Ngày 3/3 hàng năm được thế giới lấy là ngày quốc tế chăm sóc thính lực. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng một nửa của tất cả các trường hợp mất thính lực có thể dễ dàng ngăn ngừa được, và những người khác có thể được điều trị thông qua chẩn đoán sớm và can thiệp thích hợp.
Đeo tai nghe thường xuyên với âm lượng quá lớn có thể dẫn tới mất thính lực
Nguyên nhân chính gây mất thính lực có thể do di truyền, biến chứng khi sinh, bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn tai mạn tính, tác dụng phụ của thuốc, tiếp xúc với tiếng ồn quá lớn hoặc lão thính. Mất thính lực gây ra các tác hại cho sức khỏe thể chất, tinh thần, giáo dục và việc làm, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Trong khi đó, một nửa các trường hợp có tránh được thông qua việc phòng ngừa ban đầu. Chẳng hạn như, bà mẹ mang thai thực hiện đầy đủ tiêm phòng rubella, có thể giúp con phòng tránh được một trong những biến chứng của rubella là gây mất thính lực sau này; hoặc hạn chế tiếp xúc với tiềng ồn như nghe nhạc âm lượng quá lớn,.... Vì vậy ngày 3/3 đã được Tổ chức Y tế Thế giới chọn là ngày Chăm sóc Thính lực Thế giới để nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của việc chăm sóc và bảo vệ thính lực.
Nhân ngày Chăm sóc Thính lực Thế giới 2016, bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh Xã hội cho biết Việt Nam có khoảng 1,3 triệu trẻ em khuyết tật, trong đó trẻ khiếm thính chiếm trên 12%. Trẻ em khiếm thính là một thiệt thòi rất lớn. Ngày nay, nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, nhờ có các phương tiện trợ thính phù hợp thì trẻ em khiếm thính có thể nghe được, phát triển được ngôn ngữ nói. Tuy vậy, để giúp trẻ có thể vượt qua thiệt thòi này, rất cần sự quan tâm của cha mẹ, của cộng đồng để cho trẻ em khiếm thính phát triển hòa nhập với xã hội, có cuộc sống tốt đẹp hơn.