Đây là nhận định của TS.BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế tại Hội nghị Quản lý chất lượng và An toàn người bệnh năm 2024, diễn ra vào ngày 30/8, tại TPHCM.
Chia sẻ về các chứng nhận chất lượng quốc tế mà bệnh viện tại Việt Nam đạt được, TS.BS Nguyễn Trọng Khoa cho biết: Bệnh viện tham gia và đạt chứng nhận chất lượng quốc tế lần đầu tiên năm 2007 là Bệnh viện FV, đạt chứng nhận chất lượng HAS (Pháp); Bệnh viện Mắt Cao Thắng đạt chứng nhận chất lượng JCI (Joint Commission International) năm 2009.
Bệnh viện đạt chứng nhận của ACHSI (Australian Council on Healthcare Standards International) gồm có: Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc (2016), Bệnh viện Hoàn Mỹ (2017), Trung tâm Mắt Hải Yến (2023), Bệnh viện Hồng Ngọc Phúc Trường Minh (2023).
Bệnh viện Hùng Vương là bệnh viện công lập đầu tiên ở Việt Nam đạt chứng nhận chất lượng quốc tế ACHSI.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa, các bệnh viện gặp nhiều thách thức trong việc tham gia và đạt chứng nhận chất lượng quốc tế như bệnh viện tuyến trên (Trung ương, tỉnh) thường quá tải; khó khăn trong tự chủ tài chính do giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh chưa tính đúng, thu đủ; chuyển dịch nhân lực y tế từ khối công lập sang khối tư nhân.
Bên cạnh đó, việc thiếu nhân lực chất lượng cao; thiếu cơ hội được đào tạo bài bản về quản trị bệnh viện, quản lý chất lượng và thiếu kinh phí đầu tư cho chất lượng, đăng ký tham gia chương trình đánh giá và công nhận chất lượng cũng là những khó khăn trong việc đạt chứng nhận chất lượng quốc tế.
"Các bệnh viện đang được mở ra nhiều cơ hội trong việc tham gia và đạt chứng nhận chất lượng quốc tế, Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn chất lượng nâng cao, tiêu chuẩn chất lượng quốc tế; thừa nhận tiêu chuẩn chất lượng quốc tế ở Việt Nam.
Nhiều nội dung của Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Việt Nam tương đương với Bộ tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Một số bệnh viện đã tiếp cận dễ dàng với các bộ tiêu chuẩn chất lượng quốc tế cũng như đã có những bài học thành công từ một số bệnh viện áp dụng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế", TS.BS Nguyễn Trọng Khoa nhận định.
Tại hội nghị, một số đại biểu đưa ra ý kiến công tác quản trị bệnh viện công lập đang gặp phải nhiều thách thức cần có phương án tháo gỡ.
Trong đó, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng cấu trúc bộ máy quản lý bệnh viện chậm được thay đổi để tương thích với mức độ tự chủ tài chính của các bệnh viện; năng lực quản lý tài chính bệnh viện chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức nhằm đáp ứng những yêu cầu và quy định mới về tự chủ tài chính của các bệnh viện công lập.
Có thể nhận thấy việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng chưa tương xứng sự phát triển kỹ thuật chuyên sâu tại các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến để phát triển y tế chuyên sâu được đẩy mạnh nhưng hạ tầng công nghệ thông tin, nhân lực công nghệ thông tin tại các bệnh viện chưa được đầu tư tương xứng.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhấn mạnh: "Các bệnh viện thuộc ngành y tế TPHCM cần tăng cường hợp tác đa chiều, đa lĩnh vực, phát huy nguồn lực sẵn có để phát triển. Trong đó hợp tác giữa các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối trên địa bàn thành phố để phát triển kỹ thuật chuyên sâu; hợp tác với các tổ chức y tế thế giới và các tổ chức quốc tế có uy tín triển khai hiệu quả các chương trình y tế cộng đồng và phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường hợp tác với các tổ chức thẩm định và công nhận chất lượng quốc tế, phấn đấu đạt chứng nhận chuyên khoa quốc tế có giá trị".