Một số bệnh dễ mắc phải nếu bạn có thói quen vệ sinh không tốt

18-04-2019 15:22 | Bệnh thường gặp
google news

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tỷ lệ tử vong cao đối với các bệnh lây truyền qua đường phân-miệng là do người dân thiếu hiểu biết về các biện pháp vệ sinh phòng bệnh.

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tỷ lệ tử vong cao đối với các bệnh lây truyền qua đường phân-miệng là do người dân thiếu hiểu biết về các biện pháp vệ sinh phòng bệnh.

Rất nhiều bệnh tật, đặc biệt là các bệnh đường tiêu hoá như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn v.v.. đều do các vi khuẩn từ phân gây ra. Nếu vi khuẩn đó vào nước hoặc thức ăn, các đồ dùng nơi chuẩn bị thức ăn hoặc nơi ăn, nhất là vi khuẩn bám vào các chất bẩn dính ở bàn tay..chúng ta có thể nuốt vi khuẩn vào và chúng có thể gây bệnh. Các nhà khoa học đã xác định trên 1 cm2 da của người bình thường có chứa tới 40.000 vi khuẩn. Đặc biệt, số lượng này còn nhiều hơn ở da bàn tay, vốn là nơi tiếp xúc với đủ mọi vật trong cuộc sống hàng ngày.

Qua bàn tay bẩn, cơ thể của chúng ta, đặc biệt là trẻ em rất dễ bị nhiễm các bệnh như:

Bệnh tay-chân-miệng

Virut gây ra bệnh tay-chân-miệng phổ biến là Coxsackie A và virus Enterovirus 71 (EV-71). Loại virut này gây ra các vết tổn thương trên bàn tay và bàn chân, cũng như trong miệng. Đây là một bệnh dễ lây lan. Đường lây truyền thường từ người sang người, do tiếp xúc với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các bọng nước hoặc phân của người bệnh (ví dụ, do ăn thức ăn hoặc uống nguồn nước đã bị ô nhiễm bởi phân…). Do tác nhân gây bệnh là virut, nên thuốc kháng sinh không có tác dụng điều trị đặc hiệu. Việc rửa tay với xà phòng đúng thời điểm, đúng cách sẽ làm giảm cơ hội nhiệm bệnh.


Virut Coxsackie gây bệnh tay - chân - miệng

Bệnh viêm gan A

Bệnh viêm gan A gây ra bởi virus viêm gan A. Những đường lây lan chính của virus viêm gan A bao gồm: Ăn thức ăn chế biến bởi người bị viêm gan A không rửa tay kỹ sau khi đi vệ sinh; uống nước ở nguồn nước ô nhiễm; ăn sò, ốc sinh sống ở nguồn nước ô nhiễm; tiếp xúc thường xuyên với người bệnh viêm gan A… Như vậy, việc không rửa tay sau khi sử dụng nhà vệ sinh sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm gan A. Bệnh viêm gan A lan rộng do không rửa tay và sau đó dùng tay xử lý thực phẩm. Khi bị viêm gan A người bệnh thường có các triệu chứng như: Nước tiểu sẫm màu, mệt mỏi, buồn nôn, da vàng và nôn.

Hầu hết bệnh nhân viêm gan A có thể hồi phục trong vòng từ 2 đến 6 tháng sau khi điều trị mà không có bất kỳ vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm, viêm gan có thể biến chứng dẫn đến suy gan, thậm chí là hôn mê gan và tử vong.

Lỵ trực trùng

Bệnh lỵ trực trùng, hay còn gọi là lỵ trực khuẩn hoặc xích lỵ, là bệnh kiết lỵ do trực khuẩn lỵ Shigella gây nhiễm trùng ruột và trực tràng.  Shigella có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp với các vi khuẩn trong phân hoặc trong thực phẩm bị ô nhiễm.

Vì vậy, việc không rửa tay hoặc rửa tay không sạch sau khi đi vệ sinh sẽ làm nhiễm Shigella gây ra bệnh lỵ trực trùng. Các triệu chứng của bệnh bao gồm đau bụng, phân lỏng và sốt. Nếu nhiễm Shigella trở nên tồi tệ hơn, có thể có máu, chất nhầy và mủ trong phân. Cần phải điều trị theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo rằng căn bệnh đã hoàn toàn triệt căn.

Nhiễm ký sinh trùng Giardia

Khi bạn không rửa tay sau khi sử dụng nhà vệ sinh, bạn có nguy cơ mắc bệnh Giardia. Bệnh này do ký sinh trùng gây ra và có thể gây đau bụng, tiêu chảy. Do bệnh lây lan qua tiếp xúc bàn tay hoặc nước bị nhiễm bệnh, nên có thể dễ dàng truyền từ người này sang người khác. Kiểm tra phân là cách chắc chắn nhất để biết bạn có bị bệnh Giardia hay không. Cần được điều trị bằng thuốc diệt ký sinh trùng đặc hiệu.

Ngộ độc thực phẩm

Bệnh do thực phẩm thường được lan truyền do rửa tay không sạch và sau đó dùng tay bẩn để xử lý thực phẩm. Trong khi ngộ độc thực phẩm có thể là do thực phẩm hư hỏng hoặc nấu chưa chín, nhưng cũng có thể do thực phẩm nhiễm bẩn phân từ tay bẩn. Các triệu chứng thông thường bao gồm: đau bụng chuột rút, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, ớn lạnh, đổ mồ hôi, đầy bụng và nhức đầu. Điều quan trọng là phải bù đủ nước điện giải và uống nhiều chất lỏng.

Cúm và viêm đường hô hấp trên


Rhinovirus là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh cúm và viêm đường hô hấp trên. Nếu bạn chạm vào một bề mặt mà ai đó đã hắt hơi hoặc bắt tay với một người ho vào lòng bàn tay của họ, bạn sẽ đối mặt với nguy cơ bị nhiễm Rhinovirus cao. Và tương tự như vậy, nếu bạn không rửa tay sau khi hắt xì hơi hoặc ho và bắt tay người khác, bạn có thể truyền virut cho họ.

Viêm kết mạc/đau mắt đỏ

Không rửa tay sau khi sử dụng nhà vệ sinh làm tăng nguy cơ bị đau mắt đỏ, là bệnh nhiễm trùng mắt rất dễ lây lan. Đau mắt đỏ cũng được gọi là bệnh viêm kết mạc, các triệu chứng bao gồm mắt đau và đỏ, mắt ngứa và tiết dịch xung quanh vùng mắt. Bạn cần đến bác sĩ để được điều trị. Nếu bạn bị đau mắt đỏ, nên tránh sờ vào vùng mắt và hãy rửa tay thường xuyên, nhất là sau khi thoa thuốc vào vùng mắt. Đừng bao giờ dùng chung khăn tắm hoặc khăn tay và ném bỏ khăn giấy sau mỗi lần sử dụng. Hãy thay khăn tắm hằng ngày; khử trùng tất cả các bề mặt, chẳng hạn như mặt trên của bồn rửa vệ sinh và tay nắm cửa. Đồng thời, bạn nên hạn chế tiếp xúc với những người khác cho đến khi bạn không còn nguy cơ lây nhiễm.


Nguyễn Thu
Ý kiến của bạn