch suy giảm như mắc HIV/AIDS, đái tháo đường và suy dinh dưỡng…

Những người sử dụng thuốc lá, rượu, có thể làm gia tăng nguy cơ nhiễm lao và mắc lao.

Người sống trong không gian chật hẹp, thông khí không đầy đủ, tái lưu thông không khí có các hạt khí dung chứa vi khuẩn lao.

4. Chăm sóc bệnh nhân lao hệ tiết niệu sinh dục tại nhà thế nào?

Bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, việc chăm sóc người bệnh lao tiết niệu sinh dục đúng cách sẽ giúp bệnh nhân nhanh phục hồi.

Khi chăm sóc bệnh nhân lao hệ tiết niệu sinh dục tại nhà, cần thực hiện theo một số gợi ý sau:

  • Cho người bệnh uống thuốc đúng giờ, đúng liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.
  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, ưu tiên các loại thực phẩm giàu protein, vitamin, khoáng chất như thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh, trái cây.
  • Uống đủ nước: Giúp đào thải độc tố và duy trì chức năng bảo vệ.
  • Không sử dụng các loại chất kích thích như trà, cà phê, rượu bia, thuốc lá.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi.
  • Ngủ đủ giấc, từ 7-8 tiếng mỗi đêm.
  • Sau khi sức khỏe ổn định hơn, người bệnh có thể tập các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga… Tuy nhiên, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ bài tập nào.

5. Lưu ý đối với phụ nữ mang thai mắc lao hệ tiết niệu sinh dục

Một số câu hỏi liên quan đến bệnh lao hệ tiết niệu sinh dục- Ảnh 4.

Khi nghi ngờ mắc lao hệ tiết niệu sinh dục, mẹ bầu cần đến các cơ sở y tế để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.

Lao hệ tiết niệu sinh dục khi mang thai là một bệnh lý nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi. Vì vậy phụ nữ mang thai cần chú ý đến sức khỏe của mình.

Phụ nữ mang thai dễ mắc bệnh lao hơn các nhóm đối tượng khác. Nguyên nhân chủ yếu là do sự thay đổi các nội tiết tố estrogen, progesterone. Bên cạnh đó, còn có nhiều nguyên nhân khiến mẹ bầu dễ nhiễm lao, đó là do hệ miễn dịch suy giảm, chế độ ăn uống không đủ chất, mất sức và mệt mỏi...

Khi mắc lao, thai phụ sẽ xuất hiện các triệu chứng khá điển hình như: ho (thường kéo dài 3 tuần hoặc hơn), đau ngực, mỏi mệt, chán ăn, cảm giác ăn không ngon, ớn lạnh, sốt hoặc đổ mồ hôi vào ban đêm...

Trong thời kỳ mang thai, khi bị vi khuẩn lao tấn công, cơ thể dễ bị suy kiệt nên nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu rất cao. Bệnh lao không chỉ khiến cho cơ thể người mẹ bị tàn phá mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai nhi.

Khi người mẹ mắc bệnh thì những đứa con cũng dễ dàng bị lây bệnh, thậm chí lây ngay từ khi còn là bào thai, đó là lao bẩm sinh.

Từ những tác động không tốt tới sức khỏe của cả mẹ và thai nhi, khi nghi ngờ mắc bệnh lao trong thai kỳ, thai phụ cần thực hiện ngay theo hướng dẫn sau đây: Cần đi khám để được chẩn đoán đúng bệnh. Làm các xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng tại các bệnh viện có chuyên khoa hô hấp để biết chắc chắn mình có bị bệnh lao hay không. Các xét nghiệm lao thường an toàn với thai kỳ nếu quy trình kỹ thuật được đảm bảo.

Nếu mang thai giai đoạn đầu, cần thông báo với bác sĩ để được dùng thuốc hỗ trợ điều trị bệnh lao theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Phụ nữ mang thai mắc lao cần đặc biệt lưu ý cung cấp đủ dinh dưỡng. Thực phẩm phải có đủ lượng calo, giàu protein, vitamin và khoáng chất. Có chế độ nghỉ ngơi thích hợp.

Sau khi sinh chú ý nghỉ ngơi, ăn nhiều thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Việc cách ly đối với con là rất cần thiết. Người mẹ phải mang khẩu trang mỗi khi ở gần, chăm sóc con hoặc cho con bú... cho đến khi vi khuẩn lao âm tính.

Con của người mẹ mắc lao phải được theo dõi cẩn thận để phát hiện lao bẩm sinh và phải được tiêm vaccine phòng lao BCG sớm để phòng bệnh lao sơ nhiễm.

Kết quả chữa bệnh lao ở phụ nữ có thai cũng tốt như ở những bệnh nhân lao khác. Khi nghi ngờ mắc lao hệ tiết niệu sinh dục, mẹ bầu cần đến các cơ sở y tế để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai nhi.

Thuốc và các phương pháp điều trị lao hệ tiết niệu sinh dụcThuốc và các phương pháp điều trị lao hệ tiết niệu sinh dục

SKĐS - Lao hệ tiết niệu sinh dục là một dạng lao ngoài phổi đáng kể, ảnh hưởng đến thận, bàng quang, niệu quản và cơ quan sinh dục ở cả nam và nữ. Chẩn đoán và điều trị bao gồm liệu pháp chống lao tiêu chuẩn, trong các trường hợp tiến triển cần can thiệp phẫu thuật.


BS. Thu Trang
Ý kiến của bạn