Một nửa số bãi biển trên thế giới có thể biến mất do nước biển dâng vào cuối thế kỷ

04-03-2020 14:20 | Quốc tế

SKĐS - Các nhà khoa học cho biết một nửa số bãi biển trên thế giới có thể biến mất vào cuối thế kỷ nếu tình trạng biến đổi khí hậu không được kiểm soát.

Các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Liên minh châu Âu (EU) ở Ispra, Italia sử dụng hình ảnh vệ tinh để theo dõi các bãi biển đã có sự thay đổi trong vòng 30 năm qua nhằm dự báo về tác động của tình trạng nóng lên toàn cầu.

Theo nhà nghiên cứu Michalis Vousdoukas, vào cuối thế kỷ, một nửa số bãi biển trên thế giới sẽ chịu tác động của sự xói mòn tới hơn 100m vào đất liền. Mức độ nguy hiểm tùy thuộc vào nhiệt độ tăng trung bình vào năm 2100. Nhiệt độ càng tăng thì nước biển càng dâng cao và thêm các cơn bão mạnh ở một số vùng. Bãi biển là nguồn tài nguyên quý giá về du lịch, giải trí và bảo tồn đời sống hoang dã, đồng thời là lá chắn bảo vệ cộng đồng khỏi sóng và bão.

Một số nước sẽ chịu tác động nhiều hơn các nơi khác. Gambia và Guinea-Bissau có thể mất hơn 60% bãi biển. Trong khi dự báo Pakistan, Jersey và quần đảo Comoros còn chịu tác động kinh hoàng hơn. Australia có 7 nghìn dặm đường bờ biển (hơn 11 nghìn km) gặp nguy hiểm. Mỹ, Canada, Mexico, Trung Quốc, Nga, Argentina và Chile cũng sẽ mất hàng nghìn dặm bãi biển.


LiLy
Ý kiến của bạn