Bạn có thể nghĩ rằng tất cả mọi thứ hàng ngày đều đã được hiểu rõ, với những bí ẩn là rất hiếm hoi, xa xôi và tăm tối. Tuy nhiên, rất nhiều thứ quen thuộc hàng ngày vẫn chứa đựng bí mật.
1. Băng dính
Nếu bạn bóc một số loại băng dính trong chân không, nó sẽ tạo ra những chớp Xquang ngắn. Một nhóm các nhà khoa học UCLA lần đầu tiên nhận thấy hiện tượng “điên rồ” này vào năm 2008, mặc dù các nhà khoa học Liên Xô đã quan sát thấy điều tương tự (tạo ra điện tử năng lượng cao thay vì tia X) trong năm 1950. Chúng ta biết rằng việc bóc băng dính gây tích điện, giống như điện tích tĩnh tạo ra khi bạn chà thẻ tín dụng lên một con mèo. Nó được gọi là hiệu ứng điện ma sát. Khi điện tích (và điện trường liên quan) đủ lớn, có sự phóng điện đột ngột - một chùm electron bắn ra và di chuyển nhanh đến mức khi va vào một vật chất nào đó, chúng phát ra tia X. Vấn đề khó hiểu là làm thế nào mà các điện tử lại bắn ra nhanh như vậy. Nghiên cứu năm 2008 đã kết luận: “Các giới hạn về năng lượng và độ rộng flash có thể đạt được là vượt khỏi những lý thuyết hiện hành về ma sát học”.
2. Phụ nữ
Mỗi tế bào trong cơ thể người phụ nữ đều có bản sao của cả hai nhiễm sắc thể X. Bắt đầu từ năm 1949, một loạt những khám phá đã dẫn đến sự thừa nhận rằng một trong các nhiễm sắc thể X luôn không hoạt động - hầu hết các thông tin di truyền trên nhiễm sắc thể X đó bị bỏ qua.
Giả sử chúng ta có một tế bào từ một người phụ nữ trong đó nhiễm sắc thể X từ mẹ của cô không hoạt động, còn nhiễm sắc thể X từ cha hoạt động. Hãy gọi đó là một “tế bào cha” và gọi khả năng kia là “tế bào mẹ”. Vậy một tế bào quyết định để trở thành “tế bào mẹ” hay “tế bào cha” như thế nào? Các nhà khoa học từng nghĩ rằng điều này là hoàn toàn ngẫu nhiên - các tế bào làm giống như chúng ta tung đồng xu. Nhưng các thí nghiệm gần đây với chuột cho thấy một cơ quan hoàn chỉnh (ví dụ như mắt) có thể gồm chủ yếu là “tế bào mẹ” hoặc “tế bào cha”. Đó không phải sự ngẫu nhiên! Đó là một bí ẩn về cách thức tế bào đưa ra quyết định.
Nhện độc.
3. Khả năng cảm nhận từ trường của động vật
Chim, ong và thậm chí cả những con cá mập giữa đại dương cũng có khả năng này - cảm nhận từ trường.
Giả thuyết đầu tiên (và lâu đời nhất) là động vật có những “thanh nam châm” tí hon trong một số tế bào. Những thanh nam châm này thẳng hàng với từ trường của trái đất như kim la bàn và sự định hướng của chúng được truyền tới não. Giả thuyết thứ hai là có một loại protein trong mắt mà khi bị chiếu bởi ánh sáng xanh lơ sẽ tách thành hai phần nhạy cảm với từ trường. Tất nhiên, có thể một số động vật sử dụng cả hai cơ chế. Cũng có thể có những cơ chế hoàn toàn khác. Ngành khoa học về cảm nhận từ trường của động vật vẫn còn khá mới mẻ, vì vậy nhiều điều vẫn còn chưa được biết.
4. Đỏ mặt
Người ta biết rằng đỏ mặt là do các mạch máu giãn ra, nhưng điều gì gây nên sự giãn mạch? Gợi ý đầu tiên được đưa ra vào năm 1982, khi Mellander cùng các cộng sự thấy rằng các tĩnh mạch trên mặt có các thụ thể beta-adrenalin, ngoài các thụ thể alpha-adrenalin thông thường. Những thụ thể này có thể được kích hoạt bởi adrenalin và các phân tử tương tự liên quan đến phản ứng cảm xúc. Có lẽ các thụ thể beta-adrenalin ở các tĩnh mạch trên mặt chính là yếu tố kích hoạt hiện tượng đỏ mặt?
Trong những năm 1990, Peter Drummond, một giảng viên tâm lý học tại Đại học Murdoch đã làm một số thí nghiệm để tìm hiểu. Một số đối tượng thí nghiệm của ông được dùng thuốc để chẹn thụ thể alpha-adrenalin, còn những người khác được dùng thuốc chẹn thụ thể beta-adrenalin. Sau đó, ông cho họ thực hiện những bài tính nhẩm căng thẳng, hát hoặc tập thể dục mức độ vừa (những việc thường gây đỏ mặt) và đo phản ứng của họ. Đúng như dự đoán, chẹn thụ thể alpha-adrenalin không ảnh hưởng đến đỏ mặt. Còn chẹn thụ thể beta-adrenalin làm giảm đỏ mặt, nhưng không hoàn toàn ngăn được đỏ mặt. Hẳn phải có điều gì khác gây đỏ mặt (giãn mạch), nhưng đó là gì? Vẫn chưa ai biết.
5. Dị ứng lạc (đậu phộng)
Tại Mỹ, số trẻ em bị dị ứng lạc đã tăng rõ rệt trong những năm gần đây. Tại sao? Có rất nhiều giả thuyết.
Có lẽ là ý tưởng phổ biến nhất là giả thuyết vệ sinh. Một số trẻ em hiện đại lớn lên trong môi trường rất sạch sẽ, nơi trẻ không tiếp xúc với những vi khuẩn, nấm, phấn hoa, virut.. như trẻ em ngày trước. Giả thuyết cho rằng, kết quả là hệ miễn dịch của trẻ phát triển theo một cách khác và do đó phản ứng khác với lạc.
Một khả năng nữa là hiện nay lạc được chế biến theo cách khác khiến chúng dễ gây dị ứng hơn. Hoặc có lẽ trẻ em hiện đại không nhận được đủ vitamin D? Có lẽ trẻ được làm quen với lạc quá muộn? Có rất nhiều khả năng, nhưng không có nhiều câu trả lời.
6. Nọc độc của nhện “Góa phụ đen”
Nhện “Góa phụ đen” được tìm thấy ở các vùng ôn đới trên khắp thế giới. Khi đốt người, nọc độc thường gây đau khủng khiếp toàn cơ thể và biến động huyết áp diễn ra trong nhiều ngày. Theo The Red Hourglass, “một số nạn nhân đã cố tự sát để chạy trốn cái đau”. Vậy nọc độc đã phát tác như thế nào? Đây là nơi mà mọi thứ trở nên bí ẩn.
Bằng cách nào đó, các chất độc thần kinh phải đánh lừa để cơ thể tấn công chính nó. Hiểu được cơ chế của hiện tượng này có thể giúp hiểu sâu hơn về các rối loạn tự miễn và các tình trạng bệnh khác mà cơ thể tự tấn công chính mình.