Hà Nội

Một số bệnh ký sinh trùng thường gặp, cách nhận biết và phòng tránh

22-08-2023 15:47 | Y tế
google news

SKĐS - Mỗi ngày, Phòng khám ký sinh trùng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Nghệ An tiếp nhận 40-50 bệnh nhân đến khám, làm xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng (ELISA), phát hiện các loại giun đường ruột, sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ, sán đường ruột, sán lá ruột. Trong số đó tỷ lệ mắc ấu trùng giun đũa chó mèo chiếm phần nhiều.

Một số bệnh ký sinh trùng thường gặp, cách nhận biết và phòng tránh - Ảnh 1.

Mỗi ngày, Phòng khám ký sinh trùng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Nghệ An tiếp nhận 40-50 bệnh nhân đến khám, làm xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng (ELISA)

Tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng cao

Tỉnh Nghệ An nằm trong vùng nhiệt đới, điều kiện khí hậu, tập quán sinh hoạt của người dân cũng như vệ sinh môi trường rất thuận lợi cho sự phát triển và lây nhiễm của các bệnh ký sinh trùng.

Các đối tượng dễ tổn thương khi mắc bệnh là trẻ em mầm non, học sinh và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Một số ngành nghề thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với đất có tỷ lệ nhiễm cao hơn như làm ruộng, trồng rau, hoa màu...

Theo kết quả điều tra của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương vào năm 2020 - 2021 tại một số huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thì tỷ lệ nhiễm giun sán đường ruột là 15-20%.

Theo báo cáo kết quả bệnh nhân có triệu chứng đến khám tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An (giai đoạn năm 2018 – 2022), tỷ lệ phát hiện bệnh nhân nhiễm sán lá gan lớn là 18,33%, ấu trùng giun lươn là 13%, bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo là 37%.

Một số bệnh ký sinh trùng thường gặp, cách nhận biết và phòng tránh - Ảnh 2.

Bác sĩ Phòng khám ký sinh trùng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Nghệ An khám cho bệnh nhi nghi nhiễm ký sinh trùng

Theo thống kê, mỗi ngày, Phòng khám ký sinh trùng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Nghệ An tiếp nhận 40-50 bệnh nhân đến khám, làm xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng (ELISA), phát hiện các loại giun đường ruột, sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ, sán đường ruột, sán lá ruột. Trong số đó tỷ lệ mắc ấu trùng giun đũa chó mèo chiếm phần lớn. Tỷ lệ bệnh nhân được phòng khám điều trị khỏi lên đến 95%.

Để hiểu rõ về các bệnh ký sinh trùng, đặc biệt là bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo, bệnh sán lá gan lớn, Báo Sức khỏe và Đời sống có cuộc trao đổi với Bác sĩ CKI Phạm Đình Tùng, Phó Giám đốc CDC Nghệ An.

Bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo

Bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo là bệnh ký sinh trùng lây truyền từ động vật sang người do loài giun đũa chó (Toxocara canis) hoặc giun đũa mèo (Toxocara cati) gây nên. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi, giới tính nào và biểu hiện lâm sàng từ thể ấu trùng di chuyển trong da đến thể nặng ở các cơ quan như phổi, mắt, gan và hệ thần kinh của người.

Nguồn bệnh hay ổ chứa chính là chó, mèo nhiễm giun Toxocara spp.,đặc biệt chó con là ổ chứa nguy cơ cao nhất cho người. Ngoài ra, một số động vật khác (gà, vịt, trâu, bò, cừu, thỏ) có thể mang nguồn bệnh với tỷ lệ thấp hơn.

Phương thức lây truyền: Người ăn phải thực phẩm, nước uống bị nhiễm trứng giun đũa chó/ mèo. Người ăn phủ tạng hay thịt sống/chưa chế biến chín của một số vật chủ chứa mầm bệnh như gà, vịt, trâu, bò, cừu, thỏ. Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người. Tất cả mọi người, cả hai giới đều có thể bị nhiễm và dễ bị tái nhiễm khi sống trong môi trường có bệnh lưu hành.

Trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất do thói quen đùa nghịch với đất cát mà đất cát lại là nơi phát tán trứng giun do đặc tính phóng uế bừa bãi của chó, mèo.

