1. Lợi ích của các bài tập thể dục đối với bệnh nhân viêm niệu đạo
1.1. Những biến chứng nguy hiểm mà người viêm niệu đạo cần lưu ý
Viêm niệu đạo có thể xảy ra ở cả nam và nữ trong nhiều độ tuổi, nhưng tỷ lệ cao mắc phải tình trạng này ở độ tuổi sinh sản.
Viêm niệu đạo là bệnh do nhiễm trùng đường tiết niệu dưới khiến niệu đạo bị viêm nhiễm. Niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài cơ thể. Ở nam giới, ống dẫn này cũng là đường dẫn tinh.
Các triệu chứng chính khi bị viêm niệu đạo là cảm thấy đau hoặc nóng rát khi đi tiểu và muốn đi tiểu thường xuyên. Bên cạnh đó, người bệnh cũng thấy có dịch tiết lạ từ niệu đạo.
Theo DS. Lê Mỹ Trang chia sẻ trên Báo Sức khoẻ và Đời sống, viêm niệu đạo không được điều trị triệt để có thể dẫn đến các biến chứng nặng gây nguy hiểm như nhiễm trùng toàn thân, nhiễm trùng lây lan qua máu, có thể gây viêm nội tâm mạc và viêm màng não.
Ngoài ra, nếu không được điều trị, viêm niệu đạo có thể gây ra bệnh viêm vùng chậu ở phụ nữ, biểu hiện là đau dữ dội gần xương chậu và bụng dưới, khó chịu ở vùng xương chậu trong và chảy máu sau khi quan hệ tình dục.
Nữ giới cũng có nguy cơ bị nhiễm trùng bàng quang, viêm cổ tử cung nếu viêm niệu đạo không được điều trị triệt để. Bệnh cũng có thể lây truyền sang trẻ sơ sinh từ những bà mẹ bị nhiễm bệnh, dẫn đến trẻ bị nhiễm trùng tai giữa, viêm kết mạc, thậm chí là viêm phổi.
Để chẩn đoán và điều trị viêm niệu đạo, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Mục tiêu của điều trị viêm niệu đạo là loại bỏ nguyên nhân gây nhiễm trùng, ngăn ngừa sự lây lan và cải thiện các triệu chứng.
Người bị viêm niệu đạo đang điều trị nên tránh quan hệ tình dục hoặc sử dụng bao cao su khi giao hợp. Nếu nhiễm trùng là nguyên nhân gây viêm, bạn tình cũng cần phải được điều trị.
Điều trị viêm niệu đạo cần xác định chính xác tác nhân gây bệnh, sau đó điều trị bằng kháng sinh thích hợp, để tránh được nguy cơ kháng kháng sinh và lạm dụng kháng sinh.
1.2. Lợi ích của việc tập thể dục thường xuyên đối với người viêm niệu đạo
Thực hiện các bài tập tại nhà là một trong những phương pháp giúp cải thiện các triệu chứng khó chịu và những bất tiện trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày do bệnh viêm niệu đạo gây ra.
Bài tập thể dục giúp cải thiện sức khỏe cơ vùng chậu, tăng cường sự kiểm soát bàng quang giúp giảm số lần đi tiểu. Một nghiên cứu của Hiệp hội Tiết niệu châu Âu chỉ ra rằng những người thực hiện các bài tập thể chất thường xuyên có nguy cơ mắc viêm niệu đạo thấp hơn.
2. Một số bài tập hỗ trợ chữa viêm niệu đạo hiệu quả
Dưới đây là một số bài tập hỗ trợ cho người bệnh mắc viêm niệu đạo, bạn đọc có thể tham khảo:
2.1. Bài tập Kegel
Bài tập Kegel là một trong những bài tập được nhiều người áp dụng hiện nay. Mục đích của bài tập này nhằm giúp người tập tăng cường các cơ ở khu vực bàng quang từ đó giúp cải thiện hiệu quả viêm niệu đạo.
Để bắt đầu, bạn hãy thử thực hiện ngưng tiểu ngay giữa quá trình, nhờ cơ chế khép chặt của cơ sàn chậu, nước tiểu sẽ được chặn lại.
Khi tập Kegel, bạn cần lưu ý thắt chặt tại vị trí tương tự và giữ nguyên tư thể trong khoảng từ 10 - 15 giây, lặp đi lặp lại động tác này khoảng 3 - 5 lần liên tiếp. Sau đó, bạn tăng tần số lên khoảng 30 - 50 lần, kiên trì thực hiện 2 - 3 lần/ngày.
