Hoàng cầm tên khoa học Scutellaria baicalensis Georg; thuộc họ Hoa môi Lamiaceae (Labiatae).
Hoàng cầm (Radix Scutellariae) là rễ phơi hay sấy khô của cây hoàng cầm Scutellaria baicalensis Georg.
Trong hoàng cầm có tinh dầu, các dẫn xuất flavon: Scutelarin (hay woogonin) và baicalin. Chất scutelarin có cả trong lá, rễ và thân 8,4-10,3%, chất baicalin chỉ có trong rễ. Ngoài ra, còn có tanin và chất nhựa.
1. Tác dụng dược lý của hoàng cầm
Theo sách "Những cây thuốc, vị thuốc Việt Nam" của GS.TS. Đỗ Tất Lợi hoàng cầm có các tác dụng dược lý sau:
Tác dụng hạ huyết áp
Tác dụng hạ huyết áp này có thể do ảnh hưởng của hoàng cầm đối với thần kinh thực vật. Căn cứ vào thí nghiệm trên động vật (chó) thì tác dụng hạ huyết áp này một phần do tác dụng trấn tĩnh đối với trung khu thần kinh, một phần do tác dụng trực tiếp đối với huyết quản.
Tác dụng kháng sinh: Các nghiên cứu cho thấy, hoàng cầm có khả năng ức chế một số loại vi khuẩn như: Vi khuẩn bạch hầu Streptococcus hemolytic A. Staphylococcus aureus, tả, phó thương hàn, colibacile, Streptococcus hemolytic B, lao...
Ngoài ra, hoàng cầm cón có tác dụng lợi tiểu ...
2. Công dụng và liều dùng
Theo tài liệu cổ: Hoàng cầm vị đắng tính hàn, vào 5 kinh tâm, phế, can, đởm và đại tràng; có tác dụng tả phế hỏa, thanh thấp nhiệt. Dùng chữa hàn nhiệt vãng lại, phế nhiệt sinh ho, tả lỵ đau bụng, thấp nhiệt da vàng, đầu nhức, tả lỵ đau bụng, mắt đỏ, đau, động thai.
Liều dùng mỗi ngày 6 đến 15g sắc với nước chia 3 lần uống trong ngày, có thể dùng bột.
3. Một số bài thuốc chữa bệnh có hoàng cầm
BS. Nguyễn Thành Vương – Khoa Y học cổ truyền Trường đại học Y Hà Nội cho biết, trong đông y hoàng cầm là một vị thuốc mát chữa sốt, cảm mạo, ho cảm, cầm máu, kinh nguyệt quá nhiều. Dưới đây là một số bài thuốc chữa bệnh có hoàng cầm như sau:
- Trị sốt cao, miệng đắng, đau bụng: Hoàng cầm, bạch thược mỗi vị 9g; cam thảo 6g; đại táo 8g. Sắc uống. Ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
- Trị viêm ruột cấp tính, lỵ: Hoàng cầm 12g, bạch thược 9g, cam thảo 6g, đại táo 16g. Sắc uống, ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm , trước bữa ăn.
- Trị lỵ trực khuẩn: Hoàng cầm 30g; hoàng bá, uy linh tiên, đan sâm, mỗi vị 15g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần, uống trước bữa ăn, khi thuốc còn ấm.
- Trị chứng đại tiện lỏng nhiều lần, suyễn, ra mồ hôi, mạch sác, do lý nhiệt kiêm biểu tà: Hoàng cầm, hoàng liên, chích thảo, mỗi vị 8g; cát căn 32g. Sắc uống, ngày 1 thang chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm. Uống trước bữa ăn.
- Trị chứng lúc nóng, lúc rét, ngực sườn đầy tức, miệng đắng, mắt hoa, nhức đầu, buồn nôn, mạch huyền: Hoàng cầm 8g, sài hồ 12g, nhân sâm, bán hạ (chế), mỗi vị 4g; sinh khương, cam thảo mỗi vị 6g; đại táo 16g. Sắc uống, ngày 1 thang chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm. Uống trước bữa ăn.
Lưu ý: Dù là thảo dược hay các vị thuốc nam, thuốc bắc cũng cần phải có thang có liều và dựa vào từng thể trạng, thể bệnh nhất định. Vì vậy để sử dụng như một phương thuốc cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Uống trà tâm sen mỗi ngày có tốt không?