Biểu hiện khi mắc bệnh: Thể thông thường của ấu trùng Toxocara spp. biểu hiện triệu chứng lâm sàng nhẹ như ngứa, nổi mẩn, đau đầu, sốt nhẹ, đau bụng, khò khè. Một số triệu chứng khác có thể gồm ho, khó thở, khò khè, rối loạn giấc ngủ, nhức đầu, rối loạn hành vi. Khám lâm sàng có thể phát hiện gan to, viêm hạch.

Thể ấu trùng di chuyển ở mắt: Thể mắt có thể thường gặp hơn so với thể nội tạng khác, có xu hướng xảy ra trên trẻ em nhỏ và người lớn trẻ tuổi. Tổn thương mắt hay xảy ra ở một bên mắt. Triệu chứng gồm giảm thị lực, phản ứng tạo u hạt ở cực sau, u hạt ngoại vi, viêm nội nhãn, viêm võng mạc, nhất là điểm vàng, viêm kết giác mạc, viêm màng bồ đào, viêm màng mạch nhỏ, mắt đỏ, đồng tử trắng, giảm thị lực biểu hiện từ nhìn mờ đến giảm hoặc mất thị lực hoàn toàn.

Thể ấu trùng di chuyển nội tạng: Ấu trùng có thể di chuyển đến nhiều mô và cơ quan khác nhau như tim, phổi và gan. Thể nội tạng gặp nhiều ở trẻ em hơn người lớn. Triệu chứng lâm sàng khá đa dạng, phụ thuộc vào số lượng, vị trí cơ quan bị ấu trùng ký sinh, thường gặp là đau bụng mạn tính, mày đay, gan to, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, nôn, giả triệu chứng hen phế quản (khò khè, ho khan, khó thở), tức ngực, sốt, đau đầu, mệt mỏi, sút cân, mẩn ngứa, ban đỏ trên da.

Trường hợp nặng có thể dẫn đến tràn dịch màng phổi, viêm cơ tim hay suy hô hấp. Thể ấu trùng di chuyển đến hệ thần kinh: Thể bệnh thần kinh này rất nguy hiểm. Triệu chứng biểu hiện không đặc hiệu, giống như một số bệnh lý thần kinh khác, mức độ biểu hiện triệu chứng và hội chứng phụ thuộc vào vị trí tổn thương ở hệ thần kinh do ấu trùng, thường có sốt, đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, thậm chí co giật.

Thực hiện lấy máu thực hiện xét nghiệm máu (ELISA) tìm ký sinh trùng tại Phòng khám ký sinh trùng, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Nghệ An

Để phòng bệnh, người dân thực hiện Tẩy giun định kỳ cho chó, mèo, cần tẩy giun liều đầu tiên ngay khi chó, mèo mới sinh ra 2-3 tuần tuổi (vì chó, mèo con có thể nhiễm giun từ mẹ trước hoặc sau sinh, hoặc qua đường sữa và chó con thường đào thải trứng nhiều trong môi trường), tẩy 3 lần cách nhau mỗi 2 tuần và sau đó nhắc lại 6 tháng một lần. Dùng thuốc tẩy giun dự phòng định kỳ, kể cả chó con và chó cái mang thai để hạn chế lan truyền bệnh;

Vệ sinh phòng bệnh: Vệ sinh môi trường đặc biệt là khu vực có phân chó, phân mèo, khu vực trong nhà và khu vực vui chơi của trẻ em; Thu dọn, loại bỏ ngay các phân các thú cưng để ngăn ngừa trứng từ các con vật nhiễm. Rửa sạch tay sau khi sờ hay chơi với các thú cưng và vật nuôi trong nhà, hoặc sau khi phơi nhiễm với các nơi nguy cơ nhiễm;

Mọi người cần xây dựng nếp sống vệ sinh cá nhân tốt: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi ăn, đảm bảo ăn chín, uống chín. Cọ, rửa sạch nơi vui chơi của trẻ em; Tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân và cộng đồng, bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân chó, mèo.

Một số bệnh ký sinh trùng thường gặp, cách nhận biết và phòng tránh - Ảnh 4.

Một trường hợp bị nhiễm ký sinh trùng. Ảnh: CDC Nghệ An

Bệnh sán lá gan lớn

Bác sĩ CKI Phạm Đình Tùng cho biết, ngoài số lượng bệnh nhân điều trị về bệnh ấu trùng gian đũa chó mèo thì tỷ lệ người dân ở Nghệ An mắc phải là bệnh sán lá gan lớn. Nguyên nhân gây bệnh sán lá gan lớn.

