Hà Nội

Một số bài thuốc trị viêm tai giữa

19-10-2015 14:00 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Viêm tai giữa là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc của tai giữa. Biểu hiện chung là đau tai, nghe kém, viêm mũi họng, chảy nước mũi, ho, sốt, ở trẻ nhỏ...

Viêm tai giữa là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc của tai giữa. Biểu hiện chung là đau tai, nghe kém, viêm mũi họng, chảy nước mũi, ho, sốt, ở trẻ nhỏ kèm theo chứng trào ngược thực quản, người lớn cảm thấy đầy nặng trong tai, có cảm giác óc ách hoặc cảm giác có gì lăn đi, lăn lại trong tai hoặc ù tai...

Y học cổ truyền gọi viêm tai giữa là nhĩ nông. Tai là nơi khai khiếu của thận, thận khí thông ra tai; kinh thiếu dương đởm và tam tiêu đều nằm trong tai. Các bệnh ở tai thể cấp tính thường do thực nhiệt ở can, đởm, tam tiêu; bệnh mạn tính do hư nhiệt ở thận.Tùy từng thể bệnh mà dùng bài thuốc thích hợp như sau:

Thể cấp tính: do phong nhiệt, nhiệt độc xâm phạm vào can, đởm.

Biểu hiện: sốt, đau tai, ù tai, đau trong tai, chảy mủ tai, vàng, đặc có dính máu, mạch huyền xác, rêu lưỡi vàng.

Một số bài thuốc trị viêm tai giữa
Một số bài thuốc trị viêm tai giữa

Dùng một trong các bài thuốc sau:

Bài 1: Sài hồ thanh can thang: sài hồ 12g, long đởm thảo 12g, hoàng cầm 12g, chi tử 12g, bạc hà 6g, kim ngân hoa 20g, ngưu bàng tử 12g, sinh địa16g, đan bì 12g. Sắc uống ngày 1thang.

Bài 2: Long đởm tả can thang: long đởm thảo 12g, hoàng cầm 12g, chi tử 8g, đương quy 8g, cam thảo 4g, mộc thông 12g, sa tiền tử 12g, trạch tả 12g, sinh địa 12g. Sắc uống.

Gia giảm: Nếu sốt cao, mặt đỏ, lưỡi đỏ, ra mủ có máu thêm kim ngân hoa 16g, liên kiều 12g; nếu táo bón thêm đại hoàng 6g; nếu tai đau nhức nhiều nhưng sốt nhẹ, mủ ra ít bỏ sinh địa, thêm ý dĩ 16g, thuyền thoái 6g, thạch xương bồ 6g, thương truật 6g.

Thể mạn tính: do thận hư hay âm hư hỏa viêm, bệnh kéo dài gây nên tỳ hư thấp nhiệt.

Do thận hư hay âm hư hỏa viêm:

Biểu hiện: mủ ra thường xuyên, mủ loãng, tai ù, nghe kém, đau mắt, chóng mặt, ngủ ít, lưng gối đau mỏi, rêu lưỡi ít, mạch tế sác.

Dùng một trong các bài thuốc sau:

Bài 1: Tri bá địa hoàng thang: thục địa 12g, sinh phù 8g, hoài sơn 16g, tri mẫu 8g, trạch tả 8g, đan bì 8g, phục linh 8g, hoàng bá 8g. Sắc uống ngày một thang. Hoặc hoàn viên, uống ngày 3 lần, mỗi lần 6g. Uống 10 ngày là một liệu trình.

Bài 2: Đại bổ âm hoàng: hoàng bá 12g, chi mẫu 12g, thục địa 16g, quy bản 16g. Sắc uống ngày một thang. Hoặc hoàn viên, uống ngày 3 lần, mỗi lần 6g. Uống 10 ngày là một liệu trình.

Do tỳ hư hay gặp ở trẻ bị viêm tai giữa mạn tính

Biểu hiện: chảy mủ loãng kéo dài, sắc mặt vàng bủng, ăn kém, chậm tiêu, đại tiện loãng, mệt mỏi, mạch hoãn nhược.

Dùng một trong các bài thuốc sau:

Bài 1: Thanh tỳ thang: hoàng liên 8g, biển đậu 8g, thuyền thoái 4g, sơn dược 12g, bạch thược 8g, phục linh 8g, trạch tả 12g, cốc ma 8g.

Bài 2: Sâm linh bạch truật tán: đẳng sâm 12g, bạch truật 8g, phục linh 8g, cam thảo 4g, sơn dược 16g, biển đậu 16g, hoàng liên 8g, ý dĩ 12g, sa nhân 8g, liên nhục 12g, trần bì 8g, cát cánh 8g, hoàng bá 8g.

Bài 3: Bổ trung ích trí thang: đẳng sâm 12g, hoàng kỳ 12g, bạch truật 12g, đương quy 8g, cam thảo 4g, trần bì 6g, sài hồ 12g, thăng ma 8g, hoàng bá 8g, hoàng liên 8g, phục linh 12g.

Các bài thuốc trên tán bột mịn, uống ngày 3 lần, mỗi lần 6g. Uống 10 ngày là một liệu trình.

Thuốc dùng ngoài:

Bài 1: hoàng liên 16g, băng phiến 0,6g, bằng sa 1,2g.

Bài 2: phèn phi 16g, băng phiến 0,6g, xác rắn đốt tán nhỏ 4g.

Dùng 1 trong 2 bài thuốc trên, tán bột nhỏ, rắc ngày một lần sau khi vệ sinh sạch tai bằng nước muối.

BS. Phạm Đức Dương

 


Ý kiến của bạn