Hà Nội

Một số bài tập tốt cho người bệnh gout

03-04-2024 13:56 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tập thể dục, vận động thường xuyên rất có lợi cho sức khỏe, kiểm soát nồng độ acid uric và ngăn ngừa xuất hiện các triệu chứng của bệnh gout.

1. Vai trò của tập luyện với người bệnh gout

Tập thể dục ở những người bệnh gout mang lại nhiều lợi ích trong việc giảm viêm, tăng cường sức mạnh cơ bắp, duy trì cân nặng khỏe mạnh. Các bài tập giúp thúc đẩy quá trình làm lành vết thương nhanh hơn sau các đợt cấp của bệnh.

- Giảm viêm: Mặc dù tập thể dục không có tác dụng phá vỡ các tinh thể acid uric nhưng nó giúp giảm nồng độ acid uric và duy trì ở mức độ thấp trong cơ thể. Nghiên cứu cho thấy thực hiện các bài tập ở cường độ thấp đến trung bình làm giảm đáng kể tình trạng viêm so với tập thể dục ở cường độ cao.

- Giảm cân: Tăng cân và béo phì là nguyên nhân gây tăng nồng độ acid uric huyết thanh, là yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh gout. Người béo phì có nguy cơ mắc bệnh gout cao gấp 4 lần so với người bình thường. Chình vì vậy, tập luyện thể dục thể thao giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể, giảm nguy cơ bùng phát các đợt gout cấp.

- Tăng cường sức mạnh cơ bắp: Cơn đau làm vận động bị hạn chế, làm giảm mức độ hoạt động của khớp và cơ thể. Do đó các khớp có thể cứng lại và kém linh hoạt hơn. Tuân thủ tập luyện thể dục thể thao sẽ giúp người bệnh gout giữ được các khớp linh hoạt, tránh tình trạng cứng khớp.

Các bài tập tăng sức đề kháng cũng duy trì sức mạnh cơ bắp và tính toàn vẹn của khớp bằng cách giảm bớt căng thẳng cho khớp.

- Cải thiện chức năng tim mạch: Tập luyện thể dục thể thao không chỉ tốt cho hệ cơ xương mà còn có tác dụng tăng cường tuần hoàn máu, cải thiện sức khỏe tim mạch của người bệnh.

Một số bài tập tốt cho người bệnh gout- Ảnh 1.

Bài tập giãn cơ vai.

2. Những bài tập tốt cho người bệnh gout

Việc tập luyện thể dục thể thao nên phù hợp với thể trạng từng người. Người bệnh gout có thể tham khảo một số bài tập sau:

Bài tập giãn cơ

Giãn cơ có thể làm giảm sự tích tụ acid uric, cũng như sự linh hoạt cho các cơ, giảm đau, tạo cảm giác thoải mái cho người bệnh.

- Giãn cơ tay: Đan xen kẽ các ngón tay, giơ cánh tay qua đầu, đẩy lên cao và giữ 15 - 20 giây.

- Giãn cơ cánh tay, vai và ngực: Đặt hai cánh tay song song trước mặt, sau đó từ từ đưa ra sau. Khoanh tay phía sau lưng cho đến khi vai được mở rộng, giữ trong 30 giây rồi đưa về vị trí ban đầu. Lặp lại động tác khoảng 5 lần.

- Giãn cơ vai: Mở rộng hai cánh tay và hướng ra ngoài, kéo cánh tay ra sau tối đa.

- Giãn cơ đùi sau và bắp chân: Ngồi duỗi thẳng hai chân, hai tay đặt sát hông, từ từ gập phần thân trên sao cho đầu gần với gối, giữ nguyên 10 - 15 giây rồi trở về tư thế ban đầu.

Đi bộ

Đi bộ nhanh là bài tập tốt cho sức khỏe và dễ dàng áp dụng cho bệnh nhân gout. Bạn có thể bắt đầu với khoảng thời gian ngắn, quãng đường ngắn, sau đó tăng dần khoảng cách và thời gian để tăng cường khả năng vận động và thể lực.

Bơi lội và những môn thể thao dưới nước

Bơi lội, đi bộ dưới nước rất tốt cho những người mắc bệnh gout vì sức nổi của nước làm giảm áp lực lên khớp, thúc đẩy tuần hoàn máu, tăng cường chức năng tim phổi.

Đạp xe

Trong đợt cấp của bệnh, người bệnh gout thường đau ở các khớp ngón chân cái, khớp bàn chân, mắt cá chân, đôi khi là các khớp lớn như khớp gối… Khi đó, đạp xe sẽ là một bài tập giúp tăng cường cơ bắp chân, đồng thời cũng không gây quá nhiều căng thẳng lên các khớp đau.

Vì vậy, để kiểm soát bệnh gout và giảm thiểu các đợt cấp của bệnh, bạn có thể đạp xe đạp ngoài trời hoặc đạp xe tại chỗ. Nên đạp xe với cường độ vừa phải, khoảng 30 phút mỗi ngày để duy trì sức khỏe dẻo dai.

