Một số băn khoăn trong dùng thuốc ở người bệnh đái tháo đường

01-05-2023 06:35 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Bệnh đái tháo đường type 2 là do cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả như người bình thường.

Glucose đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe. Đây là nguồn năng lượng cho các tế bào hoạt động. Insulin cho phép glucose trong máu di chuyển vào các tế bào, cung cấp năng lượng cho cơ thể.

Tăng đường huyết thường do không có đủ insulin, hoặc do các tế bào kém nhạy cảm với insulin. Khi không có insulin, glucose không thể đi vào các tế bào mà bị tồn đọng trong máu.

Theo thời gian, lượng glucose dư thừa trong máu sẽ gây tổn thương mạch máu, có thể dẫn đến bệnh tim mạch. Điều này làm tăng nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ… Tình trạng này có thể dẫn đến các vấn đề về thị lực và làm hỏng thận. Thuốc có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu và giữ chúng ở mức bình thường.

Một số điều cần lưu ý khi dùng thuốc ở người bệnh đái tháo đường - Ảnh 1.

Người bệnh đái tháo đường dùng thuốc theo đơn của bác sĩ.

Dưới đây là một số băn khoăn liên quan đến thuốc trong quá trình sử dụng ở người bệnh đái tháo đường:

1. Thuốc trị đái tháo đường có tương tác với thuốc tim mạch không?

Người bệnh đái tháo đường thường mắc kèm các bệnh về tim mạch. Do đó việc sử dụng các thuốc này đồng thời rất dễ xảy ra.
TS. Amanda Adler, Viện Khoa học chuyển hóa thuộc Bệnh viện Addenbrooke (Cambridge, Anh) cho biết, hầu hết các loại thuốc tim mạch phổ biến đều an toàn khi dùng cùng với thuốc điều trị bệnh đái tháo đường type 2.

Tuy nhiên, một số loại cần dùng một cách thận trọng. Ví dụ, thuốc chẹn beta, có thể che giấu các triệu chứng của lượng đường trong máu thấp, như run và đổ mồ hôi... Người bệnh có thể không gặp những triệu chứng này, vì thuốc chẹn beta có thể ngăn chặn hoạt động của adrenaline (adrenaline gây tăng đường huyết).

2. Khi dùng thuốc trị đái tháo đường, có cần tránh ăn đường không?

Tuân thủ chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa bệnh đái tháo đường type 2 hoặc giúp kiểm soát lượng đường trong máu (nếu đã mắc bệnh). Nếu bạn bị đái tháo đường, không cần phải cắt bỏ đường hoàn toàn, nhưng hãy lưu ý về lượng bạn tiêu thụ.

Nếu chúng ta không để ý sẽ tiêu thụ nhiều đường hơn mức khuyến nghị, từ các loại thực phẩm như đồ uống có đường, bánh ngọt, bánh quy và mứt, cũng như lượng đường chúng ta tự thêm vào thức ăn.

3. Tác dụng phụ thường gặp của thuốc trị đái tháo đường là gì?

- Hạ đường máu: TS. Amanda Adler cho biết, một số loại thuốc, chẳng hạn như gliclazide, có thể gây ra lượng đường trong máu thấp (giảm đường máu). Nếu người bệnh gặp phải bất lợi này, tốt nhất nên trao đổi với bác sĩ để có thể chuyển sang một loại thuốc khác phù hợp hơn.

Lượng đường trong máu thấp có thể làm người bệnh mệt mỏi, run rẩy chân tay, lo lắng, bồn chồn, ảnh hưởng đến trí nhớ và suy nghĩ, nguy hiểm hơn có thể khiến người bệnh bất tỉnh…

- Tăng cân: Là một tác dụng phụ phổ biến của thuốc trị đái tháo đường. Khi thuốc kích thích tụy tiết ra insulin, càng nhiều insulin trong cơ thể nghĩa là càng nhiều đường trong máu được chuyển thành chất béo...

Một số điều cần lưu ý khi dùng thuốc ở người bệnh đái tháo đường - Ảnh 2.

Hạ đường máu là một tác dụng phụ của thuốc trị đái tháo đường.

