Hà Nội

Một số bệnh răng miệng thường gặp

21-04-2015 14:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Sâu răng, viêm lợi, hôi miệng… không chỉ gây đau đớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn khiến nhiều người gặp trở ngại trong việc giao tiếp hàng ngày

Sâu răng, viêm lợi, hôi miệng… không chỉ gây đau đớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn khiến nhiều người gặp trở ngại trong việc giao tiếp hàng ngày. Để tránh được các bệnh về răng, miệng mọi người hãy chăm sóc và bảo vệ hàm răng của mình theo đúng những chỉ dẫn của bác sĩ nha khoa để có một hàm răng chắc khỏe.

Một số bệnh thường gặp

Viêm lợi: Lợi có nhiệm vụ bảo vệ, che chở và giữ cho chân răng được chắc chắn. Khi lợi bị viêm có biểu hiện sưng đỏ, dễ chảy máu, đặc biệt là khi đánh răng… Khi đã bị viêm lợi mà không chữa trị, bệnh sẽ tiến triển nặng hơn, khi đó lớp lợi bên trong và xương hàm bị đẩy lùi ra phía sau, tạo thành những lỗ hổng quanh răng. Những khoảng trống nhỏ giữa răng và lợi là nơi tích tụ các mảnh vụn thức ăn bị giắt vào và có thể gây ra nhiễm khuẩn. Nguyên nhân gây bệnh viêm lợi là do vi khuẩn ở trong mảng bám hoặc cao răng tồn tại lâu trong miệng. Vi khuẩn mảng bám tồn tại càng lâu thì mức động nghiêm trọng mà chúng có thể gây ra càng lớn.

Bệnh viêm quanh răng: Khi bệnh viêm lợi không được quan tâm và điều trị thì sẽ phát triển thành bệnh viêm quanh răng. Lợi sẽ dần dần tụt khỏi răng, tạo nên những túi lợi sâu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và làm trầm trọng thêm mức độ của bệnh. Không những thế, bệnh còn làm cho xương và dây chằng bao bọc quanh răng cũng bị tiêu huỷ dần, khiến cho răng không có chỗ dựa, trở nên lung lay và cuối cùng sẽ rụng. Dấu hiệu của bệnh viêm quanh răng: hôi miệng, sưng, đỏ lợi, chảy máu lợi, cảm giác đau khi nhai, răng lung lay...

Sâu răng: Bệnh sâu răng là sự tiêu hủy cấu trúc vôi hóa vô cơ (tinh thể canxi) của men răng và ngà răng, tạo nên lỗ hổng trên bề mặt răng, do vi khuẩn gây ra. Ba yếu tố quan trọng gây bệnh sâu răng là vi khuẩn, đường (trong thức ăn) và thời gian. Ngoài ra các yếu tố chủ quan như tuổi tác, bất thường của tuyến nước bọt, bất thường bẩm sinh của răng có thể khiến cho khả năng mắc bệnh sâu răng tăng cao và tốc độ bệnh tiến triển nhanh. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của sâu răng là xuất hiện lỗ hổng trên bề mặt răng. Nhưng khi các lỗ hổng này xuất hiện thì bệnh đã tiến triển được một thời gian dài, đang bước sang giai đoạn trầm trọng.

Không chủ quan với bệnh răng miệng

Bình thường răng đau thì nhiều người mới đi khám, thậm chí còn chủ quan nhổ răng sâu là xong. Tuy nhiên, có những trường hợp nặng, răng sâu còn kèm theo viêm nướu, viêm nha chu, viêm xương, viêm tủy nên việc chữa trị rất phức tạp, mất thời gian và tốn kém trong khi người bệnh phải chịu nhiều đau đớn và mệt mỏi.Ngoài ra, dùng răng giả vừa tốn tiền vừa có những hạn chế trong sinh hoạt cho người sử dụng. Vì vậy, thăm khám răng và được nha sĩ tư vấn dự phòng chính là cách tiết kiệm tiền bạc, thời gian và ổn định sức khỏe.

Phòng bệnh răng miệng

Các chuyên gia cho biết vệ sinh răng miệng là bước cơ bản quyết định sự thành công trong việc ngăn ngừa và điều trị các bệnh về răng. Vì vậy khi bị viêm, sưng, nóng, đỏ, đau mà chưa có sự can thiệp của nha sĩ, bệnh nhân vẫn phải vệ sinh răng miệng kỹ để tẩy sạch các mảng bám, thức ăn giắt. Vì thế ngay cả những người đánh răng nhiều lần trong ngày mà không đúng cách cũng có nguy cơ mắc bệnh về răng miệng..

Chăm sóc răng miệng đúng cách

Khi chăm sóc răng miệng, đánh răng không đúng cách, đánh răng hời hợt thì những mảng bám thức ăn sẽ đọng lại trên răng. Sau đó, vi khuẩn sẽ lên men thức ăn và tạo thành axit. Loại axit này sẽ dần dần phá hỏng men và ngà răng, gây sâu răng, nặng hơn có thể dẫn đến viêm tủy. Đồng thời các mảng bám răng bị vôi hóa, hình thành cao răng gây viêm nướu, chảy máu chân răng và nha chu. Việc đánh răng thường xuyên đúng cách vô cùng quan trọng. Thao tác đánh răng đúng là đặt bàn chải nghiêng 45 độ ngay dưới nướu răng. Chải nhẹ nhàng theo chiều thẳng đứng hoặc theo hình tròn trên răng và nướu. Chải mặt ngoài, mặt trong của răng theo chiều thẳng đứng. Đối với mặt nhai của răng, chải nhẹ theo chiều ngang. Lưu ý khi chải mặt ngoài, mặt trong của răng chải với động tác rung nhẹ tại chỗ nhiều lần, vừa rung vừa di chuyển bàn chải về phía mặt nhai. Việc chọn bàn chải đánh răng cũng quan trọng không kém. Nên chọn bàn chải có lông mềm vừa phải, đầu nhỏ để có thể vào được góc trong cùng của hàm răng. Nếu chọn bàn chải cứng sẽ làm tổn thương đến răng và nướu. Nên chải răng mỗi ngày bằng kem đánh răng có fluor ít nhất 2 lần sau các bữa ăn vì sau khi ăn (đặc biệt là với các thức ăn nhiều chất bột, đường).

Cần khám răng định kỳ

Điều bắt buộc trong quá trình chăm sóc răng miệng là chúng ta cần đi khám răng định kỳ ít nhất 6 tháng/lần, bởi không thể loại bỏ hoàn toàn những tác nhân gây bệnh cho răng miệng, như mảng bám cao răng ở các chân răng thì chỉ có các nha sĩ với dụng cụ chuyên dùng mới có thể làm sạch được. Khám răng định kỳ còn giúp nha sĩ phát hiện và can thiệp kịp thời những bất thường ở răng miệng. Việc kiểm tra xem răng có bị sâu hay không chỉ là một phần nhỏ trong cuộc khám răng miệng. Trong khi khám, nha sĩ cũng sẽ kiểm tra xem lợi có bị viêm hay không; kiểm tra các túi cùng và mức độ lung lay của răng; kiểm tra xem miệng có dấu hiệu của bệnh ung thư, đái tháo đường hay bệnh thiếu vitamin hay không… Nha sĩ sẽ làm sạch răng cho bạn và hướng dẫn cụ thể cách giữ vệ sinh răng miệng.

Bác sĩ Huy Thành

 


Ý kiến của bạn