Hà Nội

Một số biện pháp phòng tránh bệnh sốt xuất huyết tại cộng đồng

01-12-2008 15:59 | Tin nóng y tế
google news

Thời tiết năm nay diễn biến rất phức tạp, bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát thành dịch.

LTS: Thời tiết năm nay diễn biến rất phức tạp, bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát thành dịch. Để giúp cộng đồng có thêm kiến thức phòng chống căn bệnh này, báo SK&ĐS xin giới thiệu bài viết của TS. Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường - Bộ Y tế.

Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh nhiễm virut cấp tính do muỗi truyền. Bệnh thường có biểu hiện sốt cao, đột ngột, kéo dài 2-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau cơ, xương, khớp và nổi ban. Bệnh nặng có thể gây xuất huyết ở nội tạng, hoặc ngoài da. Những trường hợp nặng hoặc điều trị không đúng có thể bị tử vong.

 
Bệnh thường xảy ra ở đâu, khi nào?

Bệnh có thể xuất hiện ở các địa phương ở nước ta, nhiều nhất là ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, rải rác ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc, Tây Nguyên. Do đặc điểm địa lý, ở miền Nam và miền Trung, bệnh xuất hiện quanh năm, ở miền Bắc bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 11. Nhìn chung, bệnh phát triển nhiều nhất vào các tháng 7,8,9,10 trong năm. Một số thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội là những địa phương thường xuyên ghi nhận bệnh nhân sốt xuất huyết.

Bệnh lây truyền bằng cách nào?

Muỗi là vật trung gian truyền bệnh. Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người nhưng người bệnh là nguồn bệnh quan trọng để muỗi truyền bệnh sang người khác. Muỗi sau khi nhiễm virut gây sốt xuất huyết đốt người không mắc bệnh và làm lây bệnh sang người.

Ai là người có thể mắc bệnh?

Mọi người đều có thể mắc bệnh, trẻ em dễ bị nhiễm bệnh hơn người lớn. Những người mắc bệnh lần thứ 2 thường bị nặng hơn và dễ bị sốc. Những người từng sống hoặc làm việc, du lịch... tại những vùng hiện có bệnh nhân sốt xuất huyết nếu không áp dụng các biện pháp phòng bệnh có nguy cơ bị muỗi đốt và mắc bệnh.

Điều trị bệnh sốt xuất huyết bằng cách nào?

Hiện tại không có thuốc đặc trị để điều trị bệnh sốt xuất huyết, các biện pháp điều trị chủ yếu là nghỉ ngơi, hạ sốt, bổ sung nước điện giải cho cơ thể và chống sốc cho các trường hợp nặng. Người bệnh khi nghi ngờ mắc sốt xuất huyết phải đến các cơ sở y tế để có biện pháp điều trị phù hợp. Tuyệt đối không được dùng các loại thuốc như aspirin và salixilate vì các thuốc này có thể gây chảy máu nặng.

Làm thế nào để phòng bệnh?

Hiện tại chưa có vaccin phòng sốt xuất huyết, do đó biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tránh bị muỗi đốt, tiêu diệt muỗi và bọ gậy/lăng quăng (bọ gậy/lăng quăng khi trưởng thành sẽ phát triển thành muỗi).

Khi ngủ nên nằm trong màn, kể cả ngủ ban ngày khi làm việc, du lịch... tại các vùng có bệnh nhân sốt xuất huyết nên mặc quần áo dài để tránh muỗi đốt.

Các gia đình có thể chủ động tiêu diệt muỗi bằng cách sử dụng các bình xịt muỗi đang được bán trên thị trường. Đối với dụng cụ chứa nước sinh hoạt (bể nước, chum, vại, lu, khạp...) cần được đậy kín nắp để muỗi không đẻ trứng vào hoặc được thả cá để bắt bọ gậy/lăng quăng.

Các cháu nhỏ, các em học sinh có thể giúp gia đình loại bỏ những dụng cụ chứa nước không cần thiết, dọn dẹp các lọ đựng nước không đậy nắp, vứt bỏ những lốp cao su hỏng, vệ sinh các hốc cây, không để nước đọng để cho bọ gậy/lăng quăng không có chỗ để phát triển thành muỗi.

Thực hiện tốt: Không có muỗi không có bệnh sốt xuất huyết.

TS. Trần Thanh Dương
(Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường - Bộ Y tế)

Ý kiến của bạn