Một số bài thuốc từ hạt vải

SKĐS - Quả vải là loại trái cây phổ biến, được yêu thích trong mùa hè. Vải giàu vitamin và dưỡng chất tốt cho sức khỏe như vitamin A, B, C, đồng, folate, magiê... Tuy nhiên, ít người biết hạt vải cũng là vị thuốc quý phòng trị nhiều bệnh.

Kết quả nghiên cứu cho thấy: hạt vải có tác dụng ức chế kháng nguyên bề mặt của virut viêm gan B, ngăn ngừa hình thành sỏi mật, có khả năng trị một số thể bệnh đau dạ dày. Cải thiện quá trình chuyển hóa đường nên phòng và trị đái tháo đường, ngăn ngừa các biến chứng ở thận ở người đái tháo đường; cơ chế tác dụng với đường huyết tương tự tác dụng của nhóm biguanide (metformin).

Lệ chi hạch (hạt vải khô) trị sa tinh hoàn, đau bụng kinh, đau bụng sau sinh.

Lệ chi hạch (hạt vải khô) trị sa tinh hoàn, đau bụng kinh, đau bụng sau sinh.

Hạt vải còn có tên lệ chi hạch, đại lệ hạch… Lệ chi hạch là hạt khô của quả vải (Litchi sinensis Radlk.), thuộc họ bồ hòn (Sapidaceae).

Về thành phần hóa học, hạt vải có saponin, tannin, ỏ-methylencyclo-propyl glycin, chất béo…  Theo Đông y, hạt vải vị ngọt chát, tính ôn; vào kinh can và thận. Có tác dụng lý khí chỉ thống, khu hàn, tán trệ. Trị hàn sán phúc thống, dịch hoàn sưng đau, can khí uất trệ, vị quản cửu thống, khí trệ huyết ứ, đau bụng trước kỳ kinh và đau sau khi sinh. Liều dùng: 6 - 12g. Sao với nước muối hoặc sao tồn tính để dùng.

Một số bài thuốc có hạt vải:

Hành khí giảm đau:

Bài 1: hạt vải sao đen, đại hồi sao liều lượng bằng nhau, nghiền bột. Mỗi lần uống 4 -8g, ngày uống 3 lần, chiêu với rượu ấm. Trị đau bụng dưới, sa tinh hoàn.

Bài 2: hạt vải 12g, xuyên tiêu 4g, đại hồi 4g, tiểu hồi 2g, xuyên luyện tử 12g, mộc hương 4g, thanh diêm 2g, muối ăn 2g. Các vị nghiền bột. Mỗi lần uống 2g, ngày uống 2 lần, chiêu với nước đun sôi. Trị đau bụng dưới, sa tinh hoàn, dịch hoàn sưng đau.

Bài 3: Bột quyên thống: hạt vải đốt tồn tính 20g, hương phụ sao 60g. Các vị nghiền chung thành bột. Mỗi lần uống 8g, ngày uống 3 lần, chiêu bằng nước muối loãng hoặc nước đun sôi. Trị đau bụng khi thấy kinh hoặc sau khi đẻ đau bụng.

Bài 4: hạt vải, trần bì, hồi hương liều lượng bằng nhau. Tán bột. Mỗi lần uống 4 - 6g với rượu. Trị tinh hoàn sưng đau.

Phòng và trị đái tháo đường týp 2: hạt vải sấy khô tán mịn. Ngày dùng 2 - 3 lần, mỗi lần 10 - 20g, uống trước bữa ăn 30 phút. Uống liền 3 tháng.

Chữa đau dạ dày mạn tính:

Bài 1: hạt vải nghiền bột. Mỗi lần uống 8g, pha với giấm. Trị đau dạ dày do can vị bất hòa.

Bài 2: hạt vải 3g, mộc hương 2g. Nghiền thành bột. Uống với nước ấm hay rượu loãng. Ngày dùng 3 lần. Chữa đau dạ dày.

Phòng và trị sỏi mật: hạt vải 20g, hạt quýt 15 - 20g, trần bì 10g, hồng táo 2-3 quả. Hãm hay sắc uống trong ngày.


TS. Nguyễn Đức Quang
Ý kiến của bạn