2.2. Bài tập cơ sàn chậu
Ngoài bài tập Kegel thì người bệnh có thể tham khảo thêm 2 bài tập tác động đến cơ sàn chậu dưới đây:
2.2.1. Co thắt cơn ngắn
Co thắt cơn ngắn giúp tạo nên sự co cơ nhanh chóng ở vùng chậu. Do đó, người bệnh cần siết cơ càng nhanh càng tốt thay vì tập trung vào việc giữ cơ co, sau đó giải phóng cơ.
Cách thực hiện: Trước tiên bạn hít một hơi thật sâu sau đó thở ra, đồng thời siết chặt cơ sàn chậu thật nhanh, sau đó là hít vào và giải phóng cơ. Thực hiện động tác này 10 lần. Nghỉ 3 - 5 phút sau đó tiếp tục thực hiện động tác này khoảng 10 - 20 lần nữa. Bạn nên kiên trì thực hiện bài tập này 2 lần/ngày để thấy được hiệu quả.
2.2.2. Co thắt cơn dài
Co thắt cơn dài nhằm giúp người tập đạt đến mục tiêu co thắt sàn chậu với thời gian kéo dài khoảng 10 giây.
Cách tiến hành: Người tập siết chặt các cơ sàn chậu, đồng thời giữ ở tư thế này càng lâu càng tốt. Lúc đầu, bạn có thể siết cơ được khoảng 3 - 5 giây, dần dần bạn tăng thời gian siết cơ với tần suất 10 lần/bộ. Thực hiện 3 bộ/lần. Khoảng nghỉ giữa các lần tập là 3 - 5 phút.
2.3. Bài tập Squat
Squat là một bài tập tác động đến nhiều nhóm cơ lớn trong cơ thể. Đây cũng được đánh là một trong số những bài tập hỗ trợ chữa viêm niệu đạo.
Cách thực hiện: Người tập ở tư thế đứng thẳng, hai chân rộng hơn vai. Hơi khuỵu gối đồng thời đẩy phần hông và mông ra sau. Đầu và cằm luôn hướng thẳng. Từ từ hạ thấp người cho đến khi đùi và mặt đất song song với nhau, dồn toàn bộ sức nặng cơ thể tập trung vào gót chân, đầu gối hướng về phía trước. Đứng thẳng người và trở lại tư thế ban đầu. Thực hiện động tác này từ 10 - 15 lần.
Với bài tập này, người bệnh cần thực hiện đều đặn mỗi ngày, kiên trì tập luyện trong khoảng từ 1 - 3 tháng để thấy được hiệu quả rõ rệt.
3. Cách tập không gây hại
Để đảm bảo an toàn và tránh gây hại trong quá trình tập luyện, người bệnh đái rắt cần tuân thủ những nguyên tắc dưới đây:
Bắt đầu nhẹ nhàng: Không nên tập quá nhiều bài tập hoặc kéo dài thời gian tập ngay từ đầu. Hãy bắt đầu với cường độ thấp, sau đó tăng dần mức độ và số lần lặp lại theo khuyến cáo.
Chú ý đến tư thế: Đảm bảo rằng tư thế tập luyện luôn đúng để tránh chấn thương. Ví dụ, khi thực hiện bài tập Kegel, tránh siết chặt các cơ khác như cơ bụng hoặc cơ đùi để đảm bảo tập trung vào cơ sàn chậu.
Lắng nghe cơ thể: Nếu cảm thấy đau hoặc khó chịu trong quá trình tập, hãy dừng ngay lập tức và kiểm tra lại kỹ thuật. Tập luyện không nên gây ra bất kỳ cảm giác đau đớn nào.
Thực hiện theo từng bước: Đối với mỗi bài tập, hãy chia nhỏ thành các bước dễ hiểu và làm theo một cách chậm rãi, để đảm bảo mỗi động tác được thực hiện chính xác.
Ngoài ra, bệnh nhân cần lưu ý không nên quá phụ thuộc vào các bài tập mà bỏ qua các phương pháp điều trị y tế khác nếu cần thiết. Tập luyện chỉ là một phần hỗ trợ trong điều trị viêm niệu đạo và không thay thế được các biện pháp điều trị khác.
Tóm lại, tập luyện đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ kiểm soát triệu chứng viêm niệu đạo, giúp người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống.