Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), ngày 6/11 vừa qua, Khoa Nội tiết - ĐTĐ Bệnh viện Hữu Nghị tổ chức Hội nghị dành cho bệnh nhân ĐTĐ thuộc câu lạc bộ (CLB) ĐTĐ của bệnh viện với mục tiêu: mang đến những thông tin cập nhật trên thế giới về việc điều trị và dự phòng các biến chứng do bệnh ĐTĐ gây ra.
Nơi giao lưu giữa các hội viên
CLB ĐTĐ Bệnh viện Hữu Nghị có tiền thân từ CLB ĐTĐ Hà Nội do Hội Nội tiết - ĐTĐ Hà Nội sáng lập. Thời gian đầu chỉ có rất ít thành viên, đến nay, CLB ĐTĐ của BV Hữu Nghị đã có 300 hội viên tham dự, trong đó 200 hội viên là bệnh nhân ĐTĐ thuộc Bệnh viện Hữu Nghị quản lý, 100 hội viên là bệnh nhân ĐTĐ trong phạm vi Hà Nội. Hoạt động thường quy 3 tháng 1 lần, qua các buổi sinh hoạt CLB ĐTĐ bệnh nhân đã được cung cấp những kiến thức trong việc khám, điều trị, phòng chống, phát hiện những biến chứng, chế độ ăn, chế độ luyện tập... của bệnh ĐTĐ do các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành của Bệnh viện Hữu Nghị và Trường Đại học Y Hà Nội cung cấp.
Tư vấn cho bệnh nhân đái tháo đường.
Tham gia từ những ngày đầu thành lập CLB, bệnh nhân Nguyễn Thị H. cho biết, đây thực sự là một sân chơi bổ ích cho những người mắc bệnh ĐTĐ như bà. Ở đây, bệnh nhân không chỉ được trao đổi thường xuyên với các bác sĩ về tình trạng sức khỏe của mình, được tư vấn kỹ về cách điều trị và dự phòng biến chứng, tăng cường hiểu biết mà đây còn là nơi để các hội viên giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về sức khỏe cũng như giao lưu văn hóa văn nghệ với nhau nên các hội viên rất vui và tình trạng sức khỏe được cải thiện nhiều. Cũng chính từ nơi này, một “ban nhạc” bao gồm các thành viên của CLB được thành lập. Bài hát “Bông sen trắng” của bệnh nhân Đào Vĩnh Thi sáng tác dành tặng riêng cho Khoa Nội tiết - ĐTĐ được các điều dưỡng của khoa tập luyện để cùng giao lưu văn nghệ với hội viên CLB.
Điều trị ĐTĐ phải kết hợp đa yếu tố
PGS.TS. Đỗ Trung Quân - Trưởng khoa Nội tiết - ĐTĐ, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết: ĐTĐ là một bệnh nguy hiểm và nó đang phát triển mạnh mẽ ở cả các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Theo Liên đoàn ĐTĐ thế giới, năm 2016 thế giới có 7,3 tỉ người thì có khoảng 8% người mắc bệnh ĐTĐ. Con số này tại Việt Nam là 5,7%, tương đương với khoảng 5 triệu người mắc bệnh ĐTĐ. Điều nguy hiểm là 50% bệnh nhân không được phát hiện sớm, đã gây hậu quả nghiêm trọng, bệnh nhân đã có các biến chứng nặng nề như: biến chứng tim mạch, biến chứng bàn chân, biến chứng thận, biến chứng mắt... Trong đó, biến chứng mắt gây mù lòa làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống của bệnh nhân… Đặc biệt, năm 2016, mục tiêu của Liên đoàn ĐTĐ quốc tế hướng tới là Phòng chống bệnh mắt ở bệnh nhân ĐTĐ. PGS.TS. Đỗ Trung Quân khuyến cáo: Đối với bệnh nhân ĐTĐ chưa bị biến chứng mắt thì mỗi năm một lần phải được kiểm tra mắt. Còn đối với bệnh nhân đã có biến chứng mắt thì 3 tháng một lần phải được kiểm tra. Việc điều trị bệnh mắt phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa chuyên khoa mắt và chuyên khoa nội tiết ĐTĐ.
Tuy nhiên, để điều trị bệnh ĐTĐ hiệu quả thì phải kết hợp giữa việc dùng thuốc cùng chế độ ăn uống và luyện tập. Theo PGS. Quân thì không có một chế độ dinh dưỡng và tập luyện chung cho tất cả bệnh nhân ĐTĐ mà phải phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, tôn giáo, tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân. Tuy nhiên, có một khuyến cáo chung là: việc luyện tập và chế độ ăn phải được diễn ra thường kỳ, lâu dài, không nên bỏ quên. Bởi nếu bệnh nhân chỉ bỏ qua không tập luyện 2 ngày thì kết quả luyện tập của những ngày trước đó không còn hiệu quả. Việc tập luyện và chế độ ăn uống góp phần rất lớn trong việc ổn định đường huyết. Ngay cả đối với bệnh nhân có đường huyết hơi cao, chưa có biến chứng, nếu có một chế độ ăn và luyện tập tốt đã có thể giúp đường huyết trở về bình thường mà không cần dùng thuốc.