Tình trạng ngân sách eo hẹp đã bàn công khai tại Quốc hội và nhiệm vụ thắt chặt chi tiêu được đặt ra khẩn thiết từ nay đến năm 2020. Bội chi và nợ công đang báo động đỏ là mối quan tâm của cả nước thì các công trình “hoành tráng” tại nhiều địa phương vẫn thi nhau mọc lên khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo các địa phương tạm dừng triển khai thực hiện việc đầu tư xây trung tâm hành chính tập trung là một quyết định hoàn toàn đúng đắn.
Cuộc đua bất thành văn xây trung tâm hành chính - chính trị ở các tỉnh đang diễn ra sôi động đã phải phanh lại. Tất nhiên sẽ có không ít người “thất vọng” trong những toan tính và hy vọng, song chắc chắn đại đa số người dân đồng tình, thậm chí rất hài lòng với quyết định của người đứng đầu Chính phủ.
Do nhu cầu của một số tỉnh, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho một số địa phương lập quy hoạch và chuẩn bị đầu tư xây trung tâm hành chính nhưng phải bảo đảm hiệu quả, sử dụng nguồn vốn từ chuyển đổi mục đích sử dụng đất các cơ sở nhà, đất hành chính cũ và ngân sách địa phương. Tuy nhiên, việc thực hiện đã không như chỉ đạo. Nhiều địa phương “tranh thủ” xây trụ sở tập trung trong khi các trụ sở cũ không bán được. Có những tỉnh coi đây là dịp xin Trung ương cấp vốn là chính, địa phương chỉ lo được phần vốn rất ít.
Như một phản ứng dây chuyền, tỉnh này xây, tỉnh khác cũng xin xây và phải hoành tráng hơn tỉnh xây trước dù trụ sở đang sử dụng khá khang trang và đẹp, các cơ quan thuộc tỉnh cách nhau không xa là mấy. Ngân sách Trung ương như bầu sữa, thành phố này được trợ vốn thì thành phố kia cũng xin cấp vốn, nhưng hiệu quả sử dụng mơ hồ còn tình trạng lãng phí đã thể hiện khá rõ trên thực tế vừa qua. Không gian làm việc (cũ và mới) của các trụ sở không thiếu, có thể là thừa trong khi hầu hết các tỉnh - thành đều nghèo, địa phương nào cũng kêu thiếu trường học, bệnh viện và nhiều công trình dân sinh khác.
Các địa phương thi nhau lập dự án, xin cấp tiền xây trụ sở nguy nga, xây tượng đài tráng lệ không phải không thấy thực trạng này nhưng vẫn đề xuất là vì sao? Phải chăng ngoài nguyên nhân cục bộ địa phương, lãnh đạo muốn để lại dấu ấn nhiệm kỳ còn có cả nguyên nhân vì lợi ích riêng bởi xây dựng là lĩnh vực khó xác minh cụ thể nhất. Nhỏ như ở các cơ quan lớn bé, mỗi lần có “tân quan” là mỗi lần phải có chuyện đập đi xây lại, nhỏ như xây cổng, tường bao, nhà vệ sinh, to thì sang sửa kho bãi, lớn hơn nữa thì... xây trụ sở!
Thấy những mâu thuẫn bất cập giữa những công trình hoành tráng trong khi địa phương còn khó khăn, dân còn nghèo, song vẫn làm phải chăng kinh phí xây dựng từ ngân sách là miếng bánh để số ít người liên quan cùng chia, cùng cắn, cùng thích bày vẽ? Không còn là sự yếu kém trong quản lý mà lớn hơn phải chăng là sự vô trách nhiệm, sự vô tâm, vô cảm?
Nước còn nghèo, dân còn khổ đang cần nhiều công trình thiết thực hơn. Nói cho công bằng, để xảy ra tình trạng đua xây trụ sở thời gian qua có phần lỗi của quản lý cấp vĩ mô. Nếu cơ quan hữu quan cấp trên kiểm soát chi tiêu chặt chẽ thì địa phương khó có những dự án đề xuất những công trình hoành tráng nhưng chưa thiết thực trong lúc này.
Không chỉ chuyện xây trung tâm hành chính mà thực tế đã được Quốc hội chỉ ra là tình trạng đầu tư công dàn trải và lãng phí, làm thế nào để chấm dứt? Chỉ cần ngăn chặn được dòng tiền thất thoát qua đầu tư công là ngân khố sẽ ổn hơn.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ “phanh” việc đầu tư xây trung tâm hành chính tập trung là hoàn toàn cần thiết. Hy vọng quyết định này là tiếng tuýt còi đầu tiên trước những dự án đầu tư thiếu thiết thực, gây lãng phí hiện nay.
Lưu Thủy