Một số bài tập tốt cho người bệnh sùi mào gà

20-05-2024 07:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Tập luyện đúng cách có thể giúp người bệnh sùi mào gà tăng sức đề kháng, đẩy lùi virus gây bệnh, đồng thời ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm....

1. Vai trò của tập luyện đối với người bệnh sùi mào gà

Sùi mào gà là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục do virus HPV gây ra. Ở nam giới, tổn thương sùi mào gà có thể xuất hiện ở dương vật, vành qui đầu, hãm dương vật, mặt trong bao qui đầu, bìu.

Ở phụ nữ, tổn thương ở hãm môi âm hộ, môi bé, môi lớn, âm vật, lỗ niệu, vùng đáy chậu, hậu môn, tiền đình âm đạo, âm môn, màng trinh, âm đạo và mặt ngoài cổ tử cung. Sùi mào gà có thể thấy ở bẹn, vùng đáy chậu và hậu môn.

Bệnh có thể gây cảm giác ngứa ngáy, bỏng rát, đau, thậm chí chảy máu khi quan hệ tình dục. Ngoài việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh sùi mào gà cần có biện pháp chăm sóc đúng cách phù hợp nhằm hạn chế nguy cơ tổn thương lan rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong đó, nên tập trung vào việc nâng cao sức đề kháng bằng cách tăng cường vận động, dinh dưỡng khoa học. Mặc dù không có tác dụng điều trị trực tiếp, nhưng việc này sẽ giúp đẩy lùi virus gây bệnh, đồng thời ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm.

2. Một số bài tập phù hợp với người bệnh sùi mào gà

Người bệnh sùi mào gà hoàn toàn có thể tập luyện bình thường nếu không gặp các triệu chứng quá khó chịu. Việc tập luyện thể dục thể thao không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ đẩy lùi mầm bệnh. Sau quá trình tập luyện, người bệnh nên chú ý yếu tố vệ sinh bằng cách sử dụng dung dịch rửa vùng kín có độ pH trung bình, tắm rửa thường xuyên, thay quần áo; không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác để tránh nguy cơ lây bệnh.

2.1. Đi bộ

Đi bộ là một hình thức vận động nhẹ nhàng, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch và hệ miễn dịch. Thường xuyên đi bộ có lợi cho hệ thống miễn dịch bằng cách giúp các tế bào miễn dịch hoạt động hiệu quả, tăng lưu lượng máu, giảm căng thẳng và viêm nhiễm, đồng thời tăng cường kháng thể.

Một số bài tập tốt cho người bệnh sùi mào gà- Ảnh 1.

Duy trì thói quen đi bộ có thể tăng sức đề kháng, giúp cơ thể chống lại virus gây bệnh sùi mào gà.

2.2. Tập yoga

Yoga không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tinh thần mà còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu bạn là người mới bắt đầu làm quen với bộ môn này, tốt nhất nên tham gia một lớp học với sự hướng dẫn trực tiếp của các huấn luyện viên, nhằm đảm bảo tập đúng kỹ thuật, hạn chế chấn thương. Khi đã nắm được các nguyên tắc cơ bản trong yoga, bạn có thể tự tập một số bài tập yoga cơ bản như sau:

- Tư thế cánh cung: Nằm sấp trên thảm, tay xuôi theo chân, thả lỏng hông. Sau đó, gập 2 chân, 2 tay nắm lấy mắt cá chân, ưỡn ngực. Từ từ nâng cao trán, ngực và đùi. Giữ tư thế này khoảng 30 giây rồi trở lại tư thế ban đầu.

- Tư thế rắn hổ mang: Nằm úp trên thảm, hai bàn tay úp lại, đặt ngang ngực, hai chân duỗi thẳng. Sau đó, từ từ nâng ngực lên, phần thân trên (bụng, ngực và đầu) nhấc khỏi mặt đất. Giữ tư thế này 30 giây, sau đó thở ra và trở về tư thế ban đầu.

- Tư thế châu chấu: Nằm sấp xuống thảm, hai chân duỗi thẳng, mu bàn chân úp xuống đất. Đặt hai tay xuống sàn, bên cạnh ngực và duỗi căng khuỷu tay, từ từ nâng người lên. Hóp cằm vào và giữ nguyên như vậy trong khoảng 30 giây rồi trở về tư thế ban đầu.

2.3. Bài tập aerobic

Các bài tập aerobic có thể giúp tăng số lượng tế bào miễn dịch như tế bào T và tế bào tiêu diệt tự nhiên trong máu. Tế bào T đóng một vai trò thiết yếu trong hệ thống vì là một trong những cơ quan phản ứng đầu tiên với nhiễm trùng và các tế bào tiêu diệt tự nhiên lưu thông trong máu để phát hiện các tế bào bị nhiễm bệnh.

Số lượng tế bào miễn dịch ngày càng tăng có thể xây dựng một tuyến phòng thủ mạnh mẽ hơn cho hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, tập aerobic còn giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm stress…

3. Những lưu ý khi tập thể dục ở người bệnh sùi mào gà

- Tránh tập thể dục nếu bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc gặp bất kỳ triệu chứng đau, khó chịu: Để đảm bảo việc tập luyện đúng cách, bạn cần tự theo dõi sức khỏe của chính mình. Nếu quá mệt mỏi, tốt nhất không nên tham gia vận động, tránh hại sức khỏe.

- Đảm bảo duy trì vệ sinh cá nhân: Giữ vệ sinh cá nhân để ngăn ngừa tổn thương lan rộng. Bạn nên tắm rửa và thay quần áo sau khi tập luyện.

- Uống đủ nước: Đổ mồ hôi trong và sau quá trình tập luyện có thể khiến bạn mất nước. Do đó, cần uống nhiều nước để đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể.

- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh: Người bệnh sùi mào gà không nên ăn thực phẩm cay nóng, chiên rán, đồ ăn chế biến sẵn… Chú ý tăng cường rau xanh, trái cây, chất đạm lành mạnh. Đặc biệt chú ý các vitamin nhóm B, C và các chất chống oxy hóa mạnh như tỏi, hành…

Mời bạn đọc xem thêm:

Sùi mào gà: Nguyên nhân, triệu chứng, đường lây truyền, cách điều trị và phòng bệnhSùi mào gà: Nguyên nhân, triệu chứng, đường lây truyền, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Bệnh sùi mào gà là bệnh lây truyền qua đường tình dục hay gặp, do virus HPV gây nên. Bệnh lây chủ yếu do quan hệ tình dục không an toàn. Tuy nhiên, virus này cũng có thể lây qua một số đường tiếp xúc gián tiếp không qua quan hệ tình dục.

Thuốc điều trị sùi mào gàThuốc điều trị sùi mào gà

SKĐS - Sùi mào gà là một bệnh lây truyền qua đường tình dục, ảnh hưởng đến cả nam và nữ. Sùi mào gà là căn bệnh có tỷ lệ mắc và lây lan cao. Muốn chữa khỏi phải lựa chọn và sử dụng đúng thuốc và phương pháp điều trị.

Thực phẩm nào tốt cho người bệnh sùi mào gà?Thực phẩm nào tốt cho người bệnh sùi mào gà?

SKĐS - Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và tăng cường sức đề kháng cho người bệnh sùi mào gà. Chế độ ăn không phù hợp có thể ảnh hưởng lớn tới hiệu quả điều trị.



ThS.BSCKII Nguyễn Trần Thành
Ý kiến của bạn