Hà Nội

Một số bài thuốc nam trị viêm họng

SKĐS - Thời tiết giao mùa chuyển lạnh, khiến nhiều người dễ mắc viêm họng. Có thể ứng phó với tình trạng này bằng một số phương pháp của y học cổ truyền.

Một số bài thuốc nam trị viêm họng - Ảnh 1.

Họng là ngã tư của đường ăn và đường thở, là nơi giao nhau giữa khí quản với thực quản, nên các bệnh ở họng có liên quan mật thiết đến các bệnh ở phế (phổi) và vị (dạ dày).

Viêm họng là hiện tượng niêm mạc họng bị tổn thương và viêm nhiễm do nhiều nguyên nhân. Các tác nhân phổ biến là virus, vi khuẩn, hóa chất độc hại và môi trường ô nhiễm.

Theo y học cổ truyền, viêm họng thuộc chứng hầu tý, có hai thể: Cấp tính và mạn tính.

Chữa viêm họng bằng y học cổ truyền - Ảnh 2.

Hình ảnh viêm họng.

1.Viêm họng cấp tính

- Triệu chứng: Họng đỏ khô, đau rát, niêm mạc họng hơi phù nề, sung huyết kèm theo sốt nhẹ, nhức đầu.

- Phương pháp chữa: Sơ phong, thanh nhiệt, hóa đàm.

- Bài thuốc:

Bài 1: Kinh giới 12g, tía tô 12g, kim ngân 12g, huyền sâm 12g, bạc hà (cho sau) 8g, cỏ nhọ nồi 8g, xạ can 4g, tang bạch bì 8g.

Sắc uống ngày 2 lần. Trước khi rót thuốc ra 10 phút cho bạc hà vào. 

Chữa viêm họng bằng y học cổ truyền - Ảnh 3.

Vị thuốc huyền sâm chữa viêm họng.

Bài 2 - Ngân kiều tán gia giảm: Kinh giới 12g, kim ngân 20g, liên kiều 12g, cát cánh 4g, cam thảo 4g, ngưu bàng tử 12g, cương tàm 8g, bạc hà (cho sau) 6g, sinh địa 12g, huyền sâm 12g. Sắc uống ngày 2 lần.

Bài 3: Phòng phong 12g, kinh giới 16g, cát cánh 12g, ngân hoa 10g, tang diệp 10g, tế tân 4g, quế 4g, xạ can 8g, thiên niên kiện 8g, cam thảo 8g. Sắc uống ngày 2 lần.

Bài 4: Lá khế tươi 30 – 50g, muối ăn 1g. Giã nát lá khế với muối, vắt lấy nước, ngậm dần, mỗi lần khoảng 1 ml. Có thể cho khoảng 5 ml nước đun sôi và vắt kiệt lấy nước. Mỗi đợt ngậm 3 – 4 ngày cho đến khi khỏi.

Bài 5: Rễ cây tranh yên 10g, cây nhài quạt (sao qua) 15g. Sắc uống; nếu đau họng nhiều uống ít một, nhiều lần trong ngày. Dùng 5 – 7 ngày. Chữa viêm họng và yết hầu.

Châm cứu: Châm thiên đột, hợp cốc, liệt khuyết, khúc trì.

Chữa viêm họng bằng y học cổ truyền - Ảnh 4.

Cỏ nhọ nồi.

2. Viêm họng mạn tính

- Triệu chứng: Họng khô, cảm thấy khó chịu, niêm mạc họng có những điểm sưng huyết màu đỏ nhạt hoặc có những hạt lâm ba rải rác (viêm họng hạt).

- Phương pháp chữa: Dưỡng âm, thanh nhiệt, hóa đàm.

- Thuốc:

Bài 1: Sinh địa 16g, huyền sâm 16g, mạch môn 12g, tang bạch bì 12g, cam thảo nam 12g, xạ can 6g, kê huyết đằng 12g, thạch hộc 12g, cương tằm 8g. Sắc uống ngày 2 lần.

Bài 2 - Sa sâm mạch môn thang gia giảm: Sa sâm 16g, mạch môn 12g, hoàng cầm 12g, tang bạch bì 12g, thiên hoa phấn 12g, cát cánh 4g, cam thảo 4g. 

Nếu họng khô, thêm thạch hộc 16g, huyền sâm 12g; có đờm khó khạc thêm qua lâu nhân 8g, bối mẫu 6g. Sắc uống ngày 2 lần.

- Châm cứu: Châm thiên đột, xích trạch, thái uyên, túc tam lý, tam âm giao.

Ngoài ra, để hỗ trợ điều trị viêm họng người bệnh có thể sử dụng các món ăn bài thuốc hoặc xoa bóp bấm huyệt cho kết quả tốt.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Chính thức công bố cấp độ dịch COVID-19 trên toàn TP. HCM.


TS. Nguyễn Đức Quang
Ý kiến của bạn