Chỉ tính riêng tháng 4/2018, Khoa Khám Chuyên sâu sản phụ khoa và sơ sinh, BV Phụ sản Hà Nội tiếp nhận gần 500 trường hợp đến sàng lọc ung thư cổ tử cung (UTCTC) và đã phát hiện 29 ca dương tính với HPV thuộc tuýp có nguy cơ cao gây UTCTC.
Theo các bác sĩ, đa số bệnh nhân chỉ tình cờ phát hiện bệnh khi đi khám phụ khoa mà chưa có ý thức sàng lọc để phòng ngừa căn bệnh này. Trong khi đó, điều đáng báo động là mỗi ngày ở nước ta có 7 phụ nữ tử vong vì UTCTC và 14 trường hợp mới được chẩn đoán mắc bệnh.
Đình chỉ thai 34 tuần vì mắc UTCTC
ThS.BS Nguyễn Thị Minh Thanh – Phó Trưởng khoa Khám chuyên sâu sản phụ khoa và sơ sinh, BV Phụ sản Hà Nội cho biết, UTCTC cùng với ung thư vú là 2 loại ung thư phổ biến ở phụ nữ. Tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 20.000 phụ nữ mắc, trong đó tỉ lệ tử vong lên đến 50%. Tuy nhiên, cả 2 loại ung thư này đều có thể dự phòng, phát hiện sớm một cách đơn giản và có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm. Song điều đáng nói là hiện nay rất ít người chủ động đi khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư, chỉ đến khi bệnh nặng mới đi viện.
BS. Thanh chia sẻ, chị nhớ mãi câu chuyện của một phụ nữ phải đình chỉ thai 34 tuần tuổi vì mắc UTCTC mà không biết. Người phụ nữ này khi đang mang thai ở tuần thứ 32 bỗng dưng có biểu hiện ra máu âm đạo nhưng cứ nghĩ mình bị động thai, doạ sảy. Khi đến khám tại BV Phụ sản Hà Nội, các bác sĩ đã phát hiện các tổ chức sùi ở bệnh nhân UTCTC giai đoạn 2 và đến tuần thai thứ 34, bệnh nhân buộc phải phải mổ chủ động lấy thai. Đây là trường hợp rất đáng tiếc vì nếu trước đó bệnh nhân đi khám phát hiện bệnh sớm, điều trị ổn định mới mang thai thì sẽ không phải làm như vậy.
BS. Minh Thanh tư vấn cho bệnh nhân đến khám tại khoa Khám chuyên sâu sản phụ khoa và sơ sinh, BV Phụ sản Hà Nội.
Trường hợp khác, bệnh nhân mới 23 tuổi, chưa lập gia đình, chưa có con. Sau khi có quan hệ tình dục, bệnh nhân thấy có biểu hiện ra máu nên đã đi khám tại BV Phụ sản Hà Nội. Kết quả, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân dương tính với HPV tuýp 16 – tuýp nguy cơ cao gây UTCTC. Bệnh nhân đã có tổn thương ở biểu mô, giai đoạn đầu của UTCTC. Bệnh nhân bày tỏ lo lắng vì 3 tháng nữa là kết hôn và có ý định sinh con ngay.
Trước thực tế đó, các bác sĩ đã hết sức cân nhắc trong điều trị để bảo toàn khả năng làm mẹ cho bệnh nhân. May mắn, do mới ở giai đoạn đầu của bệnh nên các bác sĩ đã tiến hành cắt tổn thương tại chỗ, khâu vòng cổ tử cung, tư vấn cho bệnh nhân để có thể dễ thụ thai sau khi điều trị ổn định.
Nên chủ động đi khám sàng lọc phát hiện sớm UTCTC
Theo BS. Minh Thanh, UTCTC là bệnh do virus HPV gây ra, và có đến hơn 100 chủng HPV. Trong đó chủng 16 và 18 dẫn đến 70% trường hợp UTCTC; chủng 6 và 11 dẫn đến 90% trường hợp mụn cóc sinh dục. Chủng HPV nguy cơ cao còn là tác nhân gây ra 50% ung thư âm hộ và 65% ung thư âm đạo. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là tiếp xúc tình dục (sinh dục, tay, miệng); qua vật dùng (đồ lót, găng phẫu thuật, kìm bấm sinh thiết…); lây truyền dọc từ mẹ sang con. Hầu hết phụ nữ bị nhiễm HPV ít nhất một lần trong đời.
