Dưới đây là những bệnh phụ khoa được coi là nguy cơ dễ gây vô sinh cao thường hay gặp phải ở nhiều chị em...
U xơ tử cung
U xơ tử cung thường gặp nhiều ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Cho đến nay chưa có nghiên cứu nào đưa ra nguyên nhân chính xác dẫn đến u xơ tử cung nhưng các kết quả nghiên cứu đều chỉ ra rằng, ở những bệnh nhân có u xơ tử cung đều có sự tăng đột biến nồng độ estrogen. Một số yếu tố nguy cơ có thể là béo phì, di truyền, dậy thì sớm, có quan hệ tình dục sớm...
Bệnh biểu hiện là những cục u nhỏ gồm các tế bào cơ mềm và các mô có liên kết với nhau thông qua hệ thống các sợi phát triển trong thành tử cung. U xơ có thể có kích thước từ 1mm đến hơn 20cm. Mặc dù là bệnh lành tính nhưng cũng có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. U xơ tử cung sẽ làm thay đổi lớp nội mạc tử cung, gập vòi tử cung, biến dạng buồng trứng nên không thuận lợi cho việc làm tổ của trứng, khó thụ thai.
Các vị trí của u xơ trong tử cung.
Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là khí hư nhiều, rối loạn kinh nguyệt (chu kỳ kéo dài hơn và lượng máu ra nhiều hơn bình thường), có thể kèm theo hiện tượng đau bụng. U xơ tử cung tạo nên áp lực cho bàng quang dẫn đến hiện tượng bí tiểu ở nữ giới. Nếu khối u lớn rất có thể người bệnh gặp phải tình trạng rong kinh kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi suy nhược do mất máu quá nhiều. Cũng có những trường hợp bệnh nhân có thể tự sờ thấy khối u xơ cứng ở phần bụng dưới của mình.
Tùy vào kích thước của khối u cũng như độ tuổi và nguyện vọng người bệnh mà sử dụng các biện pháp điều trị khác nhau. Có thể điều trị nội khoa và dùng thuốc trong trường hợp khối u còn nhỏ hoặc thực hiện mổ bóc tách khối u đối với phụ nữ vẫn có nhu cầu sinh đẻ. Nếu bệnh nhân đã lớn tuổi, đã có đủ số con mong muốn mà khối u đã lớn thì có thể mổ cắt bỏ tử cung.
U nang buồng trứng
Bệnh thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi dậy thì hoặc mãn kinh với triệu chứng nhận biết rất mơ hồ. Nếu không điều trị kịp thời có thể chuyển thành ung thư buồng trứng, đe dọa nghiêm trọng đến khả năng phát triển trứng, rụng trứng, từ đó gây khó khăn trong quá trình thụ thai.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến u nang buồng trứng như dư thừa hàm lượng HCG (chorionic gonadotropin) trong cơ thể, thể vàng phát triển quá mức gây kéo dài chu kỳ kinh nguyệt. Sự phát triển kém hoàn thiện của các nang trứng hoặc tác động kích thích của LH (hormone luteinizing) lên buồng trứng cũng là nguyên nhân cho u nang xuất hiện tại buồng trứng. Sự rạn vỡ bất thường các mạch máu nang trứng cũng sẽ là nguyên nhân gây u nang buồng trứng mặc dù không có dấu hiệu báo trước.
U nang buồng trứng.
Khi mới xuất hiện thường gặp phải những dấu hiệu giống như các bệnh phụ khoa khác mà không có bất kỳ dấu hiệu rõ rệt nào, có thể là hiện tượng khí hư ra nhiều, bí đại tiểu tiện, rong kinh, đau bụng kinh…
Điều trị phụ thuộc vào tính chất của khối u (lành hay ác tính), nhưng không thể xác định được tính chất khối u thông qua các xét nghiệm hoặc thăm khám mà chỉ có thể biết được khi mang khối u đã cắt bỏ khỏi cơ thể đi giải phẫu chi tiết. Đối với những khối u lành tính thì sẽ tự biến mất sau một vài chu kỳ kinh nguyệt hoặc cũng có thể cần can thiệp phẫu thuật bóc tách hoặc cắt bỏ một phần tử cung, một vài phần phụ sao cho phụ nữ vẫn có thể đảm bảo việc sinh con và duy trì quan hệ vợ chồng.
Viêm âm đạo
Là bệnh thường gặp nhưng nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ, nguy cơ cao gây vô sinh do môi trường âm đạo thay đổi khiến tinh trùng khó tồn tại được hoặc viêm nhiễm lây lan đến buồng trứng gây viêm và cản trở quá trình thụ tinh.
Trùng roi Trichomonas vaginalis gây viêm âm đạo.
Nguyên nhân thường gặp là do nhiễm nấm men Candida, trùng roi, vi khuẩn, lậu cầu hoặc Chlamydia trachomatis.
Viêm âm đạo thường có biểu hiện âm đạo có tiết dịch bất thường: Có khí hư, có máu, có mùi khó chịu…; cơ quan sinh dục ngứa, rát, đau đỏ hoặc có các nốt hoặc các vết loét; khi đi tiểu thấy đau, buốt; đau bụng dưới hoặc đau trong khi giao hợp hoặc chảy máu bất thường ngoài chu kỳ kinh nguyệt hoặc chảy máu sau khi giao hợp.
Điều trị chủ yếu là thuốc đặt tại chỗ và có thể kết hợp với liều uống theo từng nguyên nhân. Việc điều trị cần kết hợp điều trị cho cả bạn tình/chồng của người phụ nữ (trừ trường hợp viêm âm đạo do vi khuẩn).
Viêm lộ tuyến cổ tử cung
Viêm lộ tuyến tử cung làm cho lượng dịch trong âm đạo nhiều hơn mức bình thường, khiến cho tinh trùng khó di chuyển lại gần trứng để thụ thai. Bệnh còn làm thay đổi độ pH trong âm đạo và có thể tiêu diệt tinh trùng khi vừa đến âm đạo. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời dẫn đến khó thụ thai và vô sinh.
Biểu hiện rõ nhất là xuất hiện khí hư, dính thành từng mảng, mùi hôi khó chịu, cảm giác đau vùng âm hộ và tăng lên khi đi lại. Khi thăm khám phụ khoa sẽ thấy phần lộ tuyến đỏ, sần sùi. Kiểm tra bằng máy nội soi cổ tử cung thì sẽ thấy lớp biểu mô lộ ra trong cổ tử cung và lan ra ngoài che phủ một phần cổ tử cung tạo ra hình ảnh tổn thương có màu đỏ và sần sùi.
Nguyên nhân chủ yếu do quan hệ tình dục mạnh gây trầy xước, nạo hút nhiều lần làm hủy hoại các lớp mô, niêm mạc bên trong cổ tử cung hoặc sử dụng thuốc tránh thai có chứa nhiều estrogen…
Có nhiều phương pháp điều trị. Thầy thuốc sẽ quyết định phương pháp điều trị căn cứ vào tình trạng bệnh, thể trạng sức khỏe cũng như độ tuổi và nhu cầu sinh đẻ của người bệnh. Thông thường, khi bị viêm lộ tuyến cổ tử cung, các bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc chống viêm tại chỗ để trị viêm lộ tuyến và có thể kết hợp cả thuốc uống nếu thực sự cần thiết. Sau khi lộ tuyến hết viêm sẽ áp dụng các biện pháp như áp lạnh, đốt điện, lazer để diệt lộ tuyến.
Viêm buồng trứng
Nguyên nhân do vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh khác. Nếu không được điều trị kịp thời bệnh có thể dẫn tới ung thư buồng trứng và gây vô sinh cho nữ giới.
Biểu hiện của bệnh là khí hư ra nhiều kèm theo đau vùng hạ vị liên tục và dữ dội. Ngoài ra, còn kèm theo các biểu hiện khác như sốt cao, sưng hậu môn, đau ngực dưới, đau hạ sườn phải… Bệnh nặng hơn khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi thường xuyên và kinh nguyệt không đều.
Nguyên nhân là do vùng kín không được vệ sinh sạch sẽ, nhiễm trùng sau phá thai không an toàn tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh.
Kết hợp phương pháp nội khoa và ngoại khoa để điều trị. Nội khoa điều trị kháng viêm. Phương pháp ngoại khoa - sử dụng các kỹ thuật như đốt điện, đốt laser. Các phương pháp này sử dụng sóng cao tần và tia laser để đốt diệt các vết viêm nhiễm và tiêu diệt sự phát triển của vi khuẩn.
Để phòng ngừa các bệnh phụ khoa trên, ngay từ nhỏ các bé gái cần chú ý giữ gìn vệ sinh vùng kín. Khi trưởng thành cần có đời sống tình dục lành mạnh, an toàn. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường cần được khám và tư vấn kịp thời của các bác sĩ sản khoa, tránh để bệnh tiến triển âm thầm, kéo dài mà không được chữa trị gì dẫn đến vô sinh.