Theo lời kể của gia đình bệnh nhân, gia đình chị có 4 người, hai vợ chồng chị và 2 con trai. Cả bốn người trong gia đình chị rất yêu và chiều chuộng chú chó cưng này, và cậu con trai út thì gắn bó với chú chó này hơn cả. Một ngày, chị thấy đôi giầy của cậu con út vứt lung tung chị cúi xuống sếp lại trên kệ giày cho ngăn nắp. Vì chú chó giữ đồ cho chủ nên khi nhìn thấy chị cầm dép của con, con chó đứng cạnh đó “làm” luôn một “đớp” và lấy đi chiếc mũi của chị. Phải qua nhiều lần phẫu thuật các bác sĩ mới tạo lại hình dáng mũi cho chị.
Bs. Nguyễn Anh Tuấn, Khoa tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP. Hồ Chí Minh cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mất chóp mũi, sống mũi và cánh mũi phải. Các bác sĩ đã phải trải qua gần 7 tháng sau 3 lần phẫu thuật mới tạo hình mũi hoàn chỉnh cho bệnh nhân. BS. Anh Tuấn cũng cho biết, bản thân anh và các đồng nghiệp đã gặp và xử trí rất nhiều trường hợp bị mất tai, mũi do bạn cắn, thường là trong cơn say hoặc trạng thái thần kinh bị kích thích mạnh.
Việc, chó nhà nuôi cắn chủ đã không còn hiếm và mức độ nguy hiểm cũng ngày càng đáng báo động. Năm 2018 một con chó nhà đã cắn bé 8 tháng tuổi tử vong, gần khoảng thời gian đó một người đàn ông ở Minh Khai, Hà Nội cũng tử vong do chó cắn. Cũng trong năm này, ở các địa phương như Nghệ An, Thanh Hoá, Phú Thọ… xảy ra nhiều tai nạn thương tâm do chó nhà cắn.
Hình ảnh mũi nhìn nghiêng khi bị chó cắn và hình ảnh mũi sau khi được tạo hình
Theo đó, vào ngày tháng 11, bênh viện Nhi Thanh Hóa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhi bị chó cắn. Gia đình bé cho biết, trong lúc chơi đùa ở ngoài ngõ thì bé bị chó cắn khiến mặt bé bê bết máu, chi chít vết thương. Còn tại Nghệ An, cùng khoảng thời gian này bé Trần Thị Hải Y. 31 tháng tuổi, trú tại huyện Đô Lương, Nghệ An cũng nhập viện Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng bị nhiều vết thương ở vùng mặt do chó cắn. Thậm chí vết thương sâu đến xương nên phải tiến hành phẫu thuật cấp cứu, khâu phục hồi khuôn mặt. Bác sĩ cho biết, vết thương tại vùng mặt của bệnh nhi rất dễ tạo sẹo, tuy nhiên mức độ sẹo nhiều hay ít còn tùy thuộc vào cơ địa của cháu.
Xử trí khi bị vật nuôi cắn
Kiểm tra vết cắn trên người để xác định mức độ nặng nhẹ:
bị bao nhiêu vết cắn trên người, ở vị trí nào?
Vết thương có nặng không: Có bị trầy, xước ngoài da hay bị cắn sâu và chảy máu?
Xử lý tại nhà:
Rửa vết thương bằng nước sạch và xà phòng, nên xả nước mạnh vào vết thương trong khoảng 5 phút. Không lấy chanh hoặc các lá cây thoa lên vết thương vì các thể gây tổn thương hoặc làm tình trạng nhiễm trùng nặng hơn.
Sát trùng vết thương bằng dung dịch sát khuẩn (cồn 700 hoặc dung dịch iod).
Băng hờ vết thương bằng vải sạch và mềm.
Đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được bác sĩ điều trị.
Cấp cứu: Nếu như vết thương nghiêm trọng (vết cắn rất sâu, bị chảy máu nhiều), xuất hiện dấu hiệu mất máu, mệt, ngất xỉu, da xanh tái… thì gia đình cần phải đưa ngay đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Tiêm phòng dại: Nếu không may bị chó cắn đều cần được tiêm phòng dại càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, tùy vào tình trạng vết thương bác sĩ sẽ quyết định xem có nên tiêm ngừa uốn ván và tiêm huyết thanh kháng dại hay không.
Theo dõi vật nuôi:
Sau khi bị cắn, bên cạnh việc theo dõi sức khỏe của người bệnh, gia đình còn phải theo dõi vật nuôi đó trong vòng 10 ngày xem chúng có phát bệnh dại hay không.