“Giai đoạn đầu của UTCTC gần như không có triệu chứng rõ ràng. Đến khi chị em thấy quan hệ ra máu, hoặc có biểu hiện mới đến BV khám thì hầu như bệnh đã ở vào giai đoạn 2, lúc này việc điều trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Hiện nay, đa số chị em đến khám vì các biểu hiện về viêm nhiễm phụ khoa, được bác sĩ tư vấn sàng lọc mới phát hiện ra bệnh UTCTC chứ ít người chủ động đến sàng lọc phát hiện sớm bệnh này để điều trị. Trên thực tế, có trường hợp bệnh nhân 50 tuổi sau khi phát hiện có vi khuẩn HPV thuộc tuýp nguy cơ gây bệnh ung thư cao nhưng nhờ sàng lọc thường xuyên và điều trị đúng thì bệnh hoàn toàn ổn định”- BS. Minh Thanh cho biết thêm.
Theo khuyến cáo của giới chuyên gia, phụ nữ nên làm xét nghiệm sàng lọc tế bào ung thư bắt đầu từ 21 tuổi trở lên và làm mỗi năm 1 lần; sàng lọc virus HPV từ 2-3 lần/năm để kịp thời phát hiện chủng virus HPV gây bệnh cao.
Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ nên làm xét nghiệm sàng lọc tế bào ung thư để phát hiện sớm bệnh. Ảnh minh hoạ.
Tại BV Phụ sản Hà Nội hiện nay đã cập nhật hầu hết các phương pháp sàng lọc phát hiện UTCTC hiện đại trên thế giới. Bắt đầu từ tháng 4/2018, BV Phụ sản Hà Nội cũng đã thực hiện chương trình sàng lọc, phát hiện sớm ung thư phụ khoa gồm: Khám và phát hiện sớm ung thư vú; Khám và phát hiện sớm ung thư cổ tử cung và tiêm vắc xin phòng chống ung thư cổ tử cung. Tất cả những bệnh nhân khi tham gia vào chương trình sàng lọc ung thư tại BV sẽ được khám và lập hồ sơ quản lý miễn phí để phát hiện sớm và theo dõi ung thư suốt đời.
Tiêm vắc xin phòng bệnh UTCTC hiệu quả
Theo BS. Minh Thanh, tiêm vắc xin phòng bệnh là biện pháp rất hữu hiệu giúp phòng ngừa HPV, hiệu quả 99% phòng chống nhiễm virus HPV. Vắc xin đã được lưu hành ở khoảng 130 quốc gia trên toàn thế giới. Năm 2009, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo đưa vắc xin phòng HPV vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Hiện nay có hơn 60 quốc gia đã đưa vắc xin này vào chương trình tiêm chủng mở rộng.
Trước câu hỏi nhiều người băn khoăn, liệu đã nhiễm virus HPV thì vắc xin còn tác dụng không? BS. Thanh giải thích, virus HPV có nhiều chủng nên việc tiêm vắc xin vẫn rất cần thiết để bảo vệ chúng ta khỏi các chủng HPV khác. Tiêm vắc xin phòng bệnh giúp tạo kháng thể đủ mạnh để phòng ngừa nhiễm và tái nhiễm HPV. Các bác sĩ khuyến cáo tiêm phòng UTCTC cho tất cả bé gái và phụ nữ từ 9-26 tuổi mà không cần thiết làm xét nghiệm tầm soát PAP và HPV DNA hoặc kháng thể HPV trước khi tiêm vắc xin phòng HPV.
“Phụ nữ đã quan hệ tình dục hoặc đã lập gia đình vẫn nên tiêm vắc xin phòng HPV để phòng tái nhiễm hoặc phòng các chủng HPV chưa bị nhiễm. Song song với việc tiêm vắc xin, chị em nên đi khám phụ khoa và làm các xét nghiệm PAP để tầm soát phát hiện sớm UTCTC”- BS. Thanh tư vấn.