1. Tác dụng của củ bình vôi
Theo ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh, củ bình vôi còn có tên gọi khác là củ một, củ mối trôn, ngải tượng, tử nhiên, cà tom.
Tên khoa học Stephania rotunda Lour. [Stephania glabra (Roxb.) Miers.].
Bình vôi hay củ bình vôi (Tuber Stephaniae rotunda) là phần thân phình ra thành củ của cây bình vôi Stephania rotunda Lour.
Năm 1940, Bùi Đình Sang đã chiết từ củ bình vôi mọc ở Việt Nam các chất tinh bột, đường khử oxy, acid malic, men oxydaza và một alcaloid với tỉ lệ 1,2 đến 1,5% (tính trên củ tươi), được Bùi Đình Sang đặt tên là rotundin.
Trên lâm sàng rotundin được áp dụng rộng rãi từ năm 1944 và trong suốt kháng chiến chống Pháp để điều trị có kết quả một số trường hợp đau tim, mất ngủ, hen, đau bụng, lỵ amip. Tác dụng rõ rệt nhất là ngủ và an thần.
2. Bài thuốc trị bệnh từ củ bình vôi
Cũng theo ThS.BS. Nguyễn Quang Dương, một số bài thuốc trị bệnh từ củ bình vôi như sau:
- Trị mất ngủ do suy nhược thần kinh: Bình vôi 12g, lạc tiên 12g, vông nem 12g, liên tâm 6g, cam thảo 6g.
Sắc uống, ngày một thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
- Chữa bệnh đường tiêu hóa, viêm dạ dày: Bình vôi, dạ cẩm, khổ sâm, xa tiền tử, mỗi vị 12g. Sắc uống, ngày một thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
- Trị bệnh đường hô hấp, đau họng, viêm phế quản: Bình vôi, huyền sâm, cát cánh, mỗi vị 12g, trần bì 10g.
Sắc uống, ngày một thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
- Trị bệnh động kinh, thần kinh căng thẳng: Bình vôi, câu đằng, thiên ma, viễn chí, mỗi vị 12g. Sắc uống, ngày một thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
ThS.BS. Nguyễn Quang Dương cũng lưu ý, bình vôi là vị thuốc dân gian quý, nó ít độc tính, và dễ sử dụng. Tuy nhiên cũng cần theo sự chỉ dẫn của bác sĩ vì liều dùng của thuốc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Liều cao gây hạ áp tư thế đứng và ức chế thần kinh mạnh (say thuốc).
Xem thêm video đang được quan tâm:
Nước tiểu đục là dấu hiệu bệnh gì ở nam giới?