Một số bài tập tốt cho người bệnh gout- Ảnh 2.

Tập khí công phù hợp với người bệnh gout.

Khí công

Khí công là những bài tập nhẹ nhàng, tập trung vào hơi thở và sự dẻo dai của cơ khớp. Những chuyển động chậm, trôi chảy giúp cơ thể linh hoạt, điều hòa hơi thở và cải thiện tuần hoàn máu.

Yoga

Yoga cũng là một trong những bài tập tốt cho những người mắc bệnh gout. Ngoài tính linh hoạt, nó cũng giúp tăng cường khả năng di chuyển, sức mạnh và sự cân bằng. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, yoga có thể giúp cải thiện mức độ đau cho những người mắc bệnh gout.

Một số tư thế yoga tham khảo:

- Tư thế nằm ngửa: Nằm ngửa trên thảm, hai chân rộng ra hai bên mép thảm, mũi chân thả lỏng. Hai tay ngửa cách thân 45 độ, cổ thẳng hàng với cột sống, cằm hơi thu nhẹ về ức. Hít thở sâu 10 lần sau đó thả lỏng hơi thở, nằm hít thở nhẹ nhàng vài giây.

- Tư thế rắn hổ mang: Nằm úp xuống mặt thảm, lòng bàn tay đặt lên sàn nhà. Đẩy tay, ngóc đầu, cong lưng và nâng dần cột sống lên, giữ từ 10 - 20 giây. Sau đó lặp lại tư thế 3 - 4 lần.

- Tư thế em bé: Bắt đầu với tư thế quỳ, mở rộng đầu gối và hông, hít thở đều. Hít vào vươn hai tay lên cao, thả lỏng vai. Thở ra từ từ gập người về phía trước, hạ bụng, hạ ngực rồi hạ đầu xuống thảm. Giữ tư thế này 20 - 30 giây rồi từ từ nâng người lên. Lặp lại động tác 3 - 5 lần.

- Tư thế cái cung: Nằm sấp khép hai chân lại, buông hai tay xuôi theo thân, lòng bàn tay hướng lên trần, thả lỏng trán xuống thảm tập. Nhẹ nhàng gập 2 chân, 2 tay nắm lấy 2 mắt cá chân. Hít vào, ngóc đầu dậy, nâng ngực và chân lên khỏi sàn. Nhìn thẳng, thư giãn trong vòng 10 - 15 giây.

Thể dục nhịp điệu (aerobic)

Với người bệnh gout, các bài tập thể dục nhịp điệu (aerobic) nhẹ nhàng là rất phù hợp bởi không mất quá nhiều sức nhưng lại thúc đẩy quá trình điều trị bệnh tốt hơn. Thực hiện các bài tập aerobic 30 - 45 phút mỗi ngày giúp thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tăng đào thải acid uric và giảm nguy cơ hình thành các hạt tophi.

Hãy bắt đầu tập luyện 10 phút mỗi ngày và tăng dần thời gian luyện tập để cơ thể luôn linh hoạt.

Một số bài tập tốt cho người bệnh gout- Ảnh 3.

Uống nước giúp người bệnh gout đào thải acid uric ra khỏi cơ thể.

3. Những lưu ý khi tập luyện

- Trong thời gian đợt cấp của bệnh gout, bạn nên nghỉ ngơi, chườm đá và nâng cao chân. Không nên tập thể dục trong đợt cấp vì có thể làm trầm trọng thêm quá trình viêm ở các khớp.

- Tập thể dục ở cường độ thấp, tải trọng thấp có hiệu quả cho người bệnh gout. Nên tập trước và sau các đợt cấp. Không nên tập ở cường độ cao.

- Các bài tập phù hợp cho người bệnh gout như tập aerobic, đi bộ, đạp xe, bơi lội… có tác dụng tốt đến hệ tim mạch, kiểm soát nồng độ acid uric và trọng lượng cơ thể. Các bài tập dưới nước cũng làm giảm áp lực lên các khớp đau.

- Nên duy trì tập luyện ít nhất 150 phút/tuần với cường độ vừa phải để duy trì sức khỏe thể chất, cân nặng và sức khỏe tim mạch.-

Bổ sung nước đầy đủ 2 lít/ngày để tránh mất nước khi tập luyện. Nước giúp cơ thể vận chuyển chất dinh dưỡng, đào thải chất độc, duy trì thân nhiệt, đệm ở các khớp và mô. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng uống nước giúp thải acid uric ra khỏi cơ thể.

- Kết hợp tập luyện với chế độ giảm cân để duy trì cân nặng khỏe mạnh.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Biến chứng nặng của gout làm biến dạng và mất chức năng vận động của khớp.


BSNT. Hương Trà
Trường Đại học Y Hà Nội
Ý kiến của bạn