4. Tại sao tôi chưa được kê đơn insulin?

Nếu cơ thể đang tạo ra đủ insulin để giữ cho lượng đường trong máu ở mức bình thường hoặc đủ nhạy cảm với insulin để sử dụng insulin đúng cách thì bạn không cần dùng thêm insulin.

Nếu thuốc và thay đổi lối sống không hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị tiêm insulin. Để trì hoãn điều này, điều quan trọng người bệnh phải hoạt động thể chất và giảm cân nếu cần.

5. Có thể ngừng thuốc khi lượng đường trong máu bình thường?

Nhiều trường hợp mắc bệnh đái tháo đường type 2 là do các yếu tố lối sống, chẳng hạn như thừa cân. Các yếu tố lối sống cũng là yếu tố nguy cơ đối với các tình trạng nghiêm trọng khác, chẳng hạn như bệnh tim mạch và một số bệnh ung thư.

Thực hiện những thay đổi tích cực, chẳng hạn như ăn một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh và duy trì hoạt động thể chất... giúp lượng đường trong máu có thể trở lại trong phạm vi bình thường mà không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, nếu bác sĩ khuyên bạn nên tiếp tục dùng thuốc, điều quan trọng là phải dùng thuốc thường xuyên, liên tục…

Nếu không dùng thuốc đều đặn, không duy trì những thay đổi tích cực trong cuộc sống... bạn sẽ luôn có nguy cơ tăng lượng đường trong máu cao trong tương lai.

6. Một số thuốc trị đái tháo đường và công dụng của chúng

Nhóm thuốc

Ví dụ

Tác dụng

Lưu ý

Thuốc ức chế alpha-glucosidase

Acarbose

Ngăn ruột phân hủy carbohydrate thành glucose, giúp ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng lên.

Có thể gây tiêu chảy và đầy hơi

Biguanide

Metformin

Làm cho cơ thể nhạy cảm hơn với insulin của chính nó

Thuốc được lựa chọn để điều trị bệnh đái tháo đường type 2.

Thuốc ức chế DPP-4

Saxagliptin, Sitagliptin

Ức chế hoạt động men DPP-4, làm tăng GLP-1, làm giảm đường huyết do kích thích tiết insulin và ức chế tiết glucagon

Thuốc ức chế DPP-4 có thể được sử dụng dưới dạng đơn trị liệu ở những bệnh nhân không dung nạp hoặc có chống chỉ định với metformin, chẳng hạn như bệnh nhân bị bệnh thận mãn tính, đặc biệt là những người có nguy cơ cao bị hạ đường huyết.

Chất chủ vận GLP-1

Exenatide

Kích thích tuyến tụy sản xuất nhiều insulin

Làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày, khiến một số người ăn ít hơn.

Thuốc ức chế SGLT2

Dapagliflozin, Canagliflozin

Glucose trong nước tiểu thường được tái hấp thu ở thận. Những loại thuốc ngăn chặn điều này xảy ra.

Có thể gây giảm cân; gây nấm ở dương vật hoặc âm đạo

Sulfonylurea

Gliclazide

Kích thích tuyến tụy sản xuất nhiều insulin

Đôi khi được kê đơn với metformin để giúp kiểm soát lượng đường trong máu

Thiazolidinediones

Pioglitazon

Làm cho cơ thể nhạy cảm hơn với insulin của chính nó

Có thể liên quan đến tăng cân

Thuốc giảm đau phổ biến liên quan đến suy tim ở người đái tháo đường type 2Thuốc giảm đau phổ biến liên quan đến suy tim ở người đái tháo đường type 2

SKĐS - Những người mắc đái tháo đường type 2 cần tham khảo ý kiến bác sĩ về những lợi ích và rủi ro trước khi dùng các thuốc giảm đau NSAID như ibuprofen. Điều này càng đặc biệt quan trọng đối với người lớn tuổi hoặc bệnh đái tháo đường của họ không được kiểm soát tốt.

Mời độc giả xem thêm video:

7 lợi ích của vitamin C

DS. Hoàng Thu
Ý kiến của bạn