Bệnh sán lá gan lớn là bệnh ký sinh trùng thường do một số loài sán lá gan thuộc họ Fasciolidae gây nên những tổn thương, những ổ áp xe tại gan hoặc một số cơ quan khác khi ký sinh lạc chỗ. Vật chủ chính của sán lá gan lớn là động vật ăn cỏ như trâu, bò, cừu và động vật có sừng khác. Người là vật chủ tình cờ.

Người mắc bệnh do ăn sống các loại rau thủy sinh như: rau ngổ, rau muống, rau rút, rau cần, rau cải xoong, ngó sen… hoặc uống nước có nhiễm ấu trùng sán lá gan lớn.

Bệnh sán lá gan lớn ở người chủ yếu do hai loài Fasciola hepatica và Fasciola gigantica gây nên. Loài Fasciola hepatica phân bố chủ yếu ở Châu Âu, Nam Mỹ, Châu Phi, Châu Á. Loài Fasciola gigantica phân bố chủ yếu ở Châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam.

Chu kỳ sinh trưởng của sán lá gan lớnSán trưởng thành đẻ trứng theo đường mật xuống ruột và ra ngoài theo phân. Trứng sán lá gan lớn có kích thước 140 ´ 80mm.

Trứng sán xuống nước, nở ra ấu trùng lông, ấu trùng lông xâm nhập vào một số loài ốc là vật chủ trung gian thứ nhất. Trong ốc ấu trùng lông phát triển thành ấu trùng đuôi, ấu trùng đuôi rời khỏi ốc và bám vào các loại rau thủy sinh tạo nang trùng hoặc bơi tự do trong nước.

Người hoặc trâu, bò, cừu, dê… ăn phải thực vật thủy sinh hoặc uống nước chưa nấu chín có ấu trùng sẽ bị nhiễm sán lá gan lớn.

Giai đoạn xâm nhập, có 2 gia đoạn.

Thứ nhất xâm nhập vào nhu mô gan: Khi người bị nhiễm ấu trùng sán lá gan lớn, ấu trùng vào dạ dày, xuống tá tràng, tự tách vỏ và xuyên qua thành tá tràng vào khoang phúc mạc đến gan, xâm nhập vào nhu mô gan gây tổn thương gan. Đây cũng chính là giai đoạn kích thích cơ thể phản ứng miễn dịch mạnh nhất. Kháng thể IgG xuất hiện sau 2 tuần.

Sán lá gan lớn ký sinh chủ yếu ở nhu mô gan, nhưng trong giai đoạn xâm nhập sán có thể di chuyển lạc chỗ và gây các tổn thương ở các cơ quan khác như thành ruột, thành dạ dày, thành bụng, đôi khi có trong bao khớp.

Thứ hai, giai đoạn xâm nhập vào đường mật: Sau giai đoạn xâm nhập vào nhu mô gan từ 2-3 tháng, sán xâm nhập vào đường mật thành sán trưởng thành và đẻ trứng. Sán trưởng thành có thể ký sinh và gây bệnh trong nhiều năm nếu không được phát hiện và điều trị.

Tại đường mật: sán gây tổn thương biểu mô đường mật, tắc mật, viêm và xơ hóa đường mật thứ phát. Viêm tụy cấp.

Triệu chứng lâm sàng

Các biểu hiện lâm sàng của bệnh do sán lá gan lớn gây nên thường không đặc hiệu, tùy thuộc vào gian đoạn phát triển và vị trí sán ký sinh, cũng như số lượng ấu trùng sán xâm nhập vào cơ thể người.

Đau bụng: Đau vùng hạ sườn phải lan về phía sau (chiếm 70-80 % các trường hợp), hoặc đau vùng thượng vị hoặc và mũi ức. Tính chất đau không đặc hiệu, có thể đau âm ỉ, đôi khi đau dữ dội, đau từng cơn, đau tức, cũng có trường hợp không có đau bụng.

Thiếu máu: da xanh, niêm mạc nhợt. Gặp ở các trường hợp nhiễm kéo dài, đặc biệt ở trẻ em.

Bệnh nhân có cảm giác đầy bụng khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn. Một số bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng của một số biến chứng: tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy cấp, xuất huyết tiêu hóa…. Gan to hoặc bình thường, mật độ mềm, ấn đau. Phản ứng viêm: đau nhiều khớp, đau cơ, đỏ da, dị ứng da gặp ở 20-30% bệnh nhân, biểu hiện các nốt sẩn trên da gặp chủ yếu ở đùi, mông, lưng, cảm giác ngứa, bút rứt, khó chịu.

