Hà Nội

Một nốt ban hồng nhỏ cũng có thể là dấu hiệu bệnh tay chân miệng

13-04-2021 14:34 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM hiện đang tiếp nhận điều trị hơn 40 bệnh nhi tay chân miệng các cấp độ. Số lượng bệnh nhi mắc bệnh này đang tăng lên từng ngày về lượng và nặng nề cả về các biến chứng thần kinh tim mạch.

Ban đầu chỉ là một nốt hồng ban nhỏ, bệnh vẫn tiến triển nhanh bất ngờ

Bé gái T.V.M.N (6 tháng tuổi - Đồng Tháp), bệnh 4 ngày với dấu hiệu sốt và ói liên tục. Gia đình cho bé đi khám nhiều nơi không ra bệnh, cuối cùng đi khám bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố, bệnh trở nặng nhanh một cách bất ngờ.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng bứt rứt, lơ mơ, mạch đập nhanh dồn dập trên 200 lần mỗi phút. Các bác sĩ phát hiện nốt hồng ban nhỏ đơn độc tại ngón chân trẻ, mẹ cũng hốt hoảng nhớ lại bé có giật mình khi ngủ và yếu hai chân.

Nốt hồng ban nhỏ đơn độc tại ngón chân trẻ.

Các bác sĩ nhanh chóng nghĩ ngay đến bệnh tay chân miệng độ nặng nhất, khẩn trương đặt ống thở hỗ trợ thở máy.

Lúc này, bệnh nhi đã có dấu hiệu trào bọt hồng, huyết áp cao và phù phổi, chủ động xét nghiệm dịch phết họng và phết trực tràng của trẻ ra tác nhân Virus EV71, một chủng dễ chuyển nặng và gây viêm não của bệnh tay chân miệng.

Các bác sĩ nhanh chóng sử dụng huyết thanh miễn dịch tiêm mạch, thiết lập đường truyền trung tâm, tiến hành lọc máu khẩn.

Ngay lập tức, BSCKII Lê Vũ Phượng Thy - Trưởng khoa Hồi Sức Tích Cực - Chống Độc huy động ekip trực nhanh chóng sử dụng huyết thanh miễn dịch tiêm mạch, thiết lập đường truyền trung tâm, tiến hành lọc máu khẩn trong ngày, lọc bớt độc chất và giảm gánh nặng cho quả tim cũng đang tổn thương dần vì đập quá nhanh.

Rất may sau khi áp dụng các biện pháp tích cực, chỉ sau hai ngày, trẻ đáp ứng phác đồ điều trị, mạch giảm còn 140 lần mỗi phút, men tim hồi phục, tỉnh táo dần và đang được theo dõi sát sao tiến trình hồi phục.


Bệnh nhi đáp ứng phác đồ điều trị, rất may đã qua cơn nguy kịch.

Theo các bác sĩ, bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh lưu hành quanh năm lây truyền qua đường tiêu hóa và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố, thường ghi nhận số mắc gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 4 - 5 và tháng 9 - 10 hàng năm.

Trẻ dễ bị nhiễm bệnh do liên quan đến thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo, đặc biệt kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên

Chăm sóc trẻ bệnh tay chân miệng tại nhà như thế nào?

Trẻ bệnh tay chân miệng chỉ có sốt nhẹ < 38,50C, loét miệng, hồng ban mụn nước lòng bàn tay chân, tỉnh táo, chơi, thường được bác sĩ cho điều trị ngoại trú.

Phụ huynh cần lưu ý chăm sóc trẻ như sau: Uống thuốc theo toa bác sĩ: hạ sốt, giảm đau, đa sinh tố. Hạ sốt khi sốt > 380C bằng Paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần (uống) có thể lặp lại mỗi 4- 6 giờ khi sốt lại.

Dinh dưỡng đầy đủ theo tuổi, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, tránh thức ăn chua, cay,… Trẻ còn bú cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ. Trẻ thường đau họng miệng do vết loét nên có thể sử dụng thuốc tráng niêm mạc dạng sữa nhũ dịch như phosphalugel hoặc varogel hoặc trimafort,…cho trẻ ngậm nuốt 1-2ml /lần để dịu cơn đau rồi mới cho trẻ ăn.

Vệ sinh răng miệng.

Cho trẻ nghỉ học, nghỉ ngơi tại nhà, tránh kích thích và cách lý với trẻ khác.

Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh.Trẻ có sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ.

Phụ huynh lưu ý khi trẻ có biểu hiện một trong các dấu hiệu cảnh báo nặng sau, phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay:

Sốt cao

Thở bất thường

Quấy khóc liên tục

Khó ngủ hoặc ngủ li bì hoặc ngủ gà

Giật mình, hốt hoảng, chới với

Ngồi không vững hoặc đi loạng choạng

Run tay, chân hoặc co giật

Vã mồ hôi

Nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú

Yếu tay chân

Da nổi bông, vân tím hoặc xanh tái.

Hiện chưa có vaccine phòng ngừa bệnh, chủ yếu là phòng ngừa tổng quát, phụ huynh lưu ý:

- Mang khẩu trang, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà bông, đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, tiếp xúc phân, nước bọt khăn trải giường của trẻ.

- Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, tay nắm cửa, thanh vịn, lan can, sàn nhà.

- Lau sàn bằng nước xà bông.

- Cách ly trẻ bệnh tại nhà, không cho đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.

 


Khánh Chi
Ý kiến của bạn