Ho, khó thở hoặc có ban dị ứng, mẩn ngứa ngoài da. Mệt mỏi, biếng ăn, gầy sút. Sốt: sốt thất thường, có thể sốt cao, rét run hoặc chỉ sốt thoáng qua rồi hết, đôi khi sốt kéo dài. Tràn dịch màng phổi. Các triệu chứng biểu hiện sự tổn thương tổ chức nơi sán ký sinh lạc chỗ như khớp, vú, cơ ngực, bắp chân hoặc các cơ quan khác.

Một số bệnh ký sinh trùng thường gặp, cách nhận biết và phòng tránh - Ảnh 5.

Nhiễm sán lá gan lớn liên quan đến thói quen và tập quán ăn uống. Ảnh minh họa

Để chẩn đoán bệnh sán lá gan lớn, người bệnh cần được xét nghiệm công thức máu để xác định chỉ số bạch cầu ái toan tăng, số lượng bạch cầu trong máu ngoại vi có thể tăng hoặc bình thường.

Thực hiện siêu âm ổ bụng, chụp CT/MRI ổ bụng thấy hình ảnh tổn thương gan mật là vùng giảm âm không đồng nhất, không có bờ rõ ràng, hoặc những ổ hỗn hợp âm hình tổ ong, nhiều ổ nhỏ tập trung thành đám lớn, hay gặp ở gan phải, có thể thấy hình ảnh tụ dịch dưới bao gan.

Thực hiện Xét nghiệm phân: Khi sán vào đường mật, phát triển thành con trưởng thành và đẻ trứng mới tìm thấy trứng sán trong phân, Soi dịch tá tràng tìm thấy trứng sán lá gan lớn.

Một số bệnh ký sinh trùng thường gặp, cách nhận biết và phòng tránh - Ảnh 6.

Nhiễm sán lá gan lớn liên quan đến thói quen và tập quán ăn uống.

Chẩn đoán miễn dịch học (ELISA) phát hiện có kháng thể kháng sán lá gan lớn trong huyết thanh.

Xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng là phương pháp nhanh, không xâm lấn và có thể phát hiện ký sinh trùng đi lạc chỗ, lạc chủ như giun Gnathostoma spinigerum (giun đầu gai), giun lươn, amip (Entamoeba histolytica), sán lá lớn, sán lá phổi, đơn bào,…

Hiện nay, kỹ thuật ELISA phát hiện được đa số các loại ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể người thông qua đáp ứng miễn dịch của cơ thể với loại ký sinh trùng đó. Mặc dù vậy, giá trị của phương pháp này là khác nhau ở mỗi loại ký sinh trùng do tính chất đặc hiệu của kháng thể đáp ứng với các căn nguyên đó.

Theo bác sĩ Tùng, để phát hiện ký sinh trùng như sán lá gan lớn, giun đũa chó…các kits xét nghiệm có độ nhạy rất cao, nghĩa là nếu bệnh nhân đang nhiễm ký sinh trùng này thì đa số xét nghiệm ELISA sẽ dương tính.

Xét nghiệm ELISA là phương pháp phát hiện ký sinh trùng

Lời khuyên của Bác sĩ

Bác sĩ CKI Phạm Đình Tùng khuyến cáo: Để phòng chống bệnh sán lá gan lớn người dân cần nâng cao ý thức vệ sinh cá nhân và cộng đồng, thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn sống các loại rau mọc dưới nước khi chưa được rửa sạch; Không uống nước lã…

Khi nghi ngờ nhiễm sán lá gan lớn, người dân cần phải đến cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

- Mọi thắc mắc về bệnh ký sinh trùng, đặc biệt là giun đũa chó, mèo, sán lá gan… xin liên hệ Phòng khám ký sinh trung, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Nghệ An;

- Địa chỉ: số 1 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Hưng Dũng, TP Vinh, Nghệ An.

- Điện thoại: 0975569056 - 0975483639

CDC Nghệ An: Nâng chất lượng, đa dạng dịch vụ vì sức khỏe cộng đồngCDC Nghệ An: Nâng chất lượng, đa dạng dịch vụ vì sức khỏe cộng đồng

SKĐS - Bên cạnh thực hiện tốt chức năng phòng, chống dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Nghệ An còn triển khai nhiều dịch vụ y tế chất lượng cao đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An và cả khu vực Bắc Trung Bộ.



Khánh Tâm
Ý